Thứ Tư, 19/11/2014, 15:01 (GMT+7)
.
ÔNG TRẦN TRỌNG HÙNG, GIÁM ĐỐC AGRIBANK CHI NHÁNH TIỀN GIANG:

Sẵn sàng nguồn vốn phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Khi bàn về câu chuyện nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là đối với các xã xây dựng nông thôn mới (NTM) theo chủ trương chung của Trung ương và của tỉnh, ông Trần Trọng Hùng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Tiền Giang, cho rằng:

Ông Trần Trọng Hùng, Giám đốc Agribank Chi nhánh Tiền Giang.
Ông Trần Trọng Hùng, Giám đốc Agribank Chi nhánh Tiền Giang.

Agribank Chi nhánh Tiền Giang luôn xác định là sẽ ưu tiên nguồn vốn để cho vay phục vụ xây dựng NTM theo chủ trương chung của Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam.

Theo kế hoạch được phân bổ, Agribank Chi nhánh Tiền Giang nhận hỗ trợ về vốn cho 3 xã xây dựng NTM là: Xã Tân Thới (huyện Tân Phú Đông), xã Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo) và xã Tam Bình (huyện Cai Lậy).

Nói chung, người dân ở các xã này nên yên tâm về nguồn vốn vay để sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế theo chủ trương chung là xây dựng NTM. Trong trường hợp nếu xảy ra tình trạng khan hiếm về nguồn vốn cho vay, các xã này vẫn được ưu tiên vốn trước.

Trái lại, hiện tại hệ thống NH lại đang thừa vốn nên không lo ngại về nguồn vốn cho vay và hầu như nhu cầu về vốn vay ở các xã này cũng đã được lấp đầy. Chỉ riêng về các gói tín dụng ưu đãi về lãi suất rất thấp, cũng như các NH khác, Agribank Chi nhánh Tiền Giang cũng rất khó triển khai do các đối tượng vay không đáp ứng được điều kiện vay vốn theo quy định chung của hệ thống tín dụng.

* Phóng viên (PV): Là đơn vị có thị phần lớn trong việc cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông có thể đánh giá về chất lượng tín dụng của nhóm đối tượng này?

* Ông Trần Trọng Hùng: Đối tượng vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện chiếm 91,2% trong tổng số dư nợ cho vay của Agribank Chi nhánh Tiền Giang. Đánh giá về chất lượng sử dụng vốn của Agribank Chi nhánh Tiền Giang cho thấy rằng, hiệu quả sử dụng vốn trong lĩnh vực này thời gian qua là rất tốt, tỷ lệ nợ xấu của Agribank Chi nhánh Tiền Giang đến tháng 10 chỉ chiếm 0,96%.

Số nợ xấu này chỉ rơi vào một số mô hình sản xuất - kinh doanh lớn, còn đối với nông dân cũng có nhưng với số lượng rất ít. Cho nên cũng có thực tế hồ sơ về nợ xấu chuyển sang cơ quan pháp luật nhờ giải quyết của Agribank Chi nhánh Tiền Giang thời gian qua có số lượng đối tượng vay tương đối lớn nhưng tổng số tiền nợ xấu rất ít, trong khi một số NH khác thì ngược lại.

Chính hiệu quả sử dụng vốn và sự phân tán về nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên hiện tại không ít NH đang chuyển dịch dư nợ cho vay sang nhóm đối tượng này, nên cạnh tranh giữa các NH thương mại hiện cũng rất gay gắt.

* PV: Ông có thể lý giải thêm vì sao có sự dịch chuyển về đối tượng cho vay của không ít NH thương mại thời gian gần đây?

* Ông Trần Trọng Hùng: Hiện nay, các NH thương mại khác đang cạnh tranh với Agribank trong lĩnh vực này theo hướng thay đổi cơ cấu nguồn vốn cho vay, xâm nhập mạnh vào việc cho vay mô hình kinh tế hộ. Các NH thương mại trên địa bàn tỉnh đang cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư, không tập trung đầu tư vào doanh nghiệp (DN) và chuyển dần vào cho vay kinh tế hộ, đối tượng mà Agribank Chi nhánh Tiền Giang đã làm từ trước đến nay.

Bởi cái chính và thực chất là các NH đang thừa vốn. Câu hỏi đặt ra từ thực tiễn là trên địa bàn tỉnh hiện tại có bao nhiêu DN làm ăn tốt, những DN này lại có địa chỉ từ các NH từ trước đến nay, nên muốn tăng trưởng dư nợ nhóm đối tượng này cũng không dễ, buộc lòng phải chuyển sang nhóm đối tượng khách hàng khác. Vả lại tập trung vào đối tượng nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vẻ “chắc ăn” hơn nhờ phân tán rủi ro hơn các đối tượng vay khác.

Điều này các NH thương mại đều nhìn thấy. Tuy nhiên, có thực tế là trước đây các NH thương mại muốn tập trung cho vay các món lớn để dễ quản lý, trong khi chi phí bỏ ra lại thấp. Nhưng không ngờ là thời gian qua kinh tế trồi sụt, nên đầu tư vốn cho đối tượng vay là DN rất dễ dẫn đến rủi ro lớn. Thực tế cũng đã chứng minh điều này.

Sẵn sàng vốn phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Sẵn sàng vốn phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

* PV: Thực tế là các NH thương mại trên địa bàn tỉnh hiện đang thừa vốn tương đối lớn, còn Agribank Chi nhánh Tiền Giang thì như thế nào, thưa ông?

* Ông Trần Trọng Hùng: Agribank Tiền Giang cũng không nằm ngoài thực tế chung này. Cụ thể, hiện tại Agribank cũng đang thừa trên 1.000 tỷ đồng nhưng rất khó tăng dư nợ cho vay. Trong 10 tháng qua, tỷ lệ tăng dư nợ của Agribank Chi nhánh Tiền Giang cũng chỉ 3,4%, tương đương tăng 224 tỷ đồng, với tổng dư nợ 6.854 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là do DN đang khó khăn, trong khi nhu cầu vay vốn của hộ gia đình cũng có chừng mực. Còn nếu nhu cầu vay của nhóm đối tượng này tăng lên thì chính NH cũng rất ái ngại, bởi năng lực sản xuất của đối tượng này cũng chỉ ở chừng mực như thế. Đầu năm 2014, Trung ương giao chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ cả năm là 13%, gần đây Agribank Chi nhánh Tiền Giang đã xin điều chỉnh chỉ tiêu tăng dư nợ còn 10% nhưng cố gắng lắm mới đạt chỉ tiêu này.

Hy vọng dư nợ tăng mạnh là nhờ nhu cầu về vốn để kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Riêng lĩnh vực huy động vốn thì ngược lại. Trong 10 tháng, Agribank Chi nhánh Tiền Giang đã huy động vốn đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 1.845 tỷ đồng, tương đương 23% so với đầu năm 2014. Điều này một phần cũng nhờ có lợi thế là thương hiệu của Agribank, nên mặc dù lãi suất thấp nhưng tổng huy động vốn vẫn cứ tăng.

* PV: Tất nhiên Agribank Chi nhánh Tiền Giang sẽ lựa chọn lối đi riêng để giải phóng nguồn vốn nhằm tăng dư nợ tín dụng?

* Ông Trần Trọng Hùng: Tất nhiên, mỗi NH đều có cơ chế hoạt động riêng và đương nhiên là Agribank Chi nhánh Tiền Giang cũng sẽ có chính sách phù hợp với từng đối tượng vay cụ thể. Chẳng hạn, hiện nay Agribank Chi nhánh Tiền Giang cũng có một vài chính sách hỗ trợ cho người dân vay ngắn hạn. Đó là người dân vay vốn trong vòng 3 tháng sẽ được áp dụng mức lãi suất thấp hơn lãi suất công bố là 1%/năm và được áp dụng đại trà cho các đối tượng vay.

Còn đối với khách hàng vay vốn trung và dài hạn cũng được hỗ trợ lãi suất trong vòng 4 tháng, chính sách này chỉ áp dụng đến 15-1-2015. Chẳng hạn, đối với các khoản vay trung và dài hạn trong nhóm lĩnh vực ưu tiên được Agribank Chi nhánh Tiền Giang áp dụng mức lãi suất 8,6%/năm, còn đối với các đối tượng vay khác lãi suất vay cũng được kéo về 9,5%/năm. Mới đây, lãi suất vay trung, dài hạn thông thường cũng đã được tiếp tục kéo giảm thêm…

* PV: Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.