Thứ Hai, 22/08/2016, 14:00 (GMT+7)
.

Để cây sầu riêng phát triển bền vững

Để có được quả sầu riêng thơm ngọt cung cấp cho thị trường, người nông dân miệt vườn Cai Lậy phải dày công chăm chút. Nhà vườn ngày ngày phải rỏ mồ hôi trên từng thớ đất mới có được hương vị ngọt ngào của mùa vụ bội thu.

NÔNG DÂN PHẢI TRÔNG ĐỦ THỨ

Thường thì phải mất 5 năm ròng vun trồng, chăm bón, cây sầu riêng mới bắt đầu cho quả ngọt đầu mùa. Để cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao, người trồng sầu riêng phải áp dụng phương pháp rải vụ, xử lý cho ra trái vụ nghịch để bán được giá và cây phát triển tốt.

Nhà vườn xã Ngũ Hiệp chăm sóc sầu riêng.
Nhà vườn xã Ngũ Hiệp chăm sóc sầu riêng.

Chi phí đầu tư xử lý nghịch vụ trên 100 triệu đồng mỗi ha. Nếu trúng mùa, trúng giá thì huê lợi thu về khoảng 1 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, để có được nguồn lợi đó, người nông dân trồng sầu riêng gần như đang phải tự bơi từ khâu đầu vào cho tới đầu ra của sản phẩm. Chính vì vậy mà nỗi lo lắng luôn thường trực trong những người nông dân miệt vườn này.

Trong thực tế, việc trồng và chăm sóc, xử lý bệnh cho cây sầu riêng hầu như hiện nay chưa có một tài liệu nghiên cứu bài bản nào. Trước đây chỉ có nghiên cứu của nhóm Trường Đại học Cần Thơ và nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Hữu Hải. Tài liệu này từ hơn chục năm nay chưa được cập nhật mới cho phù hợp với thực tế. Do đó nông dân phải tự mình tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào canh tác.

Trong điều kiện thâm canh, những năm gần đây xuất hiện nhiều loại bệnh nên chuyện “ốm đau” của cây sầu riêng làm nông dân bận tâm. Nỗi lo của nông dân chính là chất lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ông Nguyễn Tấn Nhũ, Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình nói:

“Khi cây có sâu bệnh, chủ yếu là nhà vườn phải tự tìm hiểu cách trị. Nhưng cùng một loại bệnh, năm nay sử dụng loại thuốc này hiệu quả nhưng năm sau lại không. Và nhà nông lại phải tìm loại thuốc khác. Vấn đề nữa là chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài khả năng kiểm soát của nông dân. Chỉ khi sử dụng rồi thì mới phát hiện mà lúc đó thì cây trồng đã bị ảnh hưởng rồi”.

Hết nỗi lo chất lượng phân, thuốc, thời tiết không thuận lợi, khi sản xuất ra sản phẩm, nông dân lại phải lo về giá cả đầu ra của nông sản. Hiện nay phần lớn sầu riêng của Cai Lậy là nông dân bán cho tư thương để xuất khẩu sang Trung Quốc và xuất ủy thác qua Thái Lan. Với sản lượng hàng trăm ngàn tấn mỗi năm, nếu 2 thị trường này “có vấn đề” thì nông dân thiệt hại ngay. Tức là không có một sự ổn định, đảm bảo nào về thị trường và giá cả.

CẦN SỰ HỖ TRỢ TỪ NHÀ NƯỚC

Hiện nay trái sầu riêng Việt Nam chủ yếu xuất bán dưới dạng trái cây tươi, công nghiệp chế biến sản phẩm từ sầu riêng hầu như chưa có gì. Theo ông Đinh Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy, huyện đã và đang tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp (DN) đến địa bàn huyện đầu tư sản xuất chế biến sản phẩm từ sầu riêng nhưng nhiều năm rồi chưa thấy có DN nào tìm đến.

Đa số nông dân mua bán sản phẩm qua tư thương. Tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) hoạt động còn khó khăn. Hiện tại huyện Cai Lậy chỉ có duy nhất 1 HTX thu mua sầu riêng là HTX sầu riêng Ngũ Hiệp (thành lập vào cuối năm 2012). Tuy nhiên, hoạt động của HTX này không mấy thuận lợi.

Ông Trần Hữu Toàn, Trưởng Ban kiểm soát của HTX cho biết: “HTX chủ yếu hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp sầu riêng chất lượng đảm bảo cho thị trường. Việc tiêu thụ nông sản gặp rất nhiều khó khăn.

Số lượng sầu riêng mua mỗi năm của HTX giảm đều, năm 2013 mua được khoảng 350 tấn, năm 2015 vừa qua chỉ mua được có 150 tấn. Chúng tôi mua không được nhiều hàng vì sự cạnh tranh giá gay gắt của các DN. Vốn của DN rất lớn, trong khi vốn của chúng tôi chưa đầy 2 tỷ đồng nên khó cạnh tranh. Trong khi đó, sản phẩm chúng tôi mua thì đòi hỏi chất lượng cao hơn nhằm đảm bảo uy tín, chất lượng sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và các thị trường khó tính như Nhật Bản…”.

Ngoài khó khăn về cạnh tranh giá, cái khó trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng chính là đối tác yêu cầu cung cấp ổn định về số lượng mỗi tháng trong khi sầu riêng cho trái theo vụ; về chất lượng, ngoài chứng nhận GlobalGAP hay VietGAP thì đơn vị nhập khẩu còn yêu cầu giấy xác nhận về chất lượng từng lô hàng. Muốn có giấy chứng nhận này thì phải mang mẫu lên Viện Công nghệ sinh học tại TP. Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm và quy trình phải mất khoảng 20 ngày mà sầu riêng không thể chờ lâu như vậy nên đành bán cho thương lái.

Thời gian gần đây một số vựa trái cây của huyện cũng thử nghiệm cấp đông sầu riêng để chờ giá nhưng cách làm này đòi hỏi quy mô kho xưởng lớn, lại tốn chi phí bảo quản cao, làm đội giá sản phẩm. Về chính sách hỗ trợ, hiện nay xuất khẩu sầu riêng chưa có được một chính sách hỗ trợ riêng biệt, cụ thể của Nhà nước như chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu một số loại nông sản chủ lực khác như lúa gạo, cao su, tiêu, điều…

Do đó, để cây sầu riêng phát triển bền vững, nông dân miệt vườn Cai Lậy đang rất cần được nhà nước hỗ trợ, đầu tư về khoa học - kỹ thuật sản xuất, đảm bảo về chất lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật và nhất là hỗ trợ nông dân trong việc mở rộng thị trường, giải quyết đầu ra cho trái sầu riêng.

MAI HÀ

.
.
.