Thứ Sáu, 07/11/2014, 14:59 (GMT+7)
.

Vay vốn để làm gì?

Có lẽ ngay thời điểm này câu hỏi được đặt ra là các doanh nghiệp (DN) vay vốn để làm gì đáng được quan tâm hơn là câu chuyện về lãi suất cho vay cao hay thấp hoặc khó khăn gì trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.

1. Thông tin mới nhất về lãi suất huy động và cho vay được Ngân hàng (NH) Nhà nước đưa ra là kể từ ngày 29-10 trần lãi suất huy động, cho vay bằng VNĐ tiếp tục được điều chỉnh giảm, đã thổi lên luồng gió mới cho nền kinh tế nói chung và hoạt động của các DN nói riêng.

Theo đó, lãi suất huy động từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng trở lên tới 6 tháng. Lãi suất huy động giảm, tất nhiên lãi suất cho vay sẽ giảm. Điểm đáng chú ý là đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế lãi suất cho vay tối đa trước đây là 8%/năm được giảm xuống còn 7%/năm. Có lẽ đây là một trong những điều mong đợi nhất của các DN trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều ngổn ngang như hiện nay.

DN cũng đang cân nhắc trong việc vay vốn ngân hàng.
DN cũng đang cân nhắc trong việc vay vốn ngân hàng.

Song, đây không phải là lần đầu tiên việc giảm lãi suất huy động cũng như cho vay được triển khai thực hiện, mà đã được ngành NH xác định ngay từ đầu năm 2014. Thực hiện chủ trương chung, trong thời gian qua NH Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang đã quyết liệt chỉ đạo các chi nhánh NH trên địa bàn tỉnh tích cực giải ngân nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhằm kích thích phát triển kinh tế; chỉ đạo các NH giảm lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng dư nợ; đồng thời theo dõi, giám sát tình hình cho vay của các NH, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm giải quyết một phần khó khăn tạm thời mà các DN gặp phải.

Theo đánh giá chung, trong những tháng đầu năm 2014, trần lãi suất cho vay trên địa bàn tỉnh được điều chỉnh giảm 1% so với đầu năm, với mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 8%/năm. NH Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang cũng thường xuyên thực hiện công tác tiếp cận các thành phần kinh tế, nắm bắt trực tiếp những khó khăn và nhu cầu vay vốn để yêu cầu các NH thương mại xem xét, đáp ứng nhu cầu vốn vay.

Đã qua rồi cái thời lãi suất cho vay leo lên trên 20%/năm như những năm trước, bởi thực tế hiện nay lãi suất cho vay của hệ thống tín dụng đối với các DN, nhất là cho vay trung và dài hạn, chủ yếu dao động trên dưới 10%/năm. Theo thông tin từ lãnh đạo một số NH thương mại trên địa bàn tỉnh, tùy theo đối tượng khách hàng và tùy vào thời gian vay vốn sẽ được áp dụng các gói tín dụng khác nhau.

Thông thường vay ngắn hạn có lãi suất thấp hơn. Thậm chí có những gói tín dụng, lãi suất cho vay được các NH áp dụng thấp hơn cả lãi suất huy động. Theo đánh giá chung, do nhu cầu vốn có hạn chế, bên cạnh sản xuất - kinh doanh khó khăn nên tín dụng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 9 - 2014, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 21.336 tỷ đồng, tăng 1.728 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 8,81%; trong khi tỷ lệ huy động vốn tăng đến 17% so với đầu năm.

2. Nhìn vào cơ cấu nguồn vốn dễ dàng thấy rằng, tỷ lệ tăng của nguồn vốn huy động cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng của dư nợ cho vay. Điều này cho thấy, ở khía cạnh nào đó hệ thống NH thương mại đang thừa vốn. Thực tế này cũng đang đặt ra dấu chấm hỏi rằng, DN vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay hay là DN không muốn vay để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh do nền kinh tế còn khó khăn.

