Thứ Sáu, 10/06/2016, 11:13 (GMT+7)
.

Liên kết "4 nhà": "Đòn bẩy" phát triển nông nghiệp, nông thôn

Liên kết “4 nhà” là một trong những trọng tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh các liên kết “4 nhà” đã và đang tiếp tục được hình thành theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, cũng có nhiều mối liên kết bị đổ vỡ do nhiều nguyên nhân. Dù vậy, những liên kết giữ được ổn định là tiền đề nhân rộng, làm “đòn bẩy” cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Liên kết sản xuất và tiêu thụ giúp nông dân an tâm sản xuất.
Liên kết sản xuất và tiêu thụ giúp nông dân an tâm sản xuất.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH, MỞ RỘNG QUY MÔ

Theo các nhà chuyên môn, liên kết “4 nhà” là định hướng xuyên suốt trong nhiều năm qua nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng nông sản. Kèm theo đó, nhiều chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ra đời. Nhờ đó mà hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản có điều kiện phát triển, ngày càng có nhiều mối liên kết hoạt động ổn định, mở rộng quy mô.

Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công cho biết, lâu nay, chăn nuôi mang tính tự phát nên chưa tạo nên sản phẩm hàng hóa, người nuôi không quan tâm đến phòng, chống dịch bệnh dẫn đến rủi ro cao, giá cả bấp bênh, dễ bị thương lái ép giá. Liên kết những người sản xuất lại với nhau thành lập HTX, tổ hợp tác (THT) để tạo ra sản phẩm chăn nuôi đủ lớn, đảm bảo chất lượng mới có cơ hội liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ.

“Nếu không có liên kết thì không có con gà Ta Gò Công. Từ năm 2013 đến nay, HTX đã hợp đồng cung ứng gà Ta Gò Công cho Công ty San Hà. Từ cơ sở này, HTX đã hình thành nên nhiều tổ hợp tác cung ứng sản phẩm gà Ta Gò Công đạt chất lượng; sản lượng gà Ta Gò Công cung ứng cho thị trường tăng qua mỗi năm.

Mới đây, HTX thành lập thêm tổ hợp tác chăn nuôi gà Ta Gò Công ở xã Bình Đông. Bên cạnh đó,  HTX còn mở các cửa hàng bán gà “sạch”. Mới đây, HTX đã mở thêm cửa hàng bán gà “sạch” tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, nâng số cửa hàng bán gà Ta Gò Công của HTX lên 14 cửa hàng” - ông Kiệt cho hay.

TX. Gò Công còn có  HTX Rau an toàn Gò Công đã duy trì được hợp đồng cung ứng rau “sạch” cho các doanh nghiệp, đơn vị như Metro, Coop Mart, bếp ăn tập thể… với sản lượng khoảng 3 - 3,5 tấn/ngày.
Trong lĩnh vực cây ăn trái, “vương quốc” trái cây Tiền Giang cũng có nhiều liên kết giữa HTX, THT với doanh nghiệp (DN) mang tính ổn định, lâu dài như HTX Hòa Lộc ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty HatchanDo (Nhật Bản), HTX Sơ ri Gò Công Đông ký hợp đồng với Công ty Nichirel Suco, HTX Mỹ Lương ký hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân Phương Anh (Hà Nội)... Đối với cây lúa, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn Tiền Giang đã có 11.145 ha tham gia thực hiện cánh đồng lớn.

Trên bình diện cả nước, liên kết “4 nhà” đã tạo ra chuyển biến tích cực với hàng ngàn mô hình được thực hiện. Ông Đào Văn Hoàng (Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian qua có nhiều chính sách liên quan đến liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Những chính sách trên khi đưa vào triển khai thực tế đã mang hiệu quả tích cực rõ rệt về sản lượng và diện tích. Từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã có 556 ngàn ha lúa tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn (CĐL), trong đó Đồng bằng sông Cửu Long có 450 ngàn ha tham gia thực hiện CĐL.

Qua các liên kết CĐL, cơ giới hóa được đưa vào sản xuất đã giảm công lao động, các dịch vụ, đào tạo nghề nông nghiệp được thực hiện. Ngoài ra, thực hiện CĐL còn giúp chuyển biến tư tưởng người dân và chính quyền địa phương về hợp tác, liên kết trong sản xuất, góp phần giải quyết chất lượng và nâng giá trị gia tăng cho nông sản. “Nhờ liên kết mà người dân an tâm sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập” - ông Hoàng nói.

