Chủ Nhật, 10/04/2016, 06:56 (GMT+7)
.

Vị thế Tiền Giang: Hạ tầng đi trước một bước

Bài 1: Đâu chỉ có lợi thế
Bài 2: Phát triển kinh tế không thể dàn đều
Bài 3: Lao động dồi dào: Lợi thế hay thách thức?
Bài 5: Cải thiện môi trường kinh doanh không thể chung chung

Một trong những quan điểm phát triển trong 5 năm tới và những năm tiếp theo được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X là đẩy mạnh xây dựng đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng các đô thị thành phố, thị xã, trung tâm huyện.

Hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cần đi trước một bước.
Hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cần đi trước một bước.

1.Tiền Giang là tỉnh có nhiều lợi thế về giao thông đường bộ và đường thủy. Vì vậy, trong chặng đường sắp tới, tỉnh đề ra chủ trương phát triển nhanh các dịch vụ vận tải đường bộ nhằm tạo điều kiện quan trọng để thu hút nguồn lực đầu tư bên ngoài, đồng thời tiếp tục khai thác các dịch vụ vận tải đường thủy - loại hình vận tải truyền thống, tiện lợi cho mọi vùng, mọi địa phương trong tỉnh.

Trong xu thế hội nhập và phát triển ngày càng nhanh, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ tăng lên đáng kể. Theo tính toán của Sở Kế hoạch - Đầu tư, dự báo khối lượng vận chuyển hàng hóa của tỉnh sẽ tăng từ 4,1 triệu tấn năm 2015 lên hơn 6,5 triệu tấn năm 2020; khối lượng vận chuyển hành khách từ 30 triệu lượt năm 2015 lên 63 triệu lượt hành khách vào năm 2020.

Một trong những lợi thế rất quan trọng của tỉnh là nằm tiếp giáp cửa biển, cửa sông, đặc biệt là cửa sông Soài Rạp. Đây là lợi thế không phải tỉnh, thành nào cũng có được. Trong khi đó, theo định hướng phát triển chung của khu vực ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phân tích của các chuyên gia, thời gian tới cửa sông Soài Rạp có thể cho tàu tải trọng từ 30.000 - 50.000 tấn ra vào.

Điểm đặc biệt là luồng tàu biển qua sông Soài Rạp không có nhiều khúc quanh co, đường kính mặt sông rộng, có đoạn lên đến 2,5 km và quan trọng hơn là khoảng cách từ các cảng biển TP. Hồ Chí Minh ra tới cửa biển chỉ khoảng 60 km, ngắn hơn 20 km so với luồng sông Lòng Tàu hiện hữu.

Bên cạnh đó, sông Soài Rạp còn chảy qua các tỉnh Long An và Tiền Giang, mở ra điều kiện giao thương lớn. Theo kế hoạch, giai đoạn 3 (sau năm 2015), sông Soài Rạp sẽ được nạo vét tới độ sâu 12 m, có khả năng đón tàu biển lớn đến 70.000 tấn ra vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL. Điều này sẽ tạo ra rất nhiều thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, tiết kiệm được chi phí và thời gian vận chuyển, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Còn theo tính toán của các ngành chức năng, sản lượng hàng hóa thông qua luồng Soài Rạp đến năm 2025 khoảng 120 - 150 triệu tấn. Vì vậy, nguồn thu do luồng Soài Rạp mang lại trong 10 năm đầu (2015 - 2025) được dự báo khoảng 580.000 - 720.400 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí để nạo vét, bảo dưỡng luồng và trả nợ vay trong 10 năm chiếm chưa đến 1% tổng thu (khoảng 4.810 tỷ đồng).

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, hệ thống cảng biển nằm trên sông Soài Rạp và đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ kết nối các khu công nghiệp và ra, vào khu vực cảng lại chưa được đầu tư xây dựng tương ứng; trong đó có phía Đông huyện Gò Công Đông nối với Cần Giờ, cảng Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh) qua sông Soài Rạp.

Trước thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông như hiện nay, khu vực TP. Hồ Chí Minh nói chung và các tỉnh Tiền Giang, tỉnh Long An có thể tận dụng được lợi thế và phát huy hiệu quả của luồng Soài Rạp hay không là điều cần phải tính toán và có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tất nhiên, để khai thác những lợi thế trên, trong chặng đường tiếp theo, tỉnh sẽ từng bước nghiên cứu đề án phát triển khu kinh tế biển Gò Công, tạo nền tảng cho chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020. Song song đó, tỉnh cần tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư khu vực dọc sông Soài Rạp, trước mắt đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu: Dự án Cảng biển tổng hợp, dự án Kho và Cảng nhà máy lọc dầu, dự án Cảng quốc tế.

