Chủ Nhật, 02/07/2017, 15:27 (GMT+7)
.

Đẩy nhanh dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ

TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh tỉnh, thành tại Đồng bằng sông Cửu Long và một số đơn vị nghiên cứu để thống nhất về quy hoạch và hình thức đầu tư tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ nhằm đẩy nhanh công tác chuẩn bị hồ sơ tuyến đường sắt này để trình các cấp có thẩm quyết phê duyệt.

Sơ đồ hướng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ do Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam nghiên cứu - Ảnh TL.
Sơ đồ hướng tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ do Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam nghiên cứu. Ảnh TL.

Ngày 29-4, Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản số 534 thông báo kết luận của Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong về nội dung làm việc với một số tỉnh về tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

Sau khi nhận được đề xuất của Viện Khoa học Công Nghệ Phương Nam và Tập đoàn Tài chính MorFund (Canada), TP. Hồ Chí Minh đồng thuận về sự cần thiết đầu tư tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ cho sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Sở GTVT các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Viện Khoa học Công Nghệ Phương Nam để thống nhất về quy hoạch tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, làm cơ sở trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và Tập đoàn Tài chính MorFund, Viện Khoa học Công Nghệ Phương Nam, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) để thống nhất phương thức hợp tác đầu tư cho tuyến đường sắt này. Qua đó, đẩy nhanh công tác chuẩn bị hồ sơ trình các cấp có thẩm quyết phê duyệt.

Tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ đã được Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam nghiên cứu từ nhiều năm trước.

Vào tháng 11-2013, Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam và Tập đoàn EDES (Mỹ) đã ký kết một biên bản ghi nhớ (MOU) để hợp tác đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

Dự án đường sắt này có chiều dài 134 km, khổ đường 1.435 mm, tốc độ thiết kế trên 200 km/giờ cho tàu khách, dưới 200 km/giờ cho tàu hàng.

Điểm đầu của dự án tại ga Tân Kiên, Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và điểm cuối tại ga Cái Răng (Cần Thơ).

Dọc tuyến sẽ có 10 nhà ga, xung quanh các ga sẽ là các thành phố vệ tinh dự kiến sẽ đầu tư phát triển công nghiệp sạch và nông nghiệp kỹ thuật cao góp phần phát triển kinh tế cho các vùng có đường sắt đi qua.

Tổng số vốn đầu tư cho dự án này ước tính là 3,6 tỉ đô la Mỹ.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ được xác định  là đường sắt cao tốc theo tiêu chuẩn Hàn Quốc phù hợp với tiêu chuẩn đường sắt cao tốc Việt Nam, trong đó, vận chuyển hàng hóa là chính, đến năm 2025 mới tính đến việc vận chuyển hành khách.

Về hướng tuyến sẽ xây dựng dọc theo đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Thuận với chiều dài 100 km, giảm được 30 km so với đi theo hướng ven biển.

Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đã mời các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc để huy động vốn đầu tư cho dự án. Hiện tại có một số đối tác của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc  quan tâm đến dự án này.

Vào tháng 6-2013 tại TP. Hồ Chí Minh,  Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cử Ban Giám đốc văn phòng tại Việt Nam trao đổi với lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, đề nghị cho vay 1 tỉ đô la Mỹ cho dự án này.

Theo viện Viện Khoa học và Công Nghệ Phương Nam việc đầu tư hệ thống đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ là cần thiết bởi dự án phù hợp với quy hoạch đến năm 2020. Không những vậy việc xây dựng đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ sẽ tác động đến sự phân công lao động chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng ĐBSCL.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.