Thứ Sáu, 01/04/2016, 17:23 (GMT+7)
.

Tinh thần chống hạn, mặn ở phía Đông "truyền lửa" cho phía Tây

Những tháng qua, hạn, xâm nhập mặn ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh là tâm điểm quan tâm của cả tỉnh và công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất ở nơi đây được tỉnh và các địa phương trong vùng xác định là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.

Điều này được thể hiện rõ khi vừa dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng trở về vào thứ năm, ngay ngày hôm sau Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã tiến hành ngay chuyến kiểm tra tình hình hạn, mặn ở các huyện, thị phía Đông. Trước đó, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã liên tục có các cuộc kiểm tra tình hình nước sản xuất, sinh hoạt ở khu vực này.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng thị sát tình hình nước sinh hoạt tại hộ dân ở huyện Gò Công Đông.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng thị sát tình hình nước sinh hoạt tại hộ dân ở huyện Gò Công Đông.

Ngay trong chuyến kiểm tra này, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tổ chức cuộc họp với Chủ tịch UBND các huyện, thị phía Đông cùng các sở, ngành và đơn vị có liên quan vào ngày hôm sau để triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống.

Đến kiểm tra khu vực nhiều ngày liền không có nước máy ở ấp Cồn Cống, xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông), Chủ tịch UBND tỉnh hỏi lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn: “Chừng nào anh cho xử lý việc này?”.

Lãnh đạo Công ty báo cáo: “Thứ hai công ty sẽ cho người xuống kiểm tra, xử lý”. “Chờ đến thứ hai thì chậm quá. Thôi, chiều nay anh cho người xuống kiểm tra, xử lý liền đi và báo cáo ngay cho UBND tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh  chỉ đạo.

Hôm sau, tại cuộc họp với Chủ tịch UBND các huyện, thị phía Đông, các sở, ngành, đơn vị liên quan, sau khi nghe lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi dự báo vài ngày nữa cống Xuân Hòa sẽ lấy nước trở lại, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngay các địa phương đồng loạt ra quân đắp đập để bơm chuyền và công việc này đầu tuần phải xong, địa phương nào có khó khăn thì báo ngay cho UBND tỉnh để tháo gỡ; chỉ đạo mua máy bơm gấp để bơm chuyền chống hạn (để hạ thấp nhanh mực nước trong các tuyến kinh vùng ngọt hóa để cống Xuân Hòa lấy nước mạnh hơn).

Nhân dịp sắp đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở các địa phương, cơ sở dù nghỉ Tết nhưng không được lơ là việc chống hạn, mặn và cho biết tỉnh có thể sẽ đi kiểm tra công tác phòng, chống hạn trong thời gian này. Đúng thật! Ngay trong những ngày Tết Nguyên đán, Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra tình hình phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và đã phê bình thẳng địa phương chống hạn không tốt.

Còn đối với nước sinh hoạt, sau khi chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn và Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đấu nối hệ thống ống để lấy nước BOO Đồng Tâm phục vụ cho dân, Chủ tịch UBND tỉnh đã thường xuyên kiểm tra tiến độ đấu nối.

Khi nghe nhiều hộ dân ở xã Bình Đông (TX. Gò Công) không có nước sinh hoạt, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho tiến hành ngay đầu tư giếng khoan để cấp cho dân nơi đây; rồi cho đầu tư khẩn cấp đường ống dẫn nước BOO Đồng Tâm từ TX. Gò Công đến Tân Hòa để cấp nước cho một số khu vực ở huyện Gò Công Đông.

Trong bàn giải pháp chống hạn, mặn Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Chúng ta bàn giải pháp là phải thật cụ thể: Làm cái gì, ai làm, chừng nào làm và làm bao giờ xong và phải có kiểm tra thì mới ra việc, giải quyết được vấn đề, chứ nói giải pháp chung chung thì không ra việc”.

Chính sự quyết liệt kết hợp với kiểm tra thường xuyên của lãnh đạo tỉnh như một đầu tàu hỏa kéo các toa tàu đi về phía trước, đã thúc đẩy tinh thần phòng, chống hạn, mặn của các địa phương, cơ sở. Hạn, mặn vẫn chưa kết thúc, những tác động, ảnh hưởng của hạn, mặn đến sản xuất, đời sống người dân vẫn còn tiếp tục.

Những ngày qua, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào khu vực phía Tây của tỉnh. Tinh thần chống hạn ở phía Đông đã và đang “truyền lửa” cho các địa phương vùng chuyên canh cây ăn trái. Với tinh thần chống hạn, sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2016 họp triển khai công tác phòng, chống hạn, mặn bảo vệ vụ lúa xuân hè và vườn cây ăn trái ở phía Tây, hôm sau UBND huyện Cai Lậy tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn.

Trong chỉ đạo, lãnh đạo huyện yêu cầu các xã xây dựng ngay kế hoạch phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất trên địa bàn và gửi về huyện vào ngày hôm sau, rà soát các cống, đập; các cơ quan chức năng huyện xúc tiến đắp đập để ngăn mặn, trữ ngọt, trang bị thiết bị đo mặn cho các xã ven sông Tiền... Chốt lại chỉ đạo của mình, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy yêu cầu các xã, cơ quan chức năng huyện triển khai khẩn cấp các giải pháp trên phải theo tâm thế của tinh thần chống hạn.

Trong phòng, chống hạn, xâm nhập mặn cứu lúa ở khu vực phía Đông vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã từng bày tỏ đại ý là: Vì công việc, tôi phê bình các đồng chí, có thể làm cho một số đồng chí không vui. Nhưng thà không vui trước để sau này tổng kết sẽ vui hơn và vui một cách trọn vẹn.

Trong phòng, chống hạn, mặn ở địa bàn rộng lớn ắt hẳn sẽ có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. Và kết quả của việc hạn chế thiệt hại có thể xảy ra thể hiện sự chủ động, quyết liệt của từng cấp, từng ngành như lời của ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2016:

“Kinh nghiệm phòng, chống hạn, mặn thời gian qua đã cho thấy những nơi nào chủ động, triển khai phòng, chống quyết liệt thì thiệt hại rất thấp và ngược lại”.

Đến thời điểm này chúng ta có thể nói, những nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo từ tỉnh đến các ngành, các cấp trong tỉnh đã giảm thiệt hại đáng kể, giảm bớt khó khăn cho người dân khu vực phía Đông. Điều này đã được khẳng định qua đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong chuyến khảo sát tình hình hạn, mặn và thiệt hại lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh vừa qua:

“Nhờ chủ động các giải pháp phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất mà Tiền Giang đến nay chỉ bị thiệt hại trên 1.000 ha lúa đông xuân. Các giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt của tỉnh đã giảm đi những khó khăn cho người dân trên địa bàn”.

NGÔ PHÚ ĐÔNG

.
.
.