Chủ Nhật, 07/05/2017, 06:30 (GMT+7)
.

Tân Phước và những nỗ lực trong thu hút đầu tư

Cùng với việc thường xuyên nắm bắt những vướng mắc của các doanh nghiệp, thời gian qua, huyện Tân Phước đặc biệt quan tâm ưu tiên nguồn lực, tạo cơ chế, chính sách về vốn, mặt bằng, thuế… nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất thúc đẩy doanh nghiệp phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện.

Dễ thấy nhất là việc xây dựng Chương trình số 04-CTr/HU ngày 24/02/2016 của về phát triển công nghiệp – xây dựng – đô thị giai đoạn 2016 - 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Theo đó, để cụ thể hóa Chương trình, UBND huyện Tân Phước đã ban hành Kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các ngành chức năng. Trên cơ sở đó, các ngành có liên quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình của Huyện ủy, kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện sát với tình hình thực tế của từng ngành, cơ sở.

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở huyện Tân Phước đã nỗ lực lãnh- chỉ đạo phát triển công nghiệp trên địa bàn. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc đền bù giải tỏa, thực hiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

UBND huyện Tân Phước đã có những việc làm thiết thực để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp như: tổ chức họp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn phát triển, làm nhân tố tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp. Đặc biệt là phối hợp giải quyết tình hình khiếu kiện, đảm bảo an ninh trật tự tại Khu công nghiệp Long Giang.

Đến nay, đã có 34 doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Long Giang (thuộc địa bàn xã Tân Lập 1), chủ yếu là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc…. với tổng vốn gần 1,2 tỷ USD, thu hút gần 12.000 lao động nông thôn. Việc các nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn vào đầu tư tại khu công nghiệp Long Giang thời gian qua cho thấy, đây là môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định với hệ thống giao thông rất thuận tiện. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn muốn tận dụng nguồn lao động rẻ, dồi dào – yếu tố quan trọng tạo nên sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Tại một số địa phương khác, nhiều công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn đã và đang hình thành, phát triển. Toàn huyện hiện có 456 cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động ổn định gồm: 36 cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ và 420 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất cũng như tốc độ phát triển ngành công nghiệp của huyện.

Năm qua, các ngành chức năng ở huyện Tân Phước quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo lao động có tay nghề nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động tại địa phương, thu hút các nhà đầu tư. Cụ thể, đã thực hiện đào tạo cho 209 lao động, trong đó đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn là 183 lao động và đào tạo trình độ sơ cấp là 26 lao động.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để mở rộng qui mô sản xuất, trong năm 2016 đã thực hiện dư nợ cho vay doanh nghiệp là 20 tỷ đồng, chiếm 3,3% trên tổng dư nợ cho vay, tăng 34% so với năm 2015.

Hiện nay, huyện Tân Phước đang phối hợp các sở, ngành tỉnh thực hiện các thủ tục về quy hoạch, mời gọi đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực công nghiệp Thạnh Tân, đã thông qua Hội đồng thẩm định tỉnh, đang trong giai đoạn trình Sở Xây dựng thẩm định và xin chủ trương Ủy ban nhân dân tỉnh về việc lựa chọn ngành nghề để bố trí vào khu vực công nghiệp này.

Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình kinh tế xã hội trong nước đứng trước những khó khăn, thách thức mới, trong đó doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang nói chung cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tân Phước nói riêng gặp nhiều khăn trong sản xuất, mở rộng qui mô sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay. Đó là chưa kể đến nguồn nguyên liệu sản xuất, thị trường, nhân lực lao động…. Bên cạnh những cơ chế, chính sách, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng phải chủ động có chiến lược nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng về sản phẩm, tạo sự liên kết để phát triển bền vững.

THANH LUÔNG

.
.
.