Thứ Sáu, 23/09/2016, 14:19 (GMT+7)
.

Tân Phong chú trọng phát triển vườn cây ăn trái

Dựa vào điều kiện đất đai màu mỡ, thổ nhưỡng thích hợp, xã Tân Phong (huyện Cai Lậy) đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, tập trung vào các loại cây ăn trái chủ lực, góp phần khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng trái cây của Tiền Giang trên thị trường.

Tham quan mô hình xử lý sầu riêng nghịch vụ của nông dân.
Tham quan mô hình xử lý sầu riêng nghịch vụ của nông dân.

Hiện Tân Phong có hơn 1.300 ha vườn cây ăn trái, trong đó có 330 ha sầu riêng, chủ yếu sầu riêng RI 6 và Monthong. Nhiều năm qua, cây sầu riêng luôn cho hiệu quả kinh tế cao, có nhiều nông dân ăn nên làm ra nhờ gắn bó với cây sầu riêng.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, ấp Tân Luông B, xã Tân Phong hàng năm đều xử lý sầu riêng ra hoa nghịch vụ, tránh bị dội chợ để bán được giá cao. Ông Nghĩa  cho biết: “Nếu có kinh nghiệm, biết cách xử lý sầu riêng nghịch vụ thì khỏi lo về mặt giá cả. Những lúc nghịch vụ giá sầu riêng lên đến hơn 70.000 đồng/kg, trung bình cũng 50.000 đồng/kg; thương lái vô tận vườn thu mua, nhà vườn khỏi tốn công vận chuyển, bị ép giá như mùa thuận”.

Tân Phong còn chú trọng phát triển chôm chôm với hơn 600 ha, chủ yếu chôm chôm Java, chôm chôm nhãn và chôm chôm Thái. Do thổ nhưỡng thích hợp, cộng với lợi nhuận kinh tế cao nên diện tích chôm chôm của xã tăng theo từng năm. Năm nay, giá chôm chôm luôn duy trì ở mức khá cao; hiện tại thương lái mua chôm chôm Java với giá 8.000 - 10.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn và chôm chôm Thái từ 20.000 - 22.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thanh Tân, xã Tân Phong cho biết: “Với giá chôm chôm cao như hiện tại, người trồng thu lãi rất cao, đặc biệt với chôm chôm Thái và chôm chôm nhãn. Nhiều nông dân ở đây trở nên khá giả, xây biệt thự mini nhờ  trồng chôm chôm”.

Chính giá trị kinh tế cao từ các loại cây trồng chủ lực, hàng năm các ngành chức năng của xã Tân Phong luôn khuyến cáo nông dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế bền vững.

Nhờ định hướng đúng đắn, năm 2015 toàn xã có 200 hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp xã, huyện và gần 50 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống mức đáng kể, bộ mặt  của xã có nhiều khởi sắc.

Ông Kiều Mạnh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phong cho biết: “Thực hiện kế hoạch của Huyện ủy chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng chôm chôm, sầu riêng, nhãn tiêu da bò…

Chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ trồng cây ăn trái về quy trình kỹ thuật, công tác chăm sóc, thu hái sản phẩm, nhất là khâu bảo vệ thực vật. Xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nông xã đủ mạnh, chuyên sâu về trồng cây ăn trái để trực tiếp hướng dẫn cho bà con; tạo mọi điều kiện ban đầu cho bà con nông dân như:

Giống, phân bón; quan trọng hơn là tạo cơ chế đầu ra thông thoáng, giúp người dân yên tâm phát triển, ổn định đời sống. Hơn nữa, cần thêm những liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người dân để nhân thêm thị trường cho người tiêu dùng”.

VĂN MINH

.
.
.