Thứ Hai, 11/04/2016, 19:20 (GMT+7)
.

Vị thế Tiền Giang: Cải thiện môi trường kinh doanh không thể chung chung

Bài 1: Đâu chỉ có lợi thế
Bài 2: Phát triển kinh tế không thể dàn đều
Bài 3: Lao động dồi dào: Lợi thế hay thách thức?
Bài 4: Hạ tầng đi trước một bước

Đó là những điểm chung nhất được chúng tôi ghi nhận từ chính cộng đồng doanh nghiệp (DN) khi được đề cập đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh.

1. Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã từng bước được thay đổi. Điều này không ai bàn cãi. Cụ thể nhất là thông qua Báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ thực hiện năm 2015 và công bố vào ngày 29-3.

Theo đó, môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh năm 2015 được đánh giá có một số mặt tích cực. Đó là mặc dù kinh tế năm 2015 của cả nước nói chung, Tiền Giang nói riêng, chưa được như kỳ vọng nhưng các DN trên địa bàn tỉnh vẫn rất nỗ lực, sáng tạo để thay đổi và có cái nhìn tích cực để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới.

Theo kết quả khảo sát, điểm sáng khả quan về môi trường kinh doanh của tỉnh là tỷ lệ các DN trong năm 2015 tiến hành đăng ký bổ sung hoặc sửa đổi đăng ký kinh doanh, mở rộng các ngành nghề chiếm 51%.

Cải thiện môi trường đầu tư cần đi vào cụ thể và thực chất.
Cải thiện môi trường đầu tư cần đi vào cụ thể và thực chất.

Bà Võ Thị Kim Cương, đại diện nhóm khảo sát của VCCI chi nhánh Cần Thơ cho rằng, một trong những kết quả khảo sát về môi trường kinh doanh của Tiền Giang cũng đáng được ghi nhận là thời gian đăng ký kinh doanh được rút ngắn, DN được hướng dẫn các thủ tục đầu tư và đáp ứng các chính sách tốt hơn; các thông tin được niêm yết công khai, thủ tục đơn giản và sự năng động của lãnh đạo các cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ DN cũng đã thay đổi tích cực.

Điều này không chỉ DN mới đăng ký thành lập cảm nhận mà những DN trong quá trình thay đổi đăng ký kinh doanh hay mở rộng đầu tư đều đánh giá cao. Tất nhiên, kết quả khảo sát của VCCI chi nhánh Cần Thơ cũng cho thấy, Tiền Giang còn có một số ít điểm sáng khác liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh như: Cải cách thủ tục hành chính, chất lượng các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và DN, khả năng cung cấp thông tin hay hạ tầng cơ sở...

Tuy nhiên, những thay đổi của Tiền Giang thời gian qua dường như chưa làm thỏa mãn được nhu cầu từ phía cộng đồng DN. Bằng chứng cụ thể và rõ ràng nhất là thông qua chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tiền Giang. Xoay quanh PCI của Tiền Giang trong những năm qua, điểm chung được đánh giá là không ổn định và có chiều hướng đi xuống rất nhanh và hiện đang duy trì ở mức thấp.

Mặc dù PCI năm 2015 của Tiền Giang vừa được VCCI Việt Nam công bố vào ngày 31-3 tăng được 3 bậc, nhưng vẫn còn xếp đến hạng 49/63 tỉnh, thành. Điểm đáng lưu ý là vị trí PCI của Tiền Giang so với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn ở vị trí rất thấp.

Những năm gần đây, Tiền Giang luôn chiếm vị trí áp chót của ĐBSCL, chỉ đứng trên tỉnh Cà Mau. PCI là chỉ số đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển DN dân doanh. Vì vậy, thông qua PCI có thể nói lên phần nào môi trường kinh doanh của Tiền Giang được đánh giá từ chính DN.

Kết quả nghiên cứu này phần nào cũng đã chỉ ra các hạn chế về môi trường đầu tư của tỉnh như: Chưa bình đẳng, thủ tục hành chính còn rườm rà, khó tiếp cận đất đai, chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn, công tác phối hợp giải quyết các kiến nghị, khó khăn của DN chưa tốt...

2. Từ góc nhìn của chính các DN, việc thay đổi hình ảnh về môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của Tiền Giang không thể thực hiện trong ngắn hạn và cũng không thể nói một cách chung chung mà phải bắt đầu từ những hành động hết sức cụ thể. “Nên đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức. Thực tế cho thấy, chế tài xử lý liên quan trách nhiệm của cán bộ, công chức dường như chưa mạnh mẽ, còn khi người ra các quyết định nếu sai thì phải chịu trách nhiệm như thế nào cũng chưa được rõ ràng” - ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát bắt đầu câu chuyện như thế.

Còn ở góc nhìn khác, ông Lê Văn Bé, Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp cho rằng, cải thiện hình ảnh của Tiền Giang thông qua chỉ số PCI không chỉ thực hiện ngày một ngày hai là xong. Nếu tỉnh có quyết tâm chính trị và đồng hành với DN, nên duy trì tốc độ cải thiện một cách thường xuyên. Tiền Giang cần nhiều thời gian do tỉnh, thành nào cũng đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư.

Còn dưới góc nhìn của người nhiều năm gắn bó với môi trường đầu tư của tỉnh, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh điểm chủ yếu, cốt lõi nhất vẫn là cải thiện mức độ hài lòng của DN đối với Nhà nước. Thực tế tỉnh đã, đang và sẽ làm gì cho DN? - ông Nguyễn Văn Đạo đặt ra câu hỏi như thế.

Ông Nguyễn Văn Đạo cho rằng: “Theo cảm nhận của tôi, thủ tục hành chính càng ngày càng rườm rà, gây nhiều khó khăn hơn cho DN. Thực tế là có quá nhiều chủ trương, chính sách được ban hành, với quá nhiều tầng nấc, chính DN cũng không thể nào hiểu hết”. Ông Đạo đặt ra câu hỏi: Có phải DN đang bị làm khó và dường như có tư tưởng xem DN là những “con buôn” nên cần có nhiều chính sách để quản lý?

“Tất nhiên trong xã hội cũng có người tốt người xấu. DN cũng thế nhưng DN tốt vẫn là cái cơ bản. Tâm lý chung của DN là muốn làm điều tốt chứ không ai muốn vi phạm; còn đối với DN vi phạm, Nhà nước cần có chế tài xử lý nghiêm hoặc hướng dẫn để họ làm tốt hơn. Do đó, tỉnh cần thay đổi tư duy từ chỗ chính quyền quản lý sang phục vụ là tốt hơn. DN có phát triển mới góp phần cho đất nước phát triển”- ông Nguyễn Văn Đạo phân tích.

Vì sao người Tiền Giang đầu tư nhiều ở các tỉnh, thành?

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc DNTN SD cho rằng, hiện nay người Tiền Giang đi đầu tư ở các tỉnh như Bình Dương, Bến Tre cũng tương đối nhiều, nên tỉnh cũng cần xem lại các địa phương đó có cách làm gì để lôi cuốn các nhà đầu tư là người Tiền Giang.

Dù chưa có nhiều thông tin, số liệu chính xác nhưng theo tôi biết, chẳng hạn đối với Bến Tre khi các nhà đầu tư đặt vấn đề về dự án đầu tư đều được cấp lãnh đạo giải quyết trước, sau đó mới đến các sở, ngành.

Đối với Bình Dương, qua theo dõi thấy rằng họ được sự hỗ trợ nhiều từ các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, một trong những điều làm cho DN trên địa bàn tỉnh cảm thấy chưa hài lòng là khi DN gặp khó khăn, vướng mắc về chính sách của cấp trên nhưng chưa được các cơ quan có liên quan của tỉnh giải quyết hoặc hỗ trợ một cách thỏa đáng. Vì thế, tỉnh cần nâng cao tầm quan trọng của Phòng Tiếp dân...

Theo đề nghị của ông Nguyễn Văn Đạo, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành nên tìm kiếm điều gì để hỗ trợ cho DN hơn là ràng buộc và nên bỏ cơ chế “xin cho”.

Bởi thực tế hoạt động cho thấy, GODACO hiện có 4 công ty con, đầu tư ở 4 tỉnh, thành nhưng thời gian để đối phó, giải quyết thủ tục hành chính chiếm hết 80%, chỉ 20% thời gian còn lại để phục vụ cho công việc chính sản xuất - kinh doanh.

Chẳng hạn, chỉ riêng vấn đề môi trường, hiện có đến 10 cơ quan từ Trung ương đến địa phương có thể vô công ty kiểm tra bất cứ lúc nào. Vì vậy, về cải cách thủ tục hành chính, tỉnh cần có quyết tâm và đi đến cùng.

Dưới góc nhìn của mình, ông Phạm Quang Bình, Tổng Giám đốc Tipharco cho rằng, thực tế Tiền Giang có những khâu cần phải cải tiến mới thu hút được các nhà đầu tư.

Đi vào cụ thể, ông Bình dẫn chứng về dự án đầu tư Nhà máy sản xuất thuốc dược liệu tại Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh do Tipharco làm chủ đầu tư, một dự án nằm trong chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam và nằm trong nhóm ưu đãi đầu tư.

Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2015 nhưng khả năng đến cuối năm 2016 mới đi vào hoạt động. Lý do chậm trễ phần lớn liên quan đến vấn đề thủ tục đất đai. “Tháng 8-2014, công ty đã thống nhất mua đất ở Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh để đầu tư xây dựng nhà máy, nhưng sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chồng chéo, đùn đẩy với nhau.

Lúc đầu Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh chưa có hạng mục cho ngành Dược, công ty đã trình Ban Quản lý các Khu công nghiệp đề xuất UBND tỉnh và nhanh chóng được UBND tỉnh đồng ý bổ sung. Tuy nhiên, đến khâu làm thủ tục cấp chủ quyền đất thì bị “khựng” lại, thời gian chậm trễ mất khoảng 8 tháng.

Đến khi công ty phản ánh, có chỉ đạo của UBND tỉnh, việc cấp chủ quyền đất cho dự án mới xong và bắt đầu triển khai thực hiện. Từ thực tế dự án cụ thể như thế, tỉnh cần nghiên cứu cải tiến cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ hơn. Đáng lẽ Tiền Giang đã phát triển hơn nhưng do những trì trệ đã trở thành các rào cản phát triển” - ông Phạm Quang Bình cho biết.

MINH THANH

.
.
.