CẦN NHƯNG CHƯA GẶP NHAU

Thực tế, hiện nay đang có rất nhiều HTX, THT sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn an toàn, GAP gặp khó khăn đầu ra vì không liên kết được DN tiêu thụ. Trong khi các DN lại “than” thiếu hụt nguồn cung nông sản “sạch” do chưa tìm được nơi cung ứng ổn định.

Đại diện Công ty TNHH Mỹ Châu cho biết, thời gian qua công ty có liên kết tiêu thụ rau màu “sạch” của THT Thạnh Hưng, Thạnh Hòa để cung ứng cho các siêu thị và được những nơi này chấp nhận. Hiện tại, công ty đang có hướng mở các cửa hàng bán nông sản “sạch” ở TP. Mỹ Tho và các huyện, thị. Vì thế, công ty đang có nhu cầu ký hợp đồng tiêu thụ với các HTX, THT sản xuất rau “sạch”.

Trục trặc, phá vỡ hợp đồng hay không gặp nhau giữa các nhà trong liên kết “4 nhà” tiếp tục là vấn đề quan tâm của các ngành, các cấp; bởi đây là chủ trương theo định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Vấn đề này càng trở nên bức thiết hơn khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Bởi từ đây, hàng hóa không chỉ tăng cường xuất khẩu mà còn cần đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, tăng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, phải nhìn nhận thực tế, liên kết “4 nhà” hiện nay chưa đủ mạnh. Theo ông, Tiền Giang là tỉnh nằm trong vùng có nhiều tiềm năng phát triển nông, ngư nghiệp, có nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến, dịch vụ, thương mại, du lịch và mở rộng giao lưu phát triển kinh tế với các tỉnh trong nước, khu vực và thế giới. Dù vậy, việc liên kết giữa các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ của các thành phần kinh tế chưa tốt.

Nguyên nhân là do DN trong nông nghiệp còn ít; những DN thực sự muốn liên kết có năng lực về tài chính, kho tàng, cơ sở chế biến có thể liên kết và thực hiện liên kết không nhiều. Các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp phát triển chậm và nếu đã hình thành thì cũng chưa đủ mạnh để đảm nhận vai trò trung gian gắn kết nông dân với DN. Nhận thức về vai trò của từng nhà trong liên kết “4 nhà” còn hạn chế.

Chính quyền, cơ quan, ban, ngành liên quan chưa mạnh dạn và vào cuộc quyết liệt để tổ chức liên kết, hỗ trợ liên kết; chưa xây dựng được một cơ chế, chính sách phù hợp để xâu chuỗi gắn kết “4 nhà”, xử lý vi phạm hợp đồng và chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro của “4 nhà”.

Cùng nhận định này, ông Đào Văn Hoàng đánh giá, tốc độ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay khá chậm, chỉ chiếm khoảng 4% tổng diện tích. Các liên kết còn lỏng lẻo, chưa gắn lợi ích giữa các bên (giữa DN với nông dân, nông dân với nông dân) và thường xuyên phá vỡ hợp đồng khi xảy ra biến động giá. Nhà nước chưa có chế tài cụ thể, nhiều liên kết chỉ tập trung hỗ trợ đầu vào mà chưa giải quyết đầu ra...

“Phát triển nông nghiệp nhất thiết phải liên kết “4 nhà” - ông Hoàng khẳng định. Để làm được điều này, ông Hoàng đề xuất xây dựng các mô hình liên kết phù hợp với từng vùng miền, từng loại nông sản; mở rộng vùng nguyên liệu tập trung và có chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng này; xây dựng các chính sách ưu đãi cho các tổ chức nông dân (vay ưu đãi, hỗ trợ cho HTX nông nghiệp, tổ chức nông dân, xây dựng vùng nông sản xuất khẩu…), tổ chức sản xuất gắn với thị trường, quy hoạch vùng sản xuất, cơ cấu sản phẩm theo hướng phát huy thế mạnh từng vùng, từng DN.

TÂN PHÚ

.
.
.