Bài 1: Làm lúa để có gạo ăn
Bài 1: Làm lúa để có gạo ăn
Bài 2: Trồng cây theo… phong trào
Bài 3: Nuôi thủy sản: làm giàu không bền vững
Bài 4: Chăn nuôi như "đánh bạc"
Bài cuối: Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, nền Nông nghiệp tỉnh nhà có bước thay đổi đáng kể, đạt được những thành tựu quan trọng, tạo nền tảng cho sự ổn định để phát triển kinh tế… Tuy vậy, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản thường xuyên xảy ra; giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Hoạt động sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều… Trước những yếu kém đó, Tiền Giang cần một cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp để tìm ra hướng đi phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại.
Đó là khẳng định của rất nhiều nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh, bởi họ cho rằng diện tích canh tác đa số không nhiều, chi phí quá cao, giá cả biến động theo hướng thấp, quá nhiều bất lợi về thời tiết, sâu bệnh…, nhưng nếu không bám đồng ruộng thì cũng không biết làm gì. Đã đến lúc ngành Nông nghiệp cần phải nhìn vào thực tại để tìm ra giải pháp hữu hiệu hơn.
Đến vụ lúa đông xuân, nông dân lại chất đầy lúa ngoài đồng để chờ thương lái đến mua. |
LÚA CŨ ĐỔI LÚA MỚI
Hơn 30 năm gắn bó với 0,8 ha đất lúa ông bà để lại, ông Nguyễn Văn Tám, ấp Mỹ Trinh B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cũng không khấm khá gì hơn. Ngồi đu đưa trên chiếc võng, ông Tám tâm sự: “Làm lúa sao mà giàu. Có được hạt gạo ăn, đủ trang trải cho gia đình, không nợ nần là may rồi”. Ông Tám liệt kê chi tiết: “Nếu diện tích đất sản xuất của nông dân là 1 ha/hộ, làm trong 3 vụ lúa/năm, đạt 11 - 13 tấn. Tính chi phí là 50%, nông dân lãi 50%, tương đương 5,5 - 6,5 tấn lúa. Thử lấy giá khoảng 6.000 đồng/kg cũng chỉ lãi ở ngưỡng 33 - 40 triệu đồng, chia cho trung bình mỗi gia đình là 5 người, tương đương 6,6 - 8 triệu đồng/người/năm. Tính ra thu nhập trên 500.000 đồng/người/tháng. Khoản thu nhập này phải chi đủ thứ: Cưới hỏi, học hành, trị bệnh… Trong khi đi làm công nhân thu nhập ít nhất cũng phải trên 2 triệu đồng/người/tháng”.
Vùng đất giàu phù sa, phù hợp với cây lúa ở các huyện phía Tây mà nông dân còn than khó thì những vùng đất trồng lúa ở các huyện phía Đông còn khó khăn hơn. Bà Lê Thị Mỹ, ấp 3, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông dẫn chúng tôi tham quan 0,4 ha lúa đang trổ bông tâm sự: “Tôi cố gắng bám trụ với cây lúa để có hạt gạo mà nuôi 4 miệng ăn, chứ chuyển sang trồng màu thì cũng rất bấp bênh, giá cả không ổn định. Trồng lúa bán không được thì phơi khô dự trữ, chứ trồng màu đến lúc bán thương lái mua bao nhiêu phải bán bấy nhiêu, không dự trữ được”. Ông bà Mỹ đã gần 50 tuổi, các con thì đang trong độ tuổi ăn học. Ông bà không đi làm cho các công ty, xí nghiệp được vì đã lớn tuổi, mà trong xóm ai mướn gì làm nấy để có thêm đồng ra đồng vô trang trải cuộc sống. “Nhiều khi túng quẩn vì làm hoài không khá, muốn bán hết đất đai để tìm kế sinh nhai ở phương khác. Nhưng đây là đất tổ tiên để lại, thời cha ông đã trồng lúa thì bây giờ cố gắng mà giữ nó” - bà Mỹ nghẹn ngào.
