Thứ Sáu, 17/04/2015, 13:45 (GMT+7)
.

Thực hiện NĐ42: Nhiều bất cập trong cấp phát tiền hỗ trợ cho nông dân

Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ 500 ngàn đồng/ha/năm đối với người trực tiếp trồng lúa, 500 ngàn đồng/ha/năm để xã xây dựng hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, đây được xem là chính sách ưu đãi nhất đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để khuyến khích việc phát triển cây lúa; đồng thời động viên người trồng lúa không chỉ giữ vững mà còn tăng diện tích. Tuy vậy, khi đi vào thực hiện nghị định này thì gặp không ít khó khăn, nhiều hộ than phiền.

Cố gắng chi cho nông dân

Đến nay, huyện Cái Bè đã chuyển tiền hỗ trợ theo Nghị định 42 của Chính phủ cho người dân được 2 năm, tổng số tiền hỗ trợ là 1 triệu đồng/ha (từ 6 tháng cuối năm 2012 đến 6 tháng đầu năm 2014).

Theo ông Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, toàn huyện có 17.500 ha đất trồng lúa của 18 xã được hỗ trợ theo Nghị định này. Huyện đã cấp đợt 1 (6 tháng cuối năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013) với số tiền 8,79 tỷ đồng, đợt 2 (6 tháng cuối năm 2013) với số tiền 4,39 tỷ đồng, cấp đợt 3 (6 tháng đầu năm 2014) với số tiền 4,35 tỷ đồng.

Ông Tú cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng cấp phát cho hộ dân theo đúng quy trình và thời gian quy định để có thể bảo vệ tốt diện tích đất trồng lúa trên địa bàn, hỗ trợ một phần chi phí cho nông dân, tăng nguồn lực cho nông dân”.

Nhiều nông dân cố gắng giữ đất lúa nhưng đã phản ánh chưa nhận tiền hỗ trợ hoặc bị xã cấn trừ...
Nhiều nông dân cố gắng giữ đất lúa nhưng đã phản ánh chưa nhận tiền hỗ trợ hoặc bị xã cấn trừ...

Ở huyện Cai Lậy, sau khi Nghị định có hiệu lực, UBND huyện đã triển khai, quán triệt đến lãnh đạo tất cả các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã; đồng thời thông báo trên loa phát thanh để người dân biết.

Ông Phan Minh Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết, về phần kinh phí hỗ trợ 500 ngàn đồng/ha/năm để địa phương đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng phục vụ nông nghiệp - nông thôn, hơn 2 năm huyện nhận được 15,5 tỷ đồng để thực hiện 32 hạng mục, công trình. Kinh phí hỗ trợ cho người trồng lúa 500 ngàn đồng/ha/năm thì cấp trực tiếp cho nông dân.

Theo ông Hiền, 6 tháng cuối năm 2012 đến năm 2014, ngân sách Trung ương hỗ trợ, UBND huyện đã phân bổ cho các xã với tổng kinh phí 12,149 tỷ đồng. Theo đó, đợt 1, UBND huyện đã phân bổ 3,8 tỷ đồng cho khoảng 15,3 ngàn ha.

Đợt 2 và 3 phân bổ 6 tỷ đồng cho hơn 24,3 ngàn ha. Đợt 4, huyện đã phân bổ 2,2 tỷ đồng cho 8 xã, với diện tích 8,8 ngàn ha. “Chúng tôi đã cố gắng hỗ trợ tiền sớm đến nông dân, nhưng việc hỗ trợ này còn gặp không ít khó khăn, do nhiều nguyên nhân khác nhau” - ông Hiền cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tiền hỗ trợ cho nông dân trồng lúa theo Nghị định 42 của Chính phủ thì đợt nào, tỉnh giải quyết đợt nấy. Khi Trung ương chuyển kinh phí thì tỉnh chuyển ngay về các huyện để làm thủ tục hỗ trợ nông dân sớm nhất.   

Còn nhiều bất cập

Nói về những bất cập trong việc đến nhận tiền hỗ trợ theo Nghị định 42 của Chính phủ, ông Võ Văn Tạm, ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè trồng 2 ha lúa cho biết, theo thông báo, gia đình đến nhận 500 ngàn đồng/2 ha/đợt. Nhưng khi đến nhận, phải ký nhiều giấy tờ, chờ đợi và khấu trừ tiền Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, An ninh quốc phòng hết 200 ngàn đồng.

