Thứ Hai, 16/01/2017, 05:36 (GMT+7)
.

Phập phồng "canh" mai tết

Từ mùng 10 tháng Chạp đến những ngày cận Tết Nguyên đán là cao điểm chăm sóc mai vàng đón tết với việc lặt lá, xử lý cho mai ra hoa đúng tết khi thời tiết bất lợi xảy ra. Hơn lúc nào hết, nhà vườn đang phập phồng “canh” mai tết.

“ĂN THEO” MAI TẾT

Trong những ngày qua, các vườn mai vàng bỗng nhộn nhịp hẳn lên với tiếng cười nói của những người lặt lá mai, uốn mai... Đang lặt lá mai cho vườn mai ở cùng ấp Phong Thuận (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho), chị Dung cho biết, nghề lặt lá mai là nghề “tay trái” của chị. Lặt lá mai trông đơn giản nhưng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người lặt để tránh làm gãy nụ. Thấm thoát mà chị đã làm nghề này hơn 5 năm rồi. Cứ như đến hẹn lại lên, từ mùng 10 đến khoảng 15 tháng Chạp hàng năm là chị Dung lại tạm gác công việc may gia công để đi lặt lá mai. Chị Dung cho biết, năm nay các chủ vườn mai “kêu” nhân công lặt lá trễ và lượng nhân công lặt cũng không nhiều như mọi năm. “Năm rồi, từ mùng 7 tháng Chạp đã có chủ vườn gọi điện kêu đi lặt lá mai rồi. Năm nay, lo mai nở sớm, các chủ vườn cho lặt lá trễ hơn và lặt không tập trung như mọi khi. Mấy ngày nay, mỗi ngày vườn mai mà tôi đang lặt chỉ có khoảng 5 - 6 người làm nên khả năng đến rằm mới xong” - chị Dung cho biết.

Lặt lá để mai nở hoa đồng loạt đón tết.
Lặt lá để mai nở hoa đồng loạt đón tết.

Không có thời gian lặt lá mai lâu như chị Dung, chị Bảy Hùng, xã Hòa Định (huyện Chợ Gạo) đang lặt lá mai cho vườn mai ở xã Tân Mỹ Chánh cho biết, ngày thường chị đi hái ớt, trồng rau màu thuê, đến gần tết chị mới đi lặt lá mai. Mỗi ngày chị phải đi xe từ xã Hòa Định lên xã Tân Mỹ Chánh lặt lá mai đến chiều tối mới về. Với giá công lặt 15.000 đồng/giờ, mỗi ngày chị kiếm được khoảng 150.000 đồng. “Công việc nhẹ nhàng, lại ở trên cạn và 1 năm chỉ có 1 lần nên tôi dành mấy ngày này để lặt lá mai. Nói vậy chứ lặt lá mai cũng không dễ đâu, không quen rất dễ bị đau lưng. Công việc lặt lá mai chỉ khoảng 1 tuần nên các chủ vườn thường tập trung nhân công để lặt nên vui lắm. Năm nay, nhân công lặt ít nên không vui bằng” - chị Bảy Hùng bày tỏ. Chị Bảy Hùng cũng cho biết thêm, sau đợt lặt lá mai này, chị lại quay về quê hái ớt để rồi gần tết năm sau lại trở lên đây làm tiếp.

Theo giới trồng mai vàng, năm nay, nhiều nhà vườn chọn cách lặt lá mai kiểu “giăng lưới” từ mùng 10 - 17 tháng Chạp. Thời gian lặt kéo dài khoảng từ 5 - 7 ngày nên tình trạng thiếu nhân công cũng không quá căng thẳng. Nhiều chủ vườn còn tận dụng nhân lực của gia đình để vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo hoàn thành tiến độ lặt lá cho các cây mai như đã định. Ông Nguyễn Văn Tươi, chủ vườn mai ấp An Lạc Thượng (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) cho biết: “Năm nay tôi không vội và lo tìm nhân công lặt lá mai như năm rồi. Từ ngày 12 tháng Chạp, mỗi ngày vườn của tôi có khoảng 5 - 6 nhân công, cộng với mấy công nhà lặt được khoảng 20 - 30 cây mai nên đảm bảo xong trước ngày 17”.