Có một thực tế trong chuyến khảo sát, người trồng lúa bị quá nhiều tác nhân làm ảnh hưởng đến sản xuất như: Tình trạng sử dụng phải thuốc trừ sâu, phân bón giả, kém chất lượng; do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng xâm nhập mặn làm cho diện tích lúa bị thiệt hại. Tình trạng “được mùa mất giá” vẫn là điệp khúc thường xuyên xảy ra. Nông dân vẫn phải tự “bơi” trong cơ chế thị trường. Một nghịch lý nữa là đất đai là của dân, cây, con giống là của dân, sản phẩm được họ cật lực làm ra nhưng giá lại do thương lái quyết định.
Thu hoạch lúa đông xuân 2015 - 2016 ở huyện Cai Lậy và nông dân nâng niu hạt lúa mà họ làm ra nhưng chưa thể làm giàu từ nó. |
CẦN TĂNG THU NHẬP CHO NÔNG DÂN
Đó là hoạch định của ngành Nông nghiệp nhằm cải thiện những yếu kém, tăng thu nhập cho người trồng lúa. Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tập trung phát triển ngành lúa gạo trở thành ngành xuất khẩu bền vững với 2 dòng sản phẩm, đảm bảo chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Rà soát quy hoạch vùng chuyên canh, cải thiện cơ cấu giống, tổ chức luân canh với hoa màu và thủy sản; tăng quy mô sản xuất, áp dụng cơ giới, kỹ thuật thân thiện môi trường, chủ động tìm hiểu và mở rộng thị trường, tăng cường liên kết kinh doanh giữa nông dân và doanh nghiệp; giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến tinh, chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo, chế biến phụ phẩm, phát triển thị trường tiến tới xây dựng thương hiệu của lúa gạo Tiền Giang.
Đến năm 2020, diện tích canh tác lúa ở Tiền Giang khoảng 78.000 ha, diện tích gieo trồng đạt tối đa 200.000 ha, với sản lượng 1,2 triệu tấn. Hình thành Cánh đồng lớn trong sản xuất lúa đến năm 2020, có 25% diện tích canh tác lúa sản xuất theo Cánh đồng lớn; có 90% diện tích sử dụng giống xác nhận; 20.000 ha được doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Tăng thu nhập từ 10 - 15% so với sản xuất theo tập quán truyền thống. Đến năm 2030 sẽ đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống nông dân, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn lực tự nhiên; ứng dụng khoa học - công nghệ, đảm bảo tăng trưởng năng suất dài hạn, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Cao Văn Hóa cho biết, diện tích canh tác lúa hiện nay trên 83.000 ha, chiếm 33% trong cơ cấu hiện trạng sử dụng đất; hình thành Cánh đồng lớn có ký kết hợp đồng tiêu thụ với diện tích trên 16.000 ha; diện tích gieo trồng có xu hướng ngày càng giảm phù hợp với chuyển dịch cơ cấu nội ngành trồng trọt. Năm 2015, diện tích gieo trồng 224.746 ha, hệ số sử dụng đất thuộc vào loại rất cao. |
Ngoài ta, ngành Nông nghiệp còn tổ chức các hình thức liên kết của các doanh nghiệp (gắn doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra, giữa các hoạt động kinh doanh với hoạt động chế biến…) để thống nhất hợp đồng với nông dân, đảm bảo khép kín trong quá trình sản xuất kinh doanh. Thực hiện các dịch vụ gia tăng giá trị nông sản và phối hợp với nông dân hoàn thành đồng bộ quy trình sản xuất: Tiến hành thu mua, kho chứa, sấy, chế biến, tiêu thụ.
“Chúng tôi cũng tập trung nghiên cứu các thị trường tiềm năng cho 2 dòng sản phẩm gạo chất lượng cao, gạo dược liệu cho các thị trường gạo cao cấp; gạo đặc sản để tiêu thụ nội địa, chế biến sâu và xuất khẩu. Cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp quan tâm và các nhà đầu tư tiềm năng để kêu gọi đầu tư, liên kết kinh doanh hoặc cho các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất lúa gạo trong tỉnh để sản xuất đúng thị hiếu khách hàng, đúng tiêu chuẩn, đúng thời gian và quy mô của thị trường yêu cầu” - ông Cao Văn Hóa nói.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề, ngành Nông nghiệp cần triển khai các giải pháp để giúp nông dân trồng lúa tiếp cận cách sản xuất mới, thích nghi với biến đổi khí hậu và hơn hết là để nông dân không còn cảnh làm lúa chỉ để có gạo ăn.
SĨ NGUYÊN
(còn tiếp)