Thứ Tư, 31/12/2014, 10:12 (GMT+7)
.

Du lịch Tiền Giang và ĐBSCL: Liên kết - giải pháp phát triển bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh, thành với diện tích khoảng 40.500 km2, dân số gần 18 triệu người, với hơn 700 km bờ biển, có dòng sông Mekong chảy qua, nhiều sông ngòi, kinh rạch; tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú với nhiều vườn cây ăn trái đặc sản và là vựa lúa lớn nhất cả nước... Với những thế mạnh này, ĐBSCL đang là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Hiện nay, du khách đến vùng ĐBSCL chủ yếu tham quan cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái, các di tích lịch sử - văn hóa. Điểm đến tập trung của khách quốc tế là các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang và TP. Cần Thơ chiếm gần 90% tổng lượng khách quốc tế đến toàn vùng.

ĐBSCL cũng là 1 trong những vùng đón nhiều khách du lịch nội địa, trung bình chiếm 14% tổng lượng khách nội địa của cả nước. Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, đến năm 2015 vùng ĐBSCL sẽ đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế, 5,2 triệu lượt khách nội địa và đến năm 2020 sẽ đón 3,9 triệu lượt khách quốc tế, 6,5 triệu lượt khách nội địa.

Gian hàng liên kết Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long tại Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh.
Gian hàng liên kết Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long tại Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành vùng Nam bộ dù có nhiều tiềm năng về du lịch, với những sản phẩm phong phú nhưng do điều kiện tự nhiên, sản phẩm hiện đang khai thác thường trùng lắp. Lẽ đó, đến nay các sản phẩm du lịch vẫn còn đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa có thương hiệu riêng của từng địa phương.

Do vậy, để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành trong vùng không thể tách rời phát triển du lịch chung của vùng ĐBSCL và cả vùng ngoài như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Để thúc đẩy phát triển du lịch cần phải dựa trên thế mạnh tiềm năng của từng khu vực, từng địa phương để tạo ra những sản phẩm đặc thù, độc đáo và mở ra khả năng kết nối các sản phẩm du lịch trong vùng với những chương trình du lịch phong phú, hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Tiền Giang với lợi thế nằm ở cửa ngỏ vùng ĐBSCL, chỉ cách TP. Hồ Chí Minh 70 km, có 32 km bờ biển và nhiều sông ngòi, kinh rạch chằng chịt, đan xen nhau với nhiều cù lao như: Tân Phong, Ngũ Hiệp, Thới Sơn, Tân Long, cồn Ngang... đã tạo nên những vườn cây ăn trái đặc sản 4 mùa với những sản phẩm nổi tiếng như: Thanh long Chợ Gạo; xoài cát Hòa Lộc, bưởi long Cổ Cò, cam, quít Cái Bè; vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, huyện Châu Thành; sơri Gò Công...

Ngoài ra, nguồn tài nguyên nhân văn thể hiện ở lối sống chân chất, nhiệt tình và nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng của cư dân vùng sông nước đã hình thành nên sản phẩm du lịch phong phú như: Đi thuyền chèo, nghe đờn ca tài tử, tát mương bắt cá, tham quan các làng nghề truyền thống, chợ nổi trên sông… cùng với không khí trong lành thoáng mát của vùng sông nước Nam bộ đã tạo nên những ưu thế và thuận lợi cho hoạt động du lịch, thu hút sự hấp dẫn theo hướng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn.

Những năm gần đây, khách du lịch đến Tiền Giang ngày càng tăng, với tốc độ bình quân 10%, nhất là khách du lịch quốc tế. Năm 2013 Tiền Giang đón 1.278.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 586.900 lượt khách. Dự kiến năm 2014 Tiền Giang đón được 1.450.000 lượt khách, trong đó có 630.000 lượt khách quốc tế.

Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch không ngừng gia tăng, Tiền Giang đã ký kết Chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh trong Cụm duyên hải phía Đông của vùng ĐBSCL như Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và với TP. Hồ Chí Minh.

Đã triển khai Chương trình hợp tác trong giai đoạn 2011 - 2015 với một số hoạt động như: Tổ chức các đoàn khảo sát kết nối tour du lịch với các tỉnh, thành trong vùng nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hợp tác phát triển du lịch; liên kết đưa khách du lịch từ các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh tham quan các điểm du lịch sinh thái ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long...;

Đồng thời đưa khách du lịch trong tỉnh Tiền Giang đi tham quan các điểm du lịch đặc trưng của các tỉnh trong vùng như: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau... và ngược lại, nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu du khách; hợp tác trong việc tổ chức và tham gia các cuộc hội thảo, hội chợ triển lãm du lịch, trao đổi thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động tại các doanh nghiệp và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Tiền Giang đã liên kết với TP. Hồ Chí Minh thu hút đầu tư các dự án du lịch như: Khu Resort Mekong Flodge, Resort Mekong River Side tại huyện Cái Bè; Khu du lịch sinh thái Vạn Bình An tại biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông.

Quy hoạch phát triển du lịch Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển sản phẩm, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến và đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, thì việc tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh để phát triển sản phẩm du lịch là định hướng quan trọng.

Trên cơ sở liên kết xây dựng tuyến du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo phù hợp với tài nguyên du lịch sinh thái, lịch sử - văn hóa của mỗi vùng theo hướng hạn chế việc phát triển những sản phẩm trùng lắp, bổ sung những sản phẩm mới, phong phú, tránh tâm lý nhàm chán và tạo sự hấp dẫn, thú vị cho chuyến tham quan của khách du lịch.

Liên kết là giải pháp quan trọng góp phần tạo ra sản phẩm đa dạng, mang nét đặc trưng riêng của các địa phương và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cho Tiền Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

TẤN PHONG

.
.
.