Thứ Tư, 18/05/2016, 14:21 (GMT+7)
.

Nâng cao hiệu quả trồng mãng cầu Xiêm

Sau thời gian phát triển nhanh về diện tích, vùng chuyên canh mãng cầu Xiêm của huyện Tân Phú Đông đang đối mặt với không ít vấn đề. Trước thực trạng trên, tỉnh đã triển khai Đề án Xây dựng phát triển cây mãng cầu Xiêm huyện Tân Phú Đông với các đề tài nghiên cứu, mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Ông Võ Văn So, ấp Tân Ninh, xã Tân Phú tỉa cành, tạo tán cho cây mãng cầu Xiêm.
Ông Võ Văn So, ấp Tân Ninh, xã Tân Phú tỉa cành, tạo tán cho cây mãng cầu Xiêm.

Chúng tôi về vùng trồng mãng cầu Xiêm VietGAP của Tổ hợp tác (THT) Kinh tế mãng cầu Xiêm xã Tân Phú trong những ngày nắng nóng gay gắt nhưng vườn mãng cầu Xiêm của chú Võ Văn So, ấp Tân Ninh, xã Tân Phú vẫn xanh mướt. Trong vườn, các cây mãng cầu Xiêm được trồng ngay hàng thẳng lối, khoảng cách các cây đều nhau trông rất đẹp mắt.

Chú So cho biết, vườn mãng cầu Xiêm 4 công đất, trồng khoảng 8 năm. Thời gian đầu, chú học kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh từ kinh nghiệm của những người trồng trước nên chỉ làm theo ước đoán và cảm tính. Khi đó, chú cũng đã nghe nói nhiều về sản xuất an toàn, chất lượng để vừa bảo vệ người trồng, người tiêu dùng và cũng ý thức được điều này nhưng không được ai hướng dẫn.

Từ năm 2014, được Viện Cây ăn quả miền Nam hướng dẫn sản xuất theo VietGAP, nên chú So đồng ý áp dụng ngay. Lúc đầu, do không quen với quy trình chăm sóc mới nên chú gặp nhiều khó khăn. Sau một thời gian thực hiện, chú đã quen dần.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chú được Viện Cây ăn quả miền Nam hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… theo hướng giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng các loại thuốc ít độc hại môi trường và nhiều vấn đề khác. Nhờ đó, chú giảm được công chăm sóc nhưng chất lượng trái lại được nâng lên.

Sau thời gian thực hiện, đến giữa năm 2015, vườn của chú So được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Vui mừng về kết quả đạt được, chú So chia sẻ: “Sau khi áp dụng phương pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh theo VietGAP với sự hướng dẫn của các nhà khoa học, hiệu quả tăng lên thấy rõ. Đó là năng suất bằng và cao hơn so với trước đây; công chăm sóc và chi phí sản xuất giảm thấy rõ do ít sâu bệnh, ít sử dụng thuốc, từ đó lợi nhuận được tăng lên.

Trong 3 năm qua, chỉ có năm nay bị nắng hạn năng suất thấp, còn 2 năm trước vườn của tôi đều cho sản lượng từ 8 - 10 tấn/năm. Không riêng vườn của tôi cho năng suất tốt, các vườn áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong THT cũng đều đạt hiệu quả như thế”.

Ông Trần Minh Mẫn, Tổ trưởng THT Kinh tế mãng cầu Xiêm xã Tân Phú cho biết, mô hình triển khai được 3 năm. Lúc đầu người dân chưa quen nên gặp không ít khó khăn. Dần dần, người dân hiểu và tuân thủ rất tốt quy trình sản xuất theo VietGAP. Đến tháng 7-2015, THT và 25 tổ viên trồng mãng cầu Xiêm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 13,2 ha.

Ông Mẫn bày tỏ: “Trước đây, bà con thường chỉ biết bón phân, phun thuốc sao cho cây tốt, không bị bệnh mà không quan tâm đến những chuyện khác. Sau khi áp dụng phương pháp sản xuất mới, họ đã ý thức đến sản xuất làm sao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng. Sau khi THT được chứng nhận VietGAP, có một số doanh nghiệp đến đặt vấn đề tiêu thụ nhưng do diện tích mô hình còn nhỏ, nên không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp”.

Ths. Huỳnh Thanh Lộc (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết, mô hình sản xuất mãng cầu Xiêm đạt tiêu chuẩn VietGAP ở THT Kinh tế mãng cầu Xiêm xã Tân Phú là một trong những giải pháp hướng đến sự phát triển bền vững cho cây đặc sản của vùng cù lao.

Đây là một trong những nội dung của đề tài “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng mô hình VietGAP trên cây mãng cầu Xiêm huyện Tân Phú Đông” do Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện (thuộc Đề án Xây dựng phát triển cây mãng cầu Xiêm huyện Tân Phú Đông).

Trong khuôn khổ của đề tài, ngoài thực hiện mô hình VietGAP, Viện Cây ăn quả miền Nam còn nghiên cứu các quy trình về canh tác, phòng trừ sâu hại tổng hợp; quản lý tổng hợp bệnh thối quả; thu hái, sơ chế và bảo quản sau thu hoạch; kỹ thuật tổng hợp sản xuất mãng cầu Xiêm, đồng thời triển khai một số mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến trên vào thực tế. Kết quả cho thấy, các quy trình khi được triển khai, áp dụng vào thực tiễn sản xuất đã cho năng suất tăng lên, chi phí sản xuất giảm xuống thấy rõ.

Cũng theo Ths. Lộc, đây là lần đầu tiên có nghiên cứu toàn diện về cây mãng cầu Xiêm, các giải pháp phát triển cũng như xây dựng các mô hình áp dụng trong thực tế để cho các nhà vườn có thể học hỏi. Song, vấn đề khó khăn của cây mãng cầu Xiêm ở Tân Phú Đông hiện nay là bệnh khô cành, thối rễ đang phát triển và chưa được khống chế hiệu quả đã gây nhiều khó khăn cho nhà vườn, ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ.

Mô hình sản xuất mãng cầu Xiêm đạt tiêu chuẩn VietGAP có diện tích nhỏ, nên lượng hàng hóa không đủ cung cấp cho nhu cầu đối tác, nhà đóng gói cho loại trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP này cũng chưa có. “Con đường sản xuất mãng cầu Xiêm an toàn, còn không ít khó khăn ở phía trước nhưng chúng ta vẫn phải làm.

Có thể nói, mô hình dù nhỏ nhưng là tiền đề thúc đẩy việc phát triển mãng cầu Xiêm theo hướng bền vững trong tương lai. Vì thế, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin thị trường và hướng dẫn cách tiếp cận thị trường cho nhà vườn.

Bên cạnh đó, tôi cũng kiến nghị các cấp, các ngành mở rộng mô hình sản xuất mãng cầu Xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP, để có sản lượng đủ lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường và xây dựng nhà đóng gói cho trái cây này” - Ths. Lộc đề nghị. 

NGÔ VĂN

.
.
.