Ở khía cạnh tiếp cận nguồn vốn, với chủ trương từ Trung ương xuống địa phương là hỗ trợ tích cực để DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất trong đó có các chính sách tín dụng thì việc tiếp cận nguồn vốn chưa hẳn đã khó trong lúc NH đang thừa vốn. Có chăng là hệ thống các NH thương mại đang “siết” lại đối với các DN có tình hình tài chính không lành mạnh, nằm trong diện “báo động đỏ”. Còn về lãi suất, với mặt bằng chung hiện nay tuy vẫn còn ở mức khá cao, nhưng cũng có thể chấp nhận được.

Cái chính là hiện nay vay vốn để làm gì? Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho) đặt ra như thế khi được chúng tôi đề cập đến tình hình lãi suất cho vay hiện nay. Ông Nguyễn Văn Đạo phân tích thêm, với tình hình thị trường tiêu thụ chưa có nhiều điểm sáng, hầu hết DN, nhất là DN trong ngành Thủy sản xuất khẩu chủ yếu làm cầm chừng để ổn định lực lượng lao động và chờ cơ hội mới, nên việc tính đến phương án vay vốn để đầu tư mở rộng phải hết sức cân nhắc.

“Có một thời, DN rất cần vốn để đầu tư nhưng bây giờ hầu hết DN chỉ muốn gom lại, chấn chỉnh lại các khâu trong quá trình hoạt động nhằm tiết giảm chi phí để tìm kiếm lợi nhuận chứ chưa tính đến đầu tư mới. Vì thực chất đầu tư mới trong giai đoạn hiện nay rất khó mang lại hiệu quả tương xứng” - ông Nguyễn Văn Đạo phân tích.

Thực tế này cũng được đánh giá từ chính các NH thương mại. Trao đổi với chúng tôi gần đây, ông Lê Văn Quý, Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Tiền Giang cho rằng, lãi suất cho vay hiện tại rất thấp, có những gói thấp hơn cả lãi suất huy động, bởi các NH thương mại đang thừa vốn nên buộc lòng phải đẩy nguồn vốn ra. Điều này cũng sẽ đem lại không ít rủi ro cho hệ thống NH.

Thực tế vừa qua, BIDV Tiền Giang cũng rất khó tăng dư nợ cho vay mặc dù hạn mức cấp cho DN tăng rất cao. Bởi hầu như các DN cũng chỉ sử dụng khoảng 70% hạn mức tín dụng được ngân hàng cấp. Theo đánh giá của ngân hàng, nhiều DN ở Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu ở nhóm ngành lương thực và thủy sản, sử dụng lượng lớn vốn vay nhưng thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn.

Thực tế cho thấy, riêng lĩnh vực thủy sản vừa qua có một số “ông lớn” bị rủi ro nên NH cũng dè chừng, buộc lòng cho vay phải chặt chẽ hơn. Đó cũng là điều tất nhiên. Nhưng cái gốc là thị trường đầu ra gặp khó khăn do Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá, hiện chỉ có một vài DN được hưởng thuế suất bằng 0% khi xuất vào thị trường này, còn lại hầu hết đều bị đánh thuế rất cao, trong đó có các DN trên địa bàn tỉnh.

Chính thực tế này đã dẫn đến việc DN không có thị trường hoặc phải xuất sang công ty khác nên phát sinh thêm nhiều chi phí. Trong khi đó, nhóm ngành lương thực cũng gặp không ít khó khăn, có một thời gian giá xuất khẩu lại thấp hơn giá nguyên liệu trong nước nên nhiều DN lỗ vốn. Nhưng trên bình diện chung, các DN trên địa bàn tỉnh trong nhóm ngành này đến nay cũng đang ở mức an toàn và có dấu hiệu phát triển.

Riêng ở một số nhóm ngành khác cũng có xuất hiện tình trạng DN giải thể, phá sản, nhất là DN nhỏ trong lĩnh vực xây dựng, do ảnh hưởng của chủ trương thắt chặt đầu tư công dẫn đến nợ NH và phải bị xử lý tài sản… Chính những thực tế như thế, việc vay vốn để làm gì và cho đối tượng nào vay vốn cũng được NH và DN cân nhắc.

THẾ ANH

.
.
.