Thứ Sáu, 24/04/2015, 09:44 (GMT+7)
.

Nông dân vẫn còn nghèo trên "Vựa lúa Quốc gia": Hạt gạo bị chia phần

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được mệnh danh là “Vựa lúa của Quốc gia”, là “chén cơm” của thế giới. Tuy nhiên, nông dân của khu vực này vẫn còn nghèo so với các khu vực khác trên cả nước. Từ một câu nói đầy trăn trở của một vị lãnh đạo tỉnh: “Quá nhiều nông dân trồng lúa hiện nay thu nhập thua một người bán vé số”, chúng tôi đã xuống tận vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu tại sao nông dân vẫn còn nghèo ngay trên “Vựa lúa của Quốc gia”.

Thiên thời - địa lợi - nhân hòa là những yếu tố làm nên vùng ĐBSCL giàu có về lúa gạo, cây trái, cá tôm… Vậy mà, nông dân thường rơi vào cái vòng luẩn quẩn “trúng mùa, rớt giá -  thất mùa, được giá”, gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” ngày một khó khăn hơn khi giá cả các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu cứ tăng. Khi làm ra hạt gạo phải chia ra quá nhiều phần và phần nông dân không còn bao nhiêu.

Nông dân xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy thu hoạch lúa đông xuân năm 2014 - 2015.
Nông dân xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy thu hoạch lúa đông xuân năm 2014 - 2015.

Một ngày cùng nông dân ra đồng

Men theo con đường đê, đất đá gập ghềnh, chúng tôi tìm đến ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Ri, ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy. Ông Ri và vợ đang loay hoay xuống giống lúa hè thu sớm. Trong lúc ngồi nghỉ, ông Ri tâm sự: “Gia đình canh tác 0,3 ha lúa. Đây là phần đất được cha mẹ cho mấy chục năm rồi. Làm hoài không đủ ăn thì lấy đâu ra tiền để mua thêm đất”.

Đến trưa, vợ chồng ông bày cơm ra ăn giữa đồng. Ăn xong, ông ngồi trò chuyện với chúng tôi, còn vợ ông lót lá cây để ngả lưng. Buổi chiều, vợ chồng ông lại đi đánh đường nước, phun thuốc diệt ốc bươu vàng, xịt thuốc diệt mầm (ngừa cỏ). Công việc xong cũng là lúc vợ chồng ông rã rời tay chân.

Về đến nhà, ông Ri bày ra bình trà, rồi giãi bày: “Làm ruộng là vậy, đến mùa thì xuống giống, rải phân, phun thuốc, giặm lúa, nhổ cỏ, bơm nước… xong rồi về nhà làm việc lặt vặt. Có chăng cũng đi nhổ cỏ, giặm lúa thuê để trang trải cuộc sống. “Gia đình có đến 5 miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào 0,3 ha ruộng. Mặc dù vợ chồng và 2 đứa con lấy công ra làm nhưng cũng không khá nổi. Vụ đông xuân vừa rồi, với giá bán 4.300 đồng/kg lúa tươi, 0,3 ha lãi được gần 8 triệu đồng. Tính ra, mỗi người trong gia đình chỉ được 2 triệu đồng/3 tháng”.

Rời gia đình ông Ri, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Cảnh, ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) trong lúc ông đang tưới những luống khổ qua. Thấy có người lạ, ông ngừng tay và bước lên bờ hỏi thăm. Nói chuyện một lúc, ông tâm sự: “Làm lúa quanh năm đâu có lời. Tới mùa lúa cũ đổi lúa mới thì làm sao giàu được. Nhà chúng tôi có 1 ha đất ruộng. Canh tác hoài mà chẳng dư dả nên gia đình đã chuyển 0,3 ha sang chuyên canh màu. Mấy năm nay, gia đình nhờ trồng màu, nuôi heo... nên cuộc sống có cải thiện phần nào”.

Ông nói như than: “Cực lắm chú ơi, làm ruộng nghèo khó cho nên ráng cho con đi học kiếm nghề khác mưu sinh. Nhưng giá lúa mấy năm nay thấp quá, lo cho con không đủ, vợ chồng tôi phải sống tiết kiệm hết mức. Công sức bỏ ra quá lớn, nhưng khi bán lúa thì lời lãi chẳng thấy đâu, khiến người nông dân không khỏi chạnh lòng”.

Những cánh đồng lúa mênh mông và được mệnh danh là “Vựa lúa Quốc gia”, là “chén cơm” của thế giới.
Những cánh đồng lúa mênh mông và được mệnh danh là “Vựa lúa Quốc gia”, là “chén cơm” của thế giới.

Hạt gạo chia làm tám

Một chuyên gia trong ngành nông nghiệp khẳng định: “Hạt gạo đang bị chia làm tám” nên lợi nhuận của nông dân ngày một teo tóp. Từ câu nói đó, chúng tôi tìm hiểu xem: Tám phần đó chia cho ai và chia cho cái gì mà dẫn đến người làm ra hạt gạo cứ luôn túng quẩn.

Trao đổi với chúng tôi, Ông Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho biết, phần thứ nhất là “nhà băng” (nông dân phải vay vốn, đóng lãi, kể cả phải vay lãi cao bên ngoài). Phần thứ hai là nhà vật tư (nông dân mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu đầu vụ, cuối vụ trả lãi cao) chiếm 65% chi phí. Phần thứ ba là nhà mình (nông dân chịu gánh nặng chi tiêu ăn uống, chữa bệnh, học hành, con cái, các khoản đóng góp…) chiếm khoảng 21%.

Phần thứ tư là nhà hàng xóm (nông dân phải đi đám tiệc, giỗ quải, giao tiếp xã hội…). Phần thứ năm là nhà xuất khẩu gạo mà hiệu quả kinh doanh gần như quyết định giá lúa hàng năm. Phần thứ sáu là lúa gạo phải làm nhiệm vụ bình ổn giá tiêu dùng (CPI) cho xã hội. Phần thứ bảy là nhiệm vụ ngoại giao trong chiến lược an ninh lương thực toàn cầu. Phần thứ tám là đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu, ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cho biết, gia đình canh tác chỉ có 0,2 ha lúa. Diện tích ít ỏi như vậy không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Đến mùa vụ cứ đến đại lý vật tư nông nghiệp mua thiếu phân, thuốc về sản xuất.

Sau khi kết thúc mùa vụ, đem tiền ra trả, còn họ tính bao nhiêu thì trả bấy nhiêu. “Để làm ra hạt lúa, hạt gạo có lắm chi tiêu, chúng tôi phải mua giống, bơm nước, trục đất, thuốc khử giống, sạ hàng, thuốc và công phun thuốc diệt có, giặm lúa, nhổ cỏ, phân rải, thuốc phun, thu hoạch lúa…” - bà Thu nói.

Hạt gạo của nông dân làm ra đang bị chia quá nhiều phần. Ảnh: Duy Bằng
Hạt gạo của nông dân làm ra đang bị chia quá nhiều phần. Ảnh: Duy Bằng

Chúng tôi tìm đến 1 đại lý vật tư nông nghiệp ở huyện Cai Lậy. Vị chủ đại lý này thừa nhận mình bán thì phải có lãi. Nếu bán lấy tiền liền thì tính lời ít hơn, còn nếu người mua thiếu tới mùa mới trả tiền thì phải tính cao hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/bao phân hoặc chai thuốc. Có như vậy đại lý mới có tiền đóng thuế, trả tiền lãi suất ngân hàng và trả tiền nhân công. Ngoài ra, các đại lý cũng phòng hờ khi có những hộ làm lúa thất mùa, rồi hẹn tới hẹn lui mà không trả tiền vật tư nông nghiệp…

Còn đối với doanh nghiệp, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, trong vụ đông xuân vừa qua, doanh nghiệp phải vay 240,85 tỷ đồng từ 4 Ngân hàng Thương mại để thu mua lúa cho nông dân. Việc thu mua này nhằm tiêu thụ hết lượng lúa trong dân. Còn đối với doanh nghiệp, nếu không có đầu ra, giá gạo có chiều hướng đi xuống mà hết thời gian được ưu đãi lãi suất thì doanh nghiệp cũng phải chấp nhận thua lỗ.

Trao đổi qua điện thoại, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng: Giá lúa gạo bấp bênh nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không chịu khai phá thị trường, tìm những khách hàng mới và rất thụ động. Các doanh nghiệp chỉ đi tìm các chỉ tiêu được phân bổ mà không tự đi tìm kiếm thị trường.

Hạt gạo làm ra đã chia nhiều phần. Lợi nhuận của người dân chẳng có bao nhiêu, thu nhập bấp bênh. Từ đó dẫn đến nhiều hộ rơi vào cảnh túng thiếu, sống trong cái vòng luẩn quẩn và nghèo khó. Được tiếng là sống trên “Vựa lúa Quốc gia” nhưng nông dân đang nghèo ngay trên vựa lúa. Đó là một nghịch lý mà chúng ta đang tìm lời giải.

SĨ NGUYÊN
(còn tiếp)

.
.
.