Thứ Tư, 09/07/2014, 07:30 (GMT+7)
.

Bài 1: Báo động tình trạng rừng phòng hộ bị xâm thực

Rừng phòng hộ ven biển Gò Công đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vùng cửa sông và ven biển trước hiện tượng xâm thực của sóng biển, gió bão. Thời gian qua, công tác bảo vệ rừng phòng hộ đã được ngành chức năng cùng địa phương quan tâm nhưng trước tác động của biến đổi khí hậu, rừng phòng hộ ven biển Gò Công đang bị xâm thực nghiêm trọng cần có giải pháp phục hồi.

Đi dọc trên tuyến đê biển Gò Công bắt đầu từ xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (GCĐ), chúng tôi không khỏi xót xa vì hình ảnh từng mảng rừng phòng hộ (còn gọi là đai rừng) bị nước biển xâm thực.

Tôi còn nhớ vào năm 2006, dọc theo đê biển là cảnh rừng đước trải dài mênh mông phía ngoài đê biển như một lá chắn xanh bảo vệ đê biển trước những cơn sóng biển liên tục đánh vào bờ; đặc biệt là bảo vệ đê biển vững vàng trước những cơn sóng lớn trong mùa gió chướng hay những cơn bão lớn.

Vậy mà, trước mắt tôi hiện nay chỉ trơ trọi một vài vạt rừng đước còn sót lại nằm lẻ loi, phơi gốc rễ trước những cơn sóng xô bờ. Nguy hiểm hơn, ngay tại cống Rạch Bùn (xã Tân Điền), toàn bộ khoảnh rừng phòng hộ đã bị xóa sổ, đẩy con đê biển ra đối diện trực tiếp với nước biển. Sát chân đê biển là bãi cát do sóng biển đẩy vào, là nơi mà khó có loại cây nào sống được.

Đê biển đang trực diện với biển. Ảnh: Tuấn Lâm
Đê biển đang trực diện với biển. Ảnh: Tuấn Lâm

Anh Lê Công Hoàn, cán bộ Hạt Quản lý đê (Chi cục Thủy lợi & Phòng chống lụt bão (PCLB) thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), người phụ trách rừng phòng hộ trên tuyến đê biển xung yếu, dẫn chúng tôi đi kiểm tra những đoạn đai rừng đã bị nước biển nuốt chửng.

Chỉ tay vào những đoạn chân đê biển đang bị nước biển ngấp nghé đánh vào gây ra hiện tượng bào mòn rõ mồn một, anh tiếc rẻ: “Hơn 15 năm gắn bó với rừng phòng hộ trên tuyến đê biển, chưa bao giờ tôi thấy rừng bị nước biển xâm thực dữ dội như trong 10 năm trở lại đây.

Đặc biệt, chỉ trong 4 tháng mùa khô 2013 - 2014 (tháng 11-2013 đến 2-2014), dọc theo tuyến đê biển Gò Công đã xuất hiện thêm nhiều điểm xâm thực mạnh khiến đai rừng không còn hoặc còn nhưng chỉ có chiều dầy vài chục mét trở lại”.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), do biển Gò Công chạy theo hướng Bắc Nam nên vào mùa chướng, đường bờ biển phải hứng chịu tác động trực tiếp của sóng lớn trong khoảng thời gian kéo dài từ 4 - 5 tháng.

Mặt khác, bờ biển Gò Công bị chia cắt bởi các cửa sông lớn là Soài Rạp, cửa Tiểu và cửa Đại nên chế độ thủy văn, thủy lực ở đây rất phức tạp (ảnh hưởng của chế độ dòng chảy, bùn cát 2 cửa sông, thủy triều biển, dòng chảy ven bờ do sóng tạo nên). Điều này dẫn tới diễn biến đường bờ theo cả không gian và thời gian rất khó kiểm soát, mà một trong những hậu quả là nhiều diện tích rừng phòng hộ bị xâm thực và biến mất.

Kết quả thống kê cho thấy, diện tích đai rừng phòng hộ cặp theo tuyến đê biển khoảng 20 km đối diện trực tiếp với biển vào năm 2006 đến nay đã bị xâm thực chỉ còn 197,21 ha. Điều này đe dọa đến sự an toàn của đê biển Gò Công cũng như tính mạng và tài sản của khoảng 330.000 dân sống bên trong đê.

Cũng theo đánh giá của Sở NN&PTNT về diễn biến rừng phòng hộ ở biển Gò Công qua các thời kỳ, trước kia Tiền Giang đã từng có diện tích rừng ngập mặn lớn hơn rất nhiều so với hiện nay. Bề dầy của đai rừng ngập mặn tính từ đường bờ ra ngoài từ vài trăm mét đến cả cây số.