MỘT NĂM CHỈ CÓ MÙA NÀY

Sau thời tiết bất lợi vào cuối mùa mưa khiến cho nhiều cây mai vàng bị nở sớm từ 20 - 30%, những ngày qua, thời tiết đã thuận lợi cho cây hoa này phát triển, làm nụ. Theo nhiều người trồng mai, nếu thời tiết như thế này mai sẽ nở đúng tết. Anh Lê Văn Quít, ấp An Lạc Thượng (xã Xuân Đông) cho biết, những cơn mưa liên tục trong tháng 10 Âl vừa qua làm cho mai nở sớm 20% nhưng đến nay mai đã kịp làm nụ trở lại. Hiện nay, các cây mai trong vườn của anh cho nụ rất tốt. Dù vậy, anh Quít cũng không dám mạo hiểm lặt lá sớm mà áp dụng lặt lá theo từng khu vực, bởi anh lo mai nở sớm.

Không như mọi năm, đến thời điểm ngày 13 - 14 tháng Chạp, nhiều vườn mai đã lặt lá xong. Năm nay, đến ngày 12 tháng Chạp, nhiều vườn mai chỉ mới bắt đầu lặt lá và cũng không lặt tập trung như mọi khi. Cùng nỗi lo mai nở sớm, ông Nguyễn Văn Long, người có hơn 40 năm trồng mai ở ấp Tân Hòa (xã Xuân Đông) chia sẻ: “Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết bây giờ rất thất thường và khó đoán. Mai là cây trồng rất nhạy cảm với thời tiết. Việc “chữa cháy” mai tết do tác động của thời tiết chỉ trong phạm vi nhất định. Nếu mai có dấu hiệu nở trễ, nhà vườn có thể kéo lại được phần nào bằng cách dùng phân, xông đèn làm ấm cho mai, nhưng mai nở sớm sẽ rất khó cứu vãn. Còn nếu mai gặp gió Tây Bắc sẽ không nở luôn. Trồng mai xử lý cho nở hoa đúng tết bây giờ khó lắm, như “đặt cược” vậy và 1 năm chỉ có “cược” được 1 lần. Thất bại mùa tết là thất cả năm”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh Tùng, chủ cơ sở trồng và kinh doanh mai ở ấp Phong Thuận (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) cho biết, đến thời điểm rằm tháng Chạp, thời tiết rất thuận lợi cho mai vàng nở hoa đúng tết. Nhưng theo dự báo, vài ngày tới thời tiết sẽ không còn thuận lợi cho cây mai làm nụ, ra hoa nên anh rất lo lắng. Cũng theo anh Tùng, nếu mai gặp mưa nhiều, nhiệt độ thấp trong thời điểm này sẽ không bung nụ do không đủ độ ấm. Đây cũng là thời điểm nhà vườn rất khó xử lý. Ngoài ra, một vài cơn mưa trái mùa cũng có thể làm cho mai nở sớm.

Hiện nay, kỹ thuật xử lý mai nở hoa đúng tết của nhà vườn đã được nâng lên đáng kể, hạn chế phần nào tác động bất lợi của thời tiết. Thế nhưng, những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ra hoa, chất lượng hoa vụ tết của mai. Từ đó, việc xử lý của nhà vườn trở nên khó khăn, tỷ lệ thành công rất thấp. Hơn lúc nào hết, từ nay đến ngày mai xuất vườn ra chợ tết, nhà vườn trồng mai đặt hết tâm sức vào chăm sóc, xử lý để mai nở hoa đúng tết.

NGÔ VĂN

.
.
.