Thứ Tư, 28/06/2017, 10:07 (GMT+7)
.

Chừng nào chấm dứt loay hoay "giải cứu"?

Câu chuyện “giải cứu” đàn heo chưa đi đến hồi kết, những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện tình trạng “giải cứu” bí đỏ tình nghĩa cho bà con nông dân tỉnh Đắk Lắk. Câu hỏi đang được đặt ra là sau bí đỏ rồi đến sản phẩm nào? Biện pháp “giải cứu” hạ sách này là giải pháp ngọn, tình thế, bấp bênh, chỉ giúp gỡ gạc phần nào tổn thất cho nông dân nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung.

Thật ra, câu chuyện “được mùa rớt giá” trong sản xuất nông nghiệp không còn là đề tài mới, bởi dường như năm nào cũng xảy ra, ở nhóm hàng này hay nhóm mặt hàng khác mà thôi; nhiều năm trước cũng đã xảy ra, có điều mức độ thấp hơn với câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì?

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4-5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục tình trạng thịt heo hơi rớt giá thảm hại gây thiệt hại lớn cho nông dân. Thủ tướng nói: “Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt heo, sắp tới còn bị cái gì nữa?”.

Tại phiên họp đó, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất do nguồn cung lớn hơn cầu. Thứ hai là do khâu tổ chức ngành hàng từ sản xuất, chế biến đến tìm kiếm thị trường còn yếu kém, dẫn đến dư thừa và bế tắc đầu ra. Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT về các giải pháp khả thi không để xảy ra tình trạng “giải cứu” nữa, nhưng xem ra chưa có câu trả lời thỏa đáng, thuyết phục và thực tế thì thịt heo tiếp tục rớt giá và còn nhiều sản phẩm khác có nguy cơ.

Sở dĩ nguồn cung lớn hơn cầu là do nông dân sản xuất theo “phong trào”. Thực tế khi nông sản nào tăng giá thì nông dân đổ xô vào sản xuất dẫn đến cung vượt cầu, giá cả nông sản vì thế rớt giá phải “giải cứu”. Ngoài ra, còn do công tác quy hoạch, kế hoạch sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm… của Nhà nước chưa tốt; là do các doanh nghiệp Nhà nước, hợp tác xã chưa đủ mạnh, tỷ trọng sản phẩm còn thấp so với sản xuất của hộ nông dân; ngoài ra, còn có vai trò của Hội Nông dân…Tất cả thấy rất rõ nông dân sản xuất theo phong trào sẽ dẫn đến thiệt hại mà chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn.

Tìm đúng nguyên nhân mới có giải pháp đúng để khắc phục triệt để tình trạng giá cả nông sản bấp bênh, chứ loay hoay “giải cứu” như vừa qua là “bất đắc dĩ” cần sớm được chấm dứt. Đó cũng chính là tấm lòng của Đảng, Nhà nước, của xã hội đối với giai cấp nông dân.

NHƯ NGỌC

.
.
.