Thứ Sáu, 29/04/2016, 12:20 (GMT+7)
.

Cây huệ trắng hiệu quả kinh tế khá cao

Bén rễ ở mảnh đất Cai Lậy hơn 15 năm nay, với hiệu quả kinh tế gấp ba lần cây lúa, cây huệ trắng đem lại cho người dân nơi đây nguồn thu khá lớn.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế TX. Cai Lậy, cây huệ trắng được nông dân tập trung xuống giống vào vụ tết, từ tháng 8 đến cuối tháng 12 âm lịch, với diện tích hơn 40 ha vì lúc này cây huệ có giá cao nhất. Những tháng còn lại, đa số nông dân chuyển qua trồng màu trước khi chuẩn bị xuống giống vụ huệ mới vào tháng 8 âm lịch.

Một vườn huệ chuẩn bị thu hoạch.
Một vườn huệ chuẩn bị thu hoạch.

Kỹ thuật trồng huệ trắng tương đối phức tạp. Để xuống giống huệ vào tháng 8 âm lịch, nông dân đã phải phơi giống từ đầu tháng 7 để tiêu diệt các mầm bệnh. Lúc đầu củ huệ giống được lấy từ xã Long Định (huyện Châu Thành), nhưng chất lượng không tốt, nông dân dần chuyển sang trồng giống huệ lấy từ huyện Chợ Gạo và vùng Gò Công. Củ huệ sau khi phơi, được trồng thành hàng ngang trên các giồng. Mỗi giồng rộng khoảng 0,8 m, một hàng ngang như thế có thể trồng 10 - 12 củ.

Để huệ ra hoa đồng loạt vào dịp tết, nông dân thường chọn củ giống nhỏ trồng trước vào giữa tháng 8 âm lịch, còn những củ giống lớn được trồng vào cuối tháng 9 âm lịch. Với kinh nghiệm trồng huệ hơn 15 năm, ông Bùi Văn Hiệu (khu phố 2, phường 4, TX. Cai Lậy), cho biết: “Những năm đầu khi trồng huệ, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Lúc xuống giống vụ mới, tôi thường dùng củ tươi để trồng, không xử lý mầm bệnh trước. Vì thế, cây huệ bị “sượn” bông, vàng bông không bán được. Nhờ dự các buổi hội thảo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật của Trạm Khuyến nông thị xã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức, tôi đã biết cách xử lý mầm bệnh bằng cách phơi củ trong một thời gian, rồi ngâm củ trong nước ấm trước khi trồng. Nhờ đó, vườn huệ của tôi lúc nào cũng đạt năng suất cao, cho bông đều, đẹp”.

Sau khi xuống giống khoảng 20 ngày, nông dân bắt đầu bón phân, kết hợp phun thuốc, cứ 10 ngày 1 lần cho đến khi cây huệ không còn thu hoạch, để huệ cho bông dài đẹp, không bị sâu bệnh gây hại. Ông Hiệu cũng cho biết thêm, cây huệ rất khó canh tác trên nền đất cũ. Sau 2 năm canh tác, người trồng phải luân canh trồng cây màu hoặc lúa để làm mới nền đất, nếu không cây huệ sẽ cho năng suất thấp.

Với giá bán khoảng 7.000 đồng/bông vào dịp tết và 2.500 đồng/bông vào những ngày thường, mỗi 1.000 m2 canh tác cây huệ trắng, nông dân lãi 30 triệu đồng/vụ. Với lợi ích kinh tế cao gấp ba lần so với cây lúa, cây huệ mang lại một nguồn thu khá lớn, giúp người dân ổn định cuộc sống gia đình. Ông Võ Văn Bảy (khu phố 3, phường 4, TX. Cai Lậy), chia sẻ: “Trước đây tôi trồng lúa, chỉ toàn huề vốn, có năm còn thua lỗ, cuộc sống gia đình khó khăn. Từ khi trồng cây huệ tới nay, cuộc sống gia đình ổn định hơn, yên tâm lo cho các con ăn học”.

Bà Trần Thị Tuyết Mai, chuyên viên Phòng Kinh tế TX. Cai Lậy cho biết: “Để hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân trồng cây huệ, Trạm Khuyến nông thị xã thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ chuyển giao khoa học - kỹ thuật xử lý giống, hạn chế sâu bệnh trên cây huệ. Được sự chỉ đạo của UBND TX. Cai Lậy, Phòng Kinh tế tham mưu xây dựng đề án sản xuất nông nghiệp theo định hướng nông nghiệp đô thị; sản xuất hoa màu theo hướng an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp cho nông dân, trong đó có cây huệ. Sắp tới  Phòng Kinh tế sẽ tổ chức quy hoạch các làng hoa trên địa bàn thị xã, xây dựng các điểm trình diễn, trồng huệ tạo giống bằng công nghệ nuôi cấy mô, với nhiều ưu điểm vượt trội, ít sâu bệnh để bà con tham khảo, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất cây huệ”.

CAO THẮNG

.
.
.