Thứ Tư, 15/11/2017, 16:17 (GMT+7)
.

Phá bỏ "rào cản" để du lịch bứt phá

Thiếu sản phẩm đặc trưng, cách làm chưa khoa học, ô nhiễm rác thải… là những “rào cản” đối với phát triển du lịch của tỉnh thời gian qua.

CHƯA TẠO ĐƯỢC ĐIỂM NHẤN

Lâu nay, ô nhiễm rác thải ở các điểm du lịch luôn là vấn đề nhức nhói. Khu du lịch biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông) là điểm du lịch được nhiều du khách biết đến. Thế nhưng, nói đến Khu du lịch biển Tân Thành, bên cạnh hạ tầng xuống cấp, thiếu đồng bộ, kết nối, ô nhiễm rác thải cũng là vấn đề nan giải thời gian qua (một phần do ý thức của du khách và thủy triều mang rác từ biển vào). Tình trạng trên đã tạo ấn tượng không tốt trong mắt du khách.

Du lịch của tỉnh vẫn chưa được khai thác đúng mức.
Du lịch của tỉnh vẫn chưa được khai thác đúng mức.

Tại cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), trong những ngày mưa, du khách thường mua loại áo mưa mặc một lần để chống ướt. Tuy nhiên, có một số người khi mặc xong lại vứt bừa bãi. Cùng với đó, nhiều du khách tỏ ra ngán ngại trước tình trạng xả rác bừa bãi nơi đây.

Đại diện Công ty cổ phần Việt Phong Mekong Nguyễn Văn Thanh cho rằng: “Môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch ở cù lao Thới Sơn. Chúng ta làm du lịch sinh thái mà để rác thải, ô nhiễm môi trường thì đã tự đánh mất lợi thế. Cho nên các doanh nghiệp (DN) phát triển du lịch cần gắn với việc bảo vệ môi trường”.

Vấn đề khác nữa là sản phẩm du lịch của tỉnh chưa tạo được điểm nhấn đối với du khách. Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Đỗ Liêm cho rằng, cù lao Thới Sơn có 2 sản phẩm du lịch đặc trưng là chèo xuồng; thưởng thức cá tai tượng chiên xù và tôm càng xanh hấp nước dừa. Thế nhưng, việc chèo xuồng dưới rạch đã chặt hết lá dừa, có nơi lá vàng úa, khô gãy không được dọn dẹp thì khó tạo được hấp dẫn. Bên cạnh đó, trang phục của người chèo xuồng cũng chưa thống nhất (cần có trang phục thống nhất là bộ đồ bà ba). Ngoài ra, việc tranh giành khách tại các quán ăn cũng là một trong những hạn chế ở du lịch cù lao Thới Sơn. Rõ ràng các nhà làm du lịch chưa làm tốt điều này.

THAY ĐỔI CÁCH LÀM

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Tấn Phong cho biết, trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh, các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; liên kết phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh. Vừa qua, Sở có tham dự hội nghị liên kết để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của tỉnh Tiền Giang, TP. Cần Thơ với TP. Hồ Chí Minh kết nối với tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù đây là tuyến rất xa, nhưng trong tương lai chúng ta cần tăng cường liên kết để du lịch phát triển.
 

Hiện nay, cù lao Thới Sơn là điểm thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc bố trí lịch trình trong các tour, tuyến được cho là chưa hợp lý. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Đỗ Liêm, khi đặt chân đến cù lao Thới Sơn, du khách sẽ được các hướng dẫn viên dẫn ngay đến các điểm mua đồ. Các điểm mua đồ kéo dài hàng trăm mét, nhiều loại hàng giống nhau, thậm chí có loại xuất xứ từ Trung Quốc, không niêm yết giá. Cần phải biết rằng, khi đi du lịch du khách sẽ không mua đồ ngay. Rõ ràng, chúng ta chưa làm tốt khâu đón tiếp, tạo phấn kích cho du khách. Ngoài ra, đội ngũ xe chuyên chở khách du lịch ở tỉnh hầu như rất ít, hầu hết là xe của các DN ở TP. Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, chúng ta cần phát triển đội ngũ xe để đưa đón khách.

Một trong những trăn trở lâu nay mà ngành Du lịch tỉnh gặp phải là thiếu sản phẩm đặc thù để làm quà tặng như logo tỉnh Tiền Giang, các biểu tượng Thủ Khoa Huân, Trương Định… “Ai đi du lịch cũng đều mua sản phẩm nơi mình đến về làm kỷ niệm. Chúng ta có rất ít sản phẩm như thế để bán cho du khách. Chúng ta có chỗ cho du khách đến, nhưng họ lại bