Thứ Năm, 26/10/2017, 15:56 (GMT+7)
.
Đột phá để phát triển nhanh và bền vững

Bài 2: Tạo đà cho nông nghiệp

Bài 1: Tinh thần mới với 3 nghị quyết chuyên đề

Nhiều chương trình, dự án đã được thực hiện nhằm tạo đà cho ngành NN tăng tốc.
Nhiều chương trình, dự án đã được thực hiện nhằm tạo đà cho ngành NN tăng tốc.

Tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực trong những ngành và lĩnh vực có lợi thế so sánh; đồng thời tổ chức lại sản xuất nông nghiệp (NN) theo hướng hàng hóa, thâm canh và ứng dụng công nghệ cao… là một trong những bước đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Là tỉnh có nhiều lợi thế về NN nên trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất, định hình sản phẩm chủ lực, bao giờ ngành NN cũng được chú trọng, đặc biệt là khi xây dựng các chiến lược phát triển, kể cả ngắn hạn và dài hạn. Để cụ thể hóa các bước đột phá đã được xác định trong nghị quyết, một trong những bước đi đầu tiên của tỉnh là xây dựng và thông qua Đề án Tái cơ cấu ngành NN Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhằm từng bước đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức thực hiện chuỗi giá trị nông sản góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân. Đây là đề án có ý nghĩa rất quan trọng nhằm xây dựng chiến lược mới, tư duy mới trong sản xuất NN Tiền Giang nói riêng và trong bức tranh NN của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung.

Đề án Tái cơ cấu ngành NN Tiền Giang được xây dựng và triển khai thực hiện cũng dựa trên nền tảng và gắn chặt với những nội dung, giải pháp phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng theo tinh thần Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), sau thời gian thực hiện, Đề án Tái cơ cấu ngành NN đã mang lại những kết quả rất quan trọng, nhiều chương trình, dự án đã được cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Một trong những điểm nhấn là việc ngành NN tập trung xây dựng vùng nguyên liệu trên nhiều loại cây, con có lợi thế của tỉnh như: Lúa, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, khóm, thanh long, bưởi da xanh cũng như phát triển nuôi cá tra ven sông Tiền. Kết quả cụ thể là ngành NN đã phối hợp thực hiện hoàn chỉnh dự án chuỗi giá trị trên cây sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025; triển khai xây dựng Đề án Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025.

Đối với cây lúa, thực hiện Dự án VnSAT, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách, quy mô 4 tiểu dự án Nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa ở xã Hậu Mỹ Trinh, xã Mỹ Hội, xã Hậu Mỹ Bắc B và xã Mỹ Phước Tây. Riêng chủ trương phát triển vùng nuôi cá tra, đến nay toàn tỉnh có hơn 14 ha nuôi cá tra được chứng nhận GlobalGAP, hơn 37 ha nuôi cá tra được chứng nhận VietGAP... Thời gian gần đây, ngành NN cũng triển khai thực hiện Đề án Thành lập Khu NN ứng dụng công nghệ cao đã được UBND tỉnh phê duyệt, với quy mô hơn 197 ha tại xã Tam Hiệp, xã Long Định (huyện Châu Thành) và xã Tân Lập 1 (huyện Tân Phước).

Giảm diện tích trồng lúa ở các huyện phía Đông

Trong bối cảnh thiếu nước tưới do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhằm ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định 3064 ban hành ngày 27-10-2016. Nội dung cốt lõi của đề án này là đến năm 2025 toàn vùng Ngọt hóa Gò Công chỉ còn sản xuất 2 vụ lúa/năm hoặc luân canh lúa - màu. Riêng huyện Tân Phú Đông không còn diện tích sản xuất lúa, toàn bộ diện tích trồng lúa được chuyển sang trồng cây ăn trái thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và luân canh cây màu hoặc luân canh theo mô hình tôm - lúa hay lúa - cá. Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, sau thời gian triển khai thực hiện đề án, đến nay số diện tích đã thực hiện chuyển đổi mùa vụ sản xuất và cơ cấu cây trồng là 15.437 ha.

Tùy theo điều kiện tự nhiên và lợi thế hiện có, việc chuyển đổi sản xuất NN trên địa bàn từng vùng kinh tế - đô thị và từng huyện, thị, thành phù hợp với tình hình thực tế cũng đã được triển khai thực hiện. Theo đại diện Phòng NN-PTNT huyện Cái Bè, với lợi thế là vùng trọng điểm về cây ăn trái, thời gian qua ngành NN địa phương đã tổ chức triển khai các đề án: Cải tạo, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi; Mở rộng trồng cây màu, cây ăn trái; Phát triển vùng cây ăn trái đặc sản có thế mạnh của huyện như xoài cát Hòa Lộc, cát Chu, bưởi lông Cổ Cò...; đồng thời huyện cũng đã triển khai Dự án Trồng bưởi lông Cổ Cò nhằm thay thế các cây trồng kém hiệu quả tại địa phương, với diện tích 64 ha tại 3 xã Đông Hòa Hiệp, Mỹ Lợi A, An Thái Trung và triển khai Dự án Hỗ trợ giống xoài cát Hòa Lộc cho trên 100 hộ nông dân các xã: Hòa Hưng, Tân Thanh, An Hữu, Mỹ Lương… với diện tích 43 ha.

Với lợi thế sản xuất lúa ở các xã phía Bắc Quốc lộ 1A, thời gian qua huyện Cai Lậy đã tập trung thực hiện sản xuất Cánh đồng lớn, với quy mô hiện nay là 1.700 ha và xây dựng được 60 ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao, đạt chuẩn GlobalGAP theo chuỗi giá trị tại Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thành Nam. Đối với diện tích trồng cây ăn trái ở các xã phía Nam Quốc lộ 1A, Phòng NN-PTNT huyện Cai Lậy tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sầu riêng. Diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện hiện có khoảng 8.481 ha, phân bố chủ yếu ở các xã Long Tiên, Long Trung, Ngũ Hiệp, Cẩm Sơn, Hiệp Đức, Tân Phong… đang được tập trung xây dựng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường đầu tư khâu bảo quản sau thu hoạch. Đến nay đã có 3.000 ha sầu riêng tham gia thực hiện chuỗi giá trị, tập trung ở các xã: Tam Bình 700 ha, Long Tiên 500 ha, Ngũ Hiệp 700 ha, Long Trung 300 ha, Hiệp Đức 300 ha, Cẩm Sơn 300 ha, Tân Phong 100 ha, Phú An 100 ha.

Để cụ thể hóa các bước đi sản xuất NN theo hướng hàng hóa, thâm canh và ứng dụng công nghệ cao đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, thời gian qua Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cũng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình thông qua Chương trình Ứng dụng công nghệ cao để sản xuất một số loại rau, hoa theo hướng NN đô thị, chẳng hạn: Nghiên cứu, phân lập, tuyển chọn, bảo tồn, sản xuất meo giống nấm ăn và nấm dược liệu các loại; Sản xuất bịch phôi nấm nuôi trồng cung cấp cho nông dân trong vùng. Sở KH-CN cũng thực hiện các đề tài: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh để sản xuất giá thể hữu cơ sạch từ phế phụ liệu NN phục vụ nhu cầu trồng hoa và rau sạch tại tỉnh Tiền Giang; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thủy canh vào NN đô thị Tiền Giang; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, đóng gói và bảo quản rau sạch.

Bên cạnh đó, Sở KH-CN cũng đang triển khai Dự án Ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất tinh dầu và sản xuất cơ chất trồng nấm, giá thể đất sạch từ phế phẩm cây sả nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vùng trồng sả tại tỉnh Tiền Giang. Mục tiêu của dự án này là chuyển giao và tiếp nhận công nghệ chiết xuất tinh dầu hiệu suất cao bằng phương pháp áp lực sử dụng hơi nước có nồi hơi riêng; quy trình công nghệ trồng nấm rơm trên giá thể bã thải sả sau chiết xuất tinh dầu; quy trình công nghệ sản xuất đất hữu cơ sạch từ nguồn giá thể sau trồng nấm hoặc sau chưng cất tinh dầu. Ngoài ra, Sở KH-CN cũng triển khai các đề tài ứng dụng công nghệ cao, NN thông minh: Nghiên cứu xây dựng mô hình NN thông minh - công nghiệp 4.0 nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo và vi tảo làm thực phẩm chức năng tại tỉnh Tiền Giang...

Chuyển dịch đúng hướng

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đặt ra chỉ tiêu là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP, giá so sánh năm 2010) bình quân từ 8,5% - 9,5%; trong đó khu vực I (nông - lâm - ngư nghiệp) tăng 4%/năm, khu vực II (công nghiệp - xây dựng) tăng 15,5% - 17,5%, khu vực III (các ngành dịch vụ) tăng 7,5% - 8,6%. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, GRDP (giá so sánh năm 2010) của Tiền Giang tính đến hết tháng 9 năm 2017 đạt gần 37.665 tỷ đồng, tăng 9,1% (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,1%); trong đó khu vực I tăng 5%, khu vực II tăng 16,4% và khu vực III tăng 6,6%. Nếu tính theo giá hiện hành, GRDP của Tiền Giang ước đạt 51.156 tỷ đồng. Trong khi đó, cơ cấu kinh tế của Tiền Giang cũng chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng phi NN và giảm dần tỷ trọng NN. Theo đó, khu vực I hiện chiếm tỷ trọng 36,9% (cùng kỳ là 37,9%), khu vực II chiếm 30,2% (cùng kỳ chiếm 28,4%), khu vực III chiếm 29,2% (cùng kỳ chiếm 29,9%) và thuế sản phẩm chiếm 3,7%, tương đương với cùng kỳ.

PHƯƠNG ANH (Còn tiếp)

.
.
.