Thứ Sáu, 27/10/2017, 21:06 (GMT+7)
.
Đột phá để phát triển nhanh và bền vững

Định vị sản phẩm công nghiệp

Bài 1: Tinh thần mới với 3 nghị quyết chuyên đề

Bài 2: Tạo đà cho nông nghiệp

Một trong những nội dung được đặt ra cho chặng đường phát triển tiếp theo được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, nhất là chú trọng vào phát triển công nghiệp (CN). Tuy nhiên, việc lựa chọn sản phẩm CN nào để ưu tiên phát triển vẫn là một bài toán khó.

CN chế biến được xem có nhiều lợi thế.
CN chế biến được xem có nhiều lợi thế.

Phát triển CN hiện là xu thế chung không chỉ Tiền Giang mà đối với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Thế nhưng, phát triển CN không thể duy ý chí, máy móc mà phải được dựa trên lợi thế, tiềm năng và xu hướng phát triển trong bức tranh tổng thể của vùng và cả nước. Tất nhiên, phát triển CN phải luôn đồng hành với việc bảo vệ môi trường, nhưng đây lại là câu chuyện dài và phức tạp. Nhìn một cách tổng thể, kinh tế của tỉnh trong những năm qua có sự chuyển biến theo hướng tích cực, nhưng phát triển CN trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập cần phải khắc phục và hệ thống lại theo một cấu trúc mới, như: Gần 95% cơ sở sản xuất CN hoạt động trong ngành chế biến nông, thủy, hải sản, thức ăn chăn nuôi có giá trị sản xuất chiếm hơn 72% tổng giá trị sản xuất CN toàn tỉnh nhưng quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, chưa tận dụng được lợi thế về nguồn nguyên liệu nông sản và nguồn nhân lực dồi dào. Đồng thời, các cơ sở sản xuất phát triển đơn lẻ, thiếu tính hỗ trợ, bổ sung cho nhau; chưa có nhiều thương hiệu trên thương trường trong nước và quốc tế. Sản xuất CN trên địa bàn tỉnh thời gian qua chủ yếu là gia công, sơ chế, việc ứng dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất CN chưa cao nên giá trị gia tăng còn thấp.

Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp

Đến nay, toàn tỉnh đã được chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 KCN, với tổng diện tích hơn 2.083 ha; trong đó 4 KCN được thành lập và đi vào hoạt động. Trong 9 tháng năm 2017, các KCN đã thu hút thêm 4 dự án đầu tư (3 dự án FDI, 1 dự án đầu tư trong nước), với tổng vốn đầu tư hơn 53 triệu USD và 92 tỷ đồng, diện tích thuê đất hơn 15 ha; đồng thời điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án, trong đó 7 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với vốn tăng thêm hơn 57 triệu USD, diện tích đất cho thuê thêm hơn 7 ha.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút 91 dự án đầu tư, trong đó có 64 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.869 triệu USD và hơn 4.075 tỷ đồng, diện tích đất đã cho thuê hơn 485/760 ha, đạt hơn 63% diện tích đất CN của 4 KCN, với tổng số lao động là 81.851 người. Chưa kể, toàn tỉnh hiện có 4 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút 79 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 4.401 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt gần 97% diện tích đất CN, với số lao động là 14.785 người. Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN trong các KCN, CCN có nhiều thuận lợi, đa số DN kinh doanh có hiệu quả và phát triển ổn định, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ.

Đứng trước những vấn đề còn ngổn ngang và phức tạp như thế, một trong những giải pháp mang tính chiến lược được đưa ra để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X là thực hiện tái cấu trúc ngành CN, tập trung phát triển các sản phẩm CN có lợi thế cạnh tranh, CN hỗ trợ, CN công nghệ cao, CN chế biến nông nghiệp và thủy sản, phục vụ phát triển nông thôn và kinh tế nông thôn. Đồng thời, tỉnh sẽ tạo môi trường thông thoáng để phát triển thành phần kinh tế tư nhân, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành Dịch vụ, CN kỹ thuật cao, có hàm lượng chất xám và tạo ra giá trị gia tăng cao. Để cụ thể hóa các bước đi và thực hiện giải pháp đã được xác định, Đề án Tái cấu trúc ngành CN tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 11-7-2017. Đề án đặt ra mục tiêu là tận dụng và phát huy tối đa các tiềm năng sẵn có của tỉnh về vị trí địa lý, tài nguyên môi trường, nguồn lao động và môi trường đầu tư để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp (DN) chế biến, đưa ngành CN của tỉnh phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu; đồng thời tái cơ cấu ngành CN trong mối quan hệ với phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với Quy hoạch CN Việt Nam, với phân bố không gian kinh tế của tỉnh, với tái cấu trúc ngành Nông nghiệp của tỉnh và phù hợp với Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Sở Công thương, Đề án Tái cấu trúc ngành CN tỉnh tập trung vào các nội dung chính là thu hút mạnh mẽ các DN đầu tư vào phát triển CN phù hợp với định hướng phát triển phân vùng kinh tế và phù hợp với quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp (CCN); chú trọng tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng các ngành chế biến lương thực, thực phẩm tại Vùng kinh tế - đô thị phía Tây; ưu tiên thu hút và tạo điều kiện thuân lợi cho các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao; quy trình sản xuất hiện đại, có giá trị kinh tế cao phát triển, từng bước phát triển ngành công nghệ sinh học, đồng thời thúc đẩy phát triển các DN CN hỗ trợ. Mục tiêu cụ thể được đặt ra trong đề án là đến năm 2020, giá trị gia tăng của ngành CN tăng khoảng 16,5%/năm, tỷ trọng ngành CN sẽ chiếm 28,9%. Theo đó, giá trị sản xuất CN của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 18,2%/năm, tương ứng giá trị sản xuất CN đạt 149.950 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2015 (theo giá so sánh 2010).

Trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra, đặc biệt là Đề án Tái cấu trúc ngành CN tỉnh, thời gian qua tỉnh tập trung phát triển CN ở 3 vùng kinh tế - đô thị trên địa bàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chẳng hạn, đối với Vùng kinh tế - đô thị phía Tây đã đề xuất, chuẩn bị thủ tục thành lập các CCN như: Bổ sung quy hoạch CCN Hậu Thành, bổ sung các thủ tục theo quy định để thực hiện Dự án CCN Mỹ Phước Tây, hoàn chỉnh hồ sơ thành lập CCN An Thạnh 2; đề xuất điều chỉnh ngành nghề, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư mời gọi đầu tư, lấp đầy Khu công nghiệp (KCN) Long Giang và các ngành nghề dịch vụ khác nhằm phục vụ tốt cho các DN thứ cấp; tổ chức mời gọi nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Tân Phước 1, KCN Tân Phước 2, CCN Thạnh Tân và chuẩn bị thủ tục để phát triển thêm CCN Mỹ Phước. Ngoài ra, Vùng kinh tế - đô thị phía Tây còn triển khai mời gọi đầu tư hạ tầng CCN Mỹ Hội, CCN Mỹ Đức Đông…

Khai thác lợi thế CN chế biến

Mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X là đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tăng bình quân 13,3%/năm. Tính đến hết tháng 9-2017, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1,842 tỷ USD, tăng 24% so cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh đồng thời là Tổng Giám đốc GODACO nhận định, thủy sản xuất khẩu là ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu các ngành hàng, trong đó cá tra chiếm tỷ trọng rất lớn.

Điều đặc biệt là ngành chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ có những DN trong nước thực hiện nên sức lan tỏa giữa các DN sẽ rất tốt, khả năng tái đầu tư cũng rất cao. Trong khi đó, thủy sản chế biến xuất khẩu góp phần rất lớn trong việc giải bài toán đầu ra cho ngành Nông nghiệp nên cần được quan tâm khuyến khích và khai thác. Thị trường tiêu thụ ngành Thủy sản trên thế giới hiện nay như một cái “biển”, nhu cầu luôn cao hơn khả năng cung ứng, bởi người tiêu dùng đang hướng đến sản phẩm thủy sản vì tốt cho sức khỏe. Mỗi năm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản ngày càng cao nhưng nguồn nguyên liệu khai thác tự nhiên ngày càng cạn kiệt, nuôi trồng thường xuyên bị tác động bất thường của thời tiết, thiên tai.

Cho nên khả năng đáp ứng nhu cầu của thế giới rất khó tuyệt đối, dư địa còn rất lớn nên thị trường tiêu thụ vẫn tốt. Chưa kể, hiện nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản đang nổi lên ở thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường rất lớn nhờ dân số đông. Riêng nhu cầu tiêu thụ tôm và cá tra của Việt Nam ở thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây tăng đột biến. Nếu chỉ tính riêng mặt hàng cá tra, đến thời điểm hiện nay có lẽ Trung Quốc tiêu thụ với số lượng cao nhất nhờ sản phẩm có giá bình dân, chất lượng phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường này. Nếu giữ được hình ảnh của con cá tra, giữ được chất lượng, đừng cạnh tranh nội bộ giữa các DN trong nước; đồng thời Nhà nước cần tạo ra hành lang pháp lý tốt hơn thì Trung Quốc sẽ trở thành thị trường rất tiềm năng. Thời gian qua, giá cá tra tăng lên phần lớn nhờ thị trường Trung Quốc tác động vào.

PHƯƠNG ANH (Còn tiếp)

.
.
.