Tuy nhiên, diện tích rừng càng lúc càng thu hẹp vì nhiều nguyên nhân như rải chất khai hoang trong thời chiến (các năm 1969 - 1972), chặt phá làm chất đốt, làm vật liệu xây nhà… trong thời gian đầu sau khi hòa bình lập lại.

Từ năm 1980 đến nay (nhất là từ khi có Chương trình 327, Chương trình 661 của Trung ương), công tác trồng rừng đã được quan tâm thực hiện. Trong giai đoạn 1993 - 1995 rừng trồng mới và trồng dặm đều phát triển tốt. Riêng rừng trồng mới trong phạm vi đoạn xung yếu với chiều dài khoảng 700 m tuy đã trồng nhiều năm nhưng không sống được.

Giai đoạn 2006 - 2014 đã trồng mới và trồng xen 78,625 ha tại huyện GCĐ, 443,68 ha tại huyện Tân Phú Đông (TPĐ). Tuy nhiên, hiện bờ biển GCĐ vẫn còn 2.900 mét chiều dài không còn rừng phòng hộ bên ngoài. Đến nay, toàn tỉnh có 1.658,6 ha rừng phòng hộ ven biển, trong đó huyện GCĐ có 606,15 ha, huyện TPĐ 1.052,45 ha.

Ngày 7-4-2013, trong chuyến làm việc với các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau về tình hình đê biển, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện sớm các phương án xây dựng đê biển để trình duyệt. Đặc biệt là phải có chính sách bảo vệ rừng phòng hộ.

Riêng với những điểm sạt lở và sắp sạt lở phải làm kè ngay. Các tỉnh cần bắt tay nhanh vào việc xây dựng đê biển vì thời gian không còn nhiều trước diễn biến của biến đổi khí hậu.

Thực tế cho thấy, trong 10 năm qua rừng phòng hộ ven biển Gò Công bị xâm thực ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt có những vị trí mất rừng từ 8 - 10 m/năm mà chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Hiện nay, dọc theo tuyến đê biển Gò Công bề dày đai rừng phòng hộ còn lại rất mỏng, từ 30 - 300 m. Đặc biệt từ cống rạch Xẻo về cống Tân Thành nhiều nơi rừng không còn. Tại những vị trí này đê đã được kè bảo vệ mái với chiều dài hiện nay khoảng 2.957 m.

Còn tại huyện TPĐ, theo quan trắc hàng năm mức độ xâm thực tuyến cửa Đại không đáng kể, cục bộ có những vị trí xâm thực từ 1 - 2 m. Riêng khu vực đuôi Cồn Cống (xã Phú Tân) xâm thực từ 10 - 15 m hàng năm.

Ông Võ Đức Phong, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê của tỉnh, cho biết: Hiện trạng đai rừng phòng hộ ven biển Gò Công (huyện GCĐ) bị xâm thực nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn tuyến đê biển.

Tại những vị trí rừng phòng hộ không còn, đê trực diện với biển hoặc đai rừng mỏng đã được đầu tư kinh phí kè bảo vệ mái đê. Đến cuối năm 2013, tổng chiều dài kè bảo vệ mái đê là 3.457m. Hiện nay đang tiếp tục đầu tư kinh phí kè bảo vệ mái đê với chiều dài 663 m.

Và cũng theo kết quả báo cáo mới nhất vào ngày 12-5-2014 của Hạt Quản lý đê, đoạn từ cống Rạch Bùn cũ (từ Km9+00-Km25+500) chiều dài 2.640 m đai rừng hiện nay cũng đang bị xâm thực nghiêm trọng; phần đai rừng còn lại từ 5 - 70 m.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi & PCLB tỉnh, đánh giá: Tại đoạn đê biển xung yếu, rừng bị xói lở nghiêm trọng, đê trực diện với biển nên nguy cơ bị vỡ đê là rất cao, đặc biệt là khi có bão và áp thấp nhiệt đới.

HOÀNG AN

Bài 2: Phục hồi, phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ

Rừng ngập mặn, rừng phòng hộ có vai trò, chức năng to lớn trong việc bảo vệ môi trường và chống lại các tác động rủi ro trong xu thế biến đổi khí hậu: Rừng làm chậm dòng chảy và phát tán rộng nước triều nhờ hệ thống rễ dày đặt trên mặt đất của các loài cây đước, vẹt, mắm, bần,…làm cản sóng, tích lũy phù sa, mùn bã thực vật tại chỗ, có tác dụng làm chậm dòng chảy, sóng biển; làm chậm chảy tràn trên mặt đất, nước theo hệ thống rễ thấm vào đất, bổ cập vào nguồn nước dưới đất. Rừng làm giảm mạnh độ cao của sóng khi triều cường và bảo vệ đê biển.

 

.
.
.