Thứ Tư, 28/12/2016, 21:52 (GMT+7)
.
Cần cuộc "cách mạng" trong nông nghiệp

Bài cuối: Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

Bài 1: Làm lúa để có gạo ăn
Bài 2: Trồng cây theo… phong trào
Bài 3: Nuôi thủy sản: làm giàu không bền vững
Bài 4: Chăn nuôi như "đánh bạc"
Bài cuối: Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

Để có một nền nông nghiệp tăng trưởng cao, hiệu quả và bền vững, Tiền Giang đã xây dựng và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Hoàn thành mục tiêu này, tỉnh đang quyết tâm cao độ là làm thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp lâu nay bằng sản xuất hàng hóa lớn và sản phẩm tạo ra được kết tinh nhiều chất xám, đem lại lợi nhuận cao.

NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN

Thực hiện tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp lần này thật sự là một cuộc “cách mạng” toàn diện. Bởi với thế mạnh kinh tế mũi nhọn là sản xuất nông nghiệp trong hiện tại và tương lai, việc thay đổi mô hình tăng trưởng có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây vừa là động lực nhưng cũng là tiền đề to lớn để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Theo ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp không ngừng ở việc thay đổi cây trồng, vật nuôi hay việc phát triển thêm các mô hình mà chính là tập trung nâng cao giá trị sản phẩm và tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Đó là những mô hình cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha và nông dân phải giàu lên trên mảnh đất của mình.

Nền nông nghiệp công nghệ cao đang được tỉnh chú trọng trong cuộc “cách mạng” nông nghiệp lần này.
Nền nông nghiệp công nghệ cao đang được tỉnh chú trọng trong cuộc “cách mạng” nông nghiệp lần này.

Với các sản phẩm chủ lực là: Lúa, xoài, khóm, sầu riêng, thanh long, mãng cầu Xiêm, rau, chim cút, gà ri, gà Ta Gò Công, cá nuôi bè, con tôm; giống thủy sản nước ngọt và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá phía Đông, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung đầu tư về chiều sâu, thay vì mở rộng diện tích sản xuất như trước đây. Đặc biệt sẽ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm kiểu mẫu để nhân rộng ra toàn tỉnh, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó là sản xuất chuyên canh theo quy trình khép kín và khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng sản xuất.

Ngoài ra, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp lần này còn dựa trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết tiểu vùng; đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo cơ chế thị trường, dựa trên các ngành hàng có lợi thế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản. Lấy liên kết chuỗi làm trung tâm của quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; tập trung phát triển kinh tế hợp tác và doanh nghiệp.

Sự thay đổi mô hình tăng trưởng chuyển từ số lượng sang chất lượng, từ sản xuất tự phát sang sản xuất theo yêu cầu của thị trường, sản xuất theo đơn đặt hàng và mạnh dạn loại bỏ mô hình sản xuất kém hiệu quả sẽ là tiền đề quan trọng cho việc hình thành và xây dựng nên những mô hình sản xuất đột phá mới.

VÀO CUỘC MẠNH MẼ

Với quá trình hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng và chấp nhận những luật chơi chung như hiện nay, sản xuất nông nghiệp được đánh giá là lĩnh vực có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, rủi ro. Vì thế, việc tạo nên một chỗ dựa vững chắc cho người nông dân, doanh nghiệp và hướng đến phát triển bền vững đã trở thành vấn đề sống còn của tái cơ cấu.

Ông Cao Văn Hóa cho biết thêm: Việc xây dựng vững chắc chuỗi giá trị có một ý nghĩa chiến lược và không thể thiếu trong thực hiện thành công mục tiêu này. Đó là sự tập hợp của các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ đầu vào đến đầu ra. Đơn cử như trong sản xuất lúa, nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng và doanh nghiệp cung ứng toàn bộ vật tư nông nghiệp, giống, kỹ thuật và cả khâu thu hoạch, bao tiêu sản phẩm. Chuỗi giá trị này sẽ làm giảm các phân khúc của thị trường không đáng có, tăng thêm lợi nhuận và đảm bảo hàng hóa sản xuất cho chất lượng cao. Mặt khác, khi chuỗi giá trị hình thành sẽ giúp nông dân và cả doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tránh rủi ro và cầm chắc lợi nhuận.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng muốn phát huy được vai trò của chuỗi giá trị và góp phần cho thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, yếu tố cần và không thể thiếu là cùng với phát huy vai trò của liên doanh, liên kết phải có sự tham gia điều tiết của Nhà nước về cơ chế, chính sách và đặc biệt là phát huy vai trò của liên kết vùng. Bởi các địa phương chỉ là một chuỗi nhỏ hay chỉ đảm nhiệm “một đoạn” của chuỗi liên kết. Cụ thể, chúng ta không thể tự định giá cho hàng nông, thủy sản mà phải tham gia sân chơi của ĐBSCL hay cả nước. Đầu ra của hàng nông, thủy sản chỉ có làm tốt liên kết mới tạo được tiếng nói chung, tránh cảnh tranh mua tranh bán và bị chi phối từ các yếu tố bên ngoài. Hay chuỗi giá trị khi được liên kết chặt chẽ sẽ góp phần khai thác có hiệu quả ở các khâu có lợi trong chuỗi và tác động tích cực đến sản xuất. Như trong chuỗi cung ứng dịch vụ, thông qua mô hình liên kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng và ưu tiên dùng hàng Việt Nam, khi doanh nghiệp có lợi cũng đồng nghĩa với việc nông dân tăng thêm lợi nhuận vì cùng chung một chuỗi giá trị.

Chỉ đạo cho cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp lần này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Chúng ta đang nói về mặt lý thuyết khi vạch ra đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh. Còn khi áp dụng vào thực tiễn thì phải quyết liệt, cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Làm sao để người nông dân tăng được thu nhập, tránh được mùa - mất giá; phải giảm thiểu đến mức thấp nhất việc sản xuất nhỏ, lẻ, tự phát. Trước mắt, ngành Nông nghiệp cần chọn ra 1 - 2 cây, con để xây dựng chuỗi liên kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng sang các mô hình khác…; chứ làm dàn trải như hiện nay thì rất khó hiệu quả”. 

SĨ NGUYÊN

.
.
.