Thứ Tư, 25/02/2015, 05:45 (GMT+7)
.

Tập trung phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng bền vững

TS. NGUYỄN VĂN KHANG
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Với vị trí giao thoa giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Tiền Giang là cửa ngõ giao thương quan trọng về nông - thủy sản hàng hóa giữa các vùng, nhất là đối với TP. Hồ Chí Minh và ngược lại; là tỉnh trọng điểm về sản xuất lương thực, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Những năm qua, việc phát triển nông nghiệp Tiền Giang theo định hướng quy hoạch, thông qua 4 chương trình phát triển kinh tế ngành đó là lúa gạo, kinh tế vườn, chăn nuôi và thủy sản. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là thời tiết bất lợi, triều cường, lũ lớn (năm 2011), dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản, chi phí sản xuất tăng… nhưng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn phát triển khá ổn định, theo hướng thâm canh, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và ngày càng nâng cao tỷ suất hàng hóa, bảo đảm được an ninh lương thực thực phẩm, góp phần quan trọng vào xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho người nông dân, ổn định an sinh xã hội; giá trị tăng thêm khu vực I giai đoạn 2011-2015 ước tăng bình quân 5,7% (trong đó năm 2015 phấn đấu tăng khoảng 4,5 - 5%), vượt mục tiêu đề ra 4,3% và tăng cao hơn giai đoạn 5 năm trước 2006 - 2010 (5,6%).

Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh  tham quan hội thi trái cây ngon tại diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long - Tiền Giang 2012. Ảnh: Thái Thiện
Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh tham quan hội thi trái cây ngon tại diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long - Tiền Giang 2012. Ảnh: Thái Thiện

Thực hiện Nghị quyết Trung ương về Nông nghiệp - nông dân - nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng bền vững. Liên tục từ năm 2011 đến nay, sản lượng lúa bình quân hàng năm vẫn đạt trên 1,3 triệu tấn; hơn 1,2 triệu tấn trái cây các loại; trên 700 ngàn tấn rau màu thực phẩm; trên 150 ngàn tấn thịt hơi gia súc, gia cầm; gần 250 ngàn tấn thủy hải sản các loại... và quan trọng là cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có bước chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả; tiềm năng nông nghiệp được khai thác tốt hơn, việc thâm canh, ứng dụng giống mới cải tạo vườn cây ăn trái được đẩy mạnh.

Mô hình Cánh đồng lớn được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, mô hình đã gắn kết sản xuất lúa giữa nông dân với doanh nghiệp, thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản, bước đầu đã gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp với người sản xuất, nông dân có điều kiện tiếp nhận hỗ trợ về đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, giá cả hợp lý, yên tâm sản xuất, thu nhập từng bước được nâng cao; doanh nghiệp đã chủ động được nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh; đây là kết quả bước đầu trong việc hình thành chuỗi giá trị giữa sản xuất và tiêu thụ.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới đến cơ sở, được sự đồng thuận của nhân dân cùng “chung sức xây dựng nông thôn mới”, qua đó diện mạo nông thôn ở một số nơi đã thực sự khởi sắc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp - nông dân - nông thôn Tiền Giang vẫn còn những mặt khó khăn, tồn tại, trong đó cái khó nhất trong quá trình sản xuất hàng hóa là thực trạng sản xuất nhìn về tổng thể vẫn còn manh mún, hiệu quả kém, phần lớn nông hộ trên địa bàn tỉnh có diện tích đất nhỏ, phân tán, do vậy chi phí sản xuất thường tăng cao, khó kiểm soát dịch bệnh; nông sản hàng hóa tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái, do đó tạo nhiều phân khúc trong chuỗi giá trị, nông dân vẫn là đối tượng bị ảnh hưởng nhất, thu nhập bấp bênh trong khi trình độ sản xuất, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hạn chế, chưa phát huy hết lợi thế, tiềm năng...

Trong tầm nhìn phát triển dài hạn, đồng bộ với hoàn thành việc xây dựng các công trình lớn về kết cấu hạ tầng để gắn kết Tiền Giang với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, thông qua các hành lang kinh tế Quốc lộ 1A - đường cao tốc (TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ); hành lang kinh tế ven biển thông qua Quốc lộ 50 (TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang) và Quốc lộ 60 (Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng), các trục kinh tế sông Tiền, kinh Chợ Gạo, sông Soài Rạp...

Tiền Giang có nhiều điều kiện đẩy mạnh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh công nghiệp, thương mại và dịch vụ, tuy nhiên khu vực kinh tế nông nghiệp vẫn được xem là nền tảng của phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Trong định hướng phát triển từ nay đến năm 2020, tỉnh đề ra một số chỉ tiêu cụ thể: Sản xuất nông nghiệp phải đảm bảo vai trò khu vực kinh tế nền tảng, tạo thế ổn định và bền vững cho phát triển chung, tỷ trọng từ 38,8% (mục tiêu đề ra cho năm 2015), đến năm 2020 chiếm khoảng 28% GRDP toàn tỉnh; về xây dựng nông thôn mới, năm 2015 tập trung xây dựng 29/145 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 10 xã đạt 19/19 tiêu chí và đến năm 2020 có 50% số xã trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Để thực hiện mục tiêu tổng quát trên, tỉnh xác định cần thiết phải thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh hướng tới mục tiêu cuối cùng là gia tăng GDP, tăng thu nhập nông hộ, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện trên các sản phẩm chủ lực: Lúa, cây ăn trái (xoài, sầu riêng, thanh long), con bò và con nghêu, tôm; từng sản phẩm phải được thực hiện đồng bộ trên 6 nội dung:

Cơ cấu lại quy mô sản xuất; chú trọng công tác giống; áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao; liên kết hình thành chuỗi giá trị; mở rộng thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ chính sách làm đòn bẩy phát triển và gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2020.

Về giải pháp triển khai, chủ thể của quá trình tái cơ cấu chính là Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ; phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống; cung cấp thông tin, dịch vụ; nông dân và doanh nghiệp giữ vai trò trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn...

Một giải pháp cũng hết sức quan trọng chính là khâu tổ chức tuyên truyền, phải làm sao để các ngành, các cấp, từng cán bộ, đảng viên đến bà con nông dân nắm rõ thông tin và đồng thuận cao trong quá trình tổ chức triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từ đó thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có hiệu quả cao và bền vững.

Các ngành tỉnh phải phối hợp thật tốt trong việc hỗ trợ nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp; khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ; hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ...

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh trong giai đoạn tới và cũng là sự chuyển động mạnh mẽ của ngành Nông nghiệp, thực hiện thành công sẽ tạo nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp - nông dân - nông thôn đã đề ra.

.
.
.