Sau đó, ấp vận động đóng tiền xây trụ sở ấp hết 200 ngàn đồng. Rồi đổ xăng để đi lại và uống nước chờ đợi nên khi về đến nhà còn được vài chục ngàn đồng. “Nghe nói nhận tiền hỗ trợ nông dân hào hứng lắm! Nhưng khi đến nhận mới biết nhiêu khê như thế nào. Có người lãnh không đủ tiền đổ xăng đi tới đi lui. Tôi đi lãnh lần đầu thấy mệt quá nên mấy lần sau để vợ con đi lãnh” - ông Tạm nói.

Ông Nguyễn Văn Lư, ấp 6, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy trồng 1,6 ha lúa. Trao đổi với chúng tôi, ông không nhớ mình đã nhận tiền bao nhiêu lần, số tiền bao nhiêu và tiền hỗ trợ vào việc gì, chỉ nhớ là có lãnh tiền như thông báo. Ông cho biết, ở đây những người ruộng ít không đi lãnh tiền vì tốn thời gian, không đủ chi phí đi lại và ký nhiều thủ tục…

Trao đổi về những khó khăn khi hỗ trợ tiền cho nông dân, ông Phan Minh Hiền cho biết: “Kinh phí chi hỗ trợ cho nông dân chia làm 2 đợt/năm đã gây nhiều khó khăn cho việc giải ngân và thanh quyết toán kinh phí (do một số hộ có diện tích ít, như 1 công sản xuất lúa chỉ nhận hỗ trợ 50.000 đồng/năm nhưng chia làm 2 đợt, mỗi đợt chỉ nhận được 25.000 đồng, trong khi chi phí đi lại có khi tốn kém nhiều hơn).

Một số hộ ở địa phương khác (hộ xâm canh) không nghe được thông báo của xã, hoặc do ít tiền nên không đến nhận, xã phải liên hệ nhiều lần, gây khó khăn trong việc cấp phát và thanh quyết toán.

Mặt khác, chi hỗ trợ 2 đợt/năm trong khi số hộ khá nhiều (hơn 1.000 hộ/xã) và thủ tục nhận rườm rà, phải viết phiếu chi, danh sách ký nhận... gây tốn kém”. Về việc nông dân phản ánh không nghe thông báo và cũng chưa nhận được tiền hỗ trợ, ông Hiền nói: “Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ giao ngành chức năng tham mưu thành lập Tổ kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất trồng lúa cho nông dân ở một số xã trên địa bàn huyện. Nếu phát hiện có xã hoặc cán bộ, công chức nào thực hiện sai chủ trương trên sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Những bất cập trong việc cấp phát tiền hỗ trợ cho nông dân trồng lúa là khó khăn chung. Ông Nguyễn Văn Tú cho biết, trên địa bàn huyện Cái Bè có 21,9 ngàn hộ trồng lúa. Trong quá trình thực hiện Nghị định 42 của Chính phủ đã bộc lộ một số khó khăn. Vấn đề này, UBND huyện chỉ đạo các xã trồng lúa tập trung thông báo đến hộ dân để nhận tiền và kịp thời quyết toán về trên.

“Việc các xã cấn trừ tiền hỗ trợ của nông dân, tôi sẽtrực tiếp đến nông dân để nắm vụ việc và làm việc với xã đó. Tiền hỗ trợ thì ra hỗ trợ chứ không có chuyện cấn trừ, hay vận động hỗ trợ gì hết. Nếu có vụ việc này xảy ra, UBND huyện phê bình xã đó để rút kinh nghiệm chung cho các xã còn lại” - ông Tú khẳng định.

SĨ NGUYÊN

Từ ngày 1-7-2015: Chính phủ hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm đối với việc quản lý và sử dụng đất lúa

Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ địa phương sản xuất lúa 1 triệu đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước.

Theo Nghị định này, ngân sách Nhà nước ưu tiên hỗ trợ sản xuất lúa cho các địa phương (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên) thông qua định mức phân bổ ngân sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Ngoài hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành, địa phương sản xuất lúa còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

 

.
.
.