Thứ Tư, 12/11/2014, 05:48 (GMT+7)
.

Tăng cường kết nối cung - cầu giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành

Tại Hội nghị sơ kết Chương trình Hợp tác thương mại và kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2014 vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh (Hội nghị), Tiền Giang đã có 15 doanh nghiệp (DN) tham gia (tăng 2 DN so với năm 2013) và có 1 DN ký kết hợp đồng nguyên tắc về cung ứng sản phẩm cho các tỉnh miền Bắc. Ghi nhận tại hội nghị cũng cho thấy, sức hút chương trình rất lớn. Số lượng DN tham gia và hàng hóa trưng bày nhiều hơn. Đặc biệt các DN tìm ra tiếng nói chung trong hợp tác, tiêu thụ hàng hóa ở quy mô lớn.

KẾT NỐI TẠO GIÁ TRỊ GIAO THƯƠNG TRÊN 19.000 TỶ ĐỒNG

Hội nghị diễn ra với 1.100 đơn vị, DN đến từ 38 tỉnh, thành trên cả nước tham gia. So với hội nghị diễn ra vào năm 2013, tăng 15 tỉnh, thành và số DN tăng gấp 3 lần. Trong đó, có 327 DN sản xuất, 15 hệ thống siêu thị lớn, 67 hệ thống cửa hàng, đại diện 65 chợ và 631 đơn vị tiêu thụ hàng hóa nông sản, thực phẩm.

Bên cạnh đó, có hơn 300 DN của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành tham gia 120 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản, lương thực - thực phẩm chế biến, sản phẩm tiêu dùng, dịch vụ ngân hàng, sản phẩm phục vụ mùa Tết, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm từng vùng miền...

Các sản phẩm tham gia trưng bày, giới thiệu tại hội nghị đều đảm bảo an toàn thực phẩm, ưu tiên hàng đạt chuẩn GlobalGAP, HACCP... Trong đó, tỉnh Tiền Giang có 15 DN tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh như: Trái cây, rau sạch, lương thực - thực phẩm chế biến...

Khách tham quan, mua sắm tại các gian hàng của các DN tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hội nghị.
Khách tham quan, mua sắm tại các gian hàng của các DN tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hội nghị.

Tại hội nghị, còn diễn ra phần tọa đàm giữa các nhà sản xuất và hệ thống phân phối. Đây được xem là cơ hội để các đơn vị sản xuất nói lên khó khăn, vướng mắc khi đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối. Đại diện một số hệ thống phân phối cũng công khai, minh bạch đưa ra các tiêu chí hàng hóa, mức chiết khấu cụ thể để nhà sản xuất có thể đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của mình.

Theo đó, đã tạo được không gian cho các DN và nhà phân phối tìm kiếm cơ hội hợp tác, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu. Hội nghị còn tạo điều kiện để người nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã... tiếp cận, kết nối với các nhà phân phối sản phẩm của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.

Trong số 350 hợp đồng nguyên tắc được ký kết ngay tại hội nghị có 214 hợp đồng được 13 DN của các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ (Tiền Giang có 1 DN) ký kết; 53 hợp đồng đến từ các DN của 8 tỉnh miền Đông và Tây Nguyên; 33 hợp đồng thuộc các tỉnh miền Trung. Số hợp đồng còn lại thuộc DN các tỉnh, thành miền Bắc.

Sự tham gia ngày càng đông của các tỉnh, thành, đơn vị DN và những hợp đồng nguyên tắc được ký kết, tạo điều kiện hợp tác, giao dịch hàng hóa giữa các DN của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ở các vùng miền của cả nước là một thành công mới của Chương trình Hợp tác thương mại và kết nối cung - cầu hàng hóa.

Theo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình đã có 520 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết. Trong đó có 434 hợp đồng đã được triển khai thực hiện và 86 hợp đồng đang trong quá trình thương thảo. Tổng trị giá trên 19.000 tỷ đồng.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ VÀ TIẾP TỤC GỠ KHÓ

Ông Đoàn Văn Khanh, Chủ DNTN Long Thuận (xã Song Thuận, huyện Châu Thành, Tiền Giang) cho biết, qua những lần tham gia Chương trình Hợp tác thương mại và kết nối cung - cầu hàng hóa không chỉ hỗ trợ tìm đầu ra cho các sản phẩm của DN vào các hệ thống phân phối của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác, mà còn giúp DN mở rộng mạng lưới phân phối tại các địa phương để tiêu thụ hàng hóa, tăng doanh số.

Cụ thể là DN đã ký kết được hợp đồng nguyên tắc cung ứng sản phẩm cho các tỉnh, thành phía Bắc ngay tại hội nghị. “Chương trình giống như một “bà mai”, giúp việc gặp gỡ, hợp tác kết nối kinh doanh giữa các DN và nhà phân phối được nhanh gọn, tiện lợi, giảm thiểu thời gian cũng như chi phí...” - ông Khanh nói.

Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, Chương trình Hợp tác thương mại và kết nối cung - cầu hàng hóa là “cầu nối” giữa các DN với nhau, để thúc đẩy sự tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã giúp cho lãnh đạo của các địa phương học tập kinh nghiệm lẫn nhau về quản lý Nhà nước đối với việc phát triển lĩnh vực thương mại.

Trong thời gian qua, thực tế hiệu quả của chương trình đối với Tiền Giang là ngày càng có nhiều sản phẩm, hàng hóa của tỉnh được tiêu thụ tại các chuỗi bán hàng của TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, đã giúp cho DN, người sản xuất đánh giá lại khả năng của mình trong việc bảo đảm sự ổn định về mặt số lượng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa để thực hiện tốt việc cung ứng cho các hệ thống phân phối của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác.

Theo ông Trần Thanh Đức, Tiền Giang là một tỉnh nông nghiệp. Do đó, để tham gia và nâng cao hiệu quả Chương trình Hợp tác thương mại và kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang, trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tiến hành tổ chức lại chuỗi sản xuất trong nông nghiệp.

Thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn “sạch”, tối thiểu các sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp phải hướng đến đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất sẽ gắn với giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại.

Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các ngành chức năng hoàn thiện khu công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng các mô hình mẫu về nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng, đủ sức cung ứng cho thị trường tiêu thụ của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác của cả nước.

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, vẫn còn nhiều khó khăn gặp phải khi triển khai thực hiện chương trình này. Những khó khăn này thường rơi vào DN vừa và nhỏ. Cụ thể những DN này có số lượng hàng hóa, bao bì, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, phong phú.

Theo đó, chưa đáp ứng được các nhu cầu của hệ thống phân phối, tiêu thụ; đồng thời, có những sản phẩm chỉ mang tính thời vụ, sản lượng chưa đều. Vì vậy, cũng sẽ gặp khó khăn khi vào hệ thống phân phối hiện đại.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng nêu lên những hạn chế của chương trình là chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Nhiều sản phẩm của các địa phương chưa vào được hệ thống phân phối hiện đại của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác.

Tại hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị, trong thời gian tới, việc tổ chức Hội nghị về Chương trình Hợp tác thương mại và kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành không chỉ diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh mà phải luân phiên ở các tỉnh, thành khác.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành (thông qua Sở Công thương) cũng cần chủ động rà soát các DN, đơn vị sản xuất có tiềm năng để hỗ trợ đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời chú trọng quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu để phát huy thế mạnh từng địa phương.

Ông Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách về thuế, hỗ trợ đầu tư sản xuất công nghiệp và hệ thống bán lẻ.

HỮU NGHỊ

.
.
.