Ngoài ra, tỉnh cần huy động mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng đô thị thị trấn Vàm Láng để xứng tầm khu trung tâm kinh tế biển, giao lưu kinh tế với các vùng phụ cận như: Xã Kiểng Phước, xã Gia Thuận, xã Tân Phước, xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông), huyện Cần Đước (tỉnh Long An), Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, tỉnh cần đầu tư hoàn chỉnh Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành, mở rộng và phát triển kết nối các tuyến du lịch sinh thái với du lịch văn hóa.

2. Một trong những hạn chế được tỉnh chỉ ra khi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX là kết cấu hạ tầng ở một số địa phương chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, nhất là giao thông; kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều khó khăn.

Từ thực tế như thế, theo chủ trương chung, tới đây tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá về đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Cụ thể, tỉnh sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo chất lượng các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh;

Đồng thời tỉnh cũng phát huy nội lực và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho kết cấu hạ tầng giao thông dưới nhiều hình thức như BOT, BT, PPP. Song song đó là tăng cường đầu tư, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường huyện, tuyến giao thông kết nối các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, du lịch.

Với nhiệm vụ tiên phong đi trước, ngành Giao thông - Vận tải (GTVT) cũng đang tích cực, chủ động phối hợp các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm để sớm đưa vào khai thác, sử dụng như:

Dự án Tuyến tránh Quốc lộ 1 (đoạn tuyến tránh qua TX. Cai Lậy); dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng kinh Chợ Gạo; dự án Nâng cấp, mở rộng kinh Nguyễn Văn Tiếp; dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 30.

Đối với các dự án của địa phương, tỉnh đã triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tập trung đầu tư các dự án trọng điểm của địa phương để thu hút đầu tư các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, du lịch… kết nối với đường cao tốc và các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh như: Đường tỉnh 878, 871B, 872B (kết nối Quốc lộ 50 với đường tỉnh 877 và đường tỉnh 877B huyện Tân Phú Đông), đường Lê Văn Phẩm (đoạn 2)…

 Hiện nay tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư các dự án như: Đường tỉnh 877C (song hành với Quốc lộ 50) đoạn Mỹ Tho - Gò Công  nối từ đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (Khu công nghiệp Đông Nam Tân Phước) đến Khu công nghiệp phía Đông, đường Hùng Vương nối dài, cầu Đồng Sơn trên đường tỉnh 872.

Để tạo điều kiện thực hiện các khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đạt hiệu quả, ngành GTVT sẽ phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp, tích cực nhằm phát huy nội lực, thu hút các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư công trình giao thông dưới nhiều hình thức:

Đầu tư - khai thác - chuyển giao (BOT); đầu tư - chuyển giao (BT); đầu tư - thu phí hoàn trả, chuyển nhượng quyền thu phí; thực hiện các giải pháp về xây dựng đường kết hợp giải phóng mặt bằng nhằm tạo quỹ đất thương mại dịch vụ để chuyển nhượng, cho thuê tạo thêm vốn phát triển giao thông.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị mở rộng TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và TX. Cai Lậy; phối hợp các ngành để kêu gọi đầu tư các dự án giao thông vào các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp và đầu tư xã hội hóa các bến phà qua các xã cù lao bằng hình thức BOT...

MINH THANH (Còn tiếp)

Chú trọng phát triển dịch vụ Logistics

Để khai thác tốt những lợi thế về vị trí địa lý, theo các chuyên gia, tỉnh cần đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, đảm bảo tính kết nối, tạo thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ Logistics (Logistics là quá trình xây dựng kế hoạch, cung cấp và quản lý việc chu chuyển và lưu kho có hiệu quả hàng hóa, dịch vụ và các thông tin liên quan từ nơi xuất xứ đến nơi tiêu thụ vì mục tiêu đáp ứng nhu cầu của khách hàng).

Cụ thể, tỉnh cần phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bao gồm kết cấu hạ tầng cảng và luồng hàng hải của các cảng quốc gia phù hợp với quy hoạch phát triển cảng biển; đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ kết nối vào cảng biển, tạo thuận lợi cho hoạt động của cảng và dịch vụ Logistics.

Song song đó, tỉnh cần phát triển hệ thống đường bộ kết nối với các hành lang, vành đai kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển đã được phê duyệt; đồng thời tỉnh cần xây dựng khu bến cảng Gò Công trên sông Soài Rạp, các cảng du lịch dọc trên sông Tiền, sông Vàm Cỏ...

 

.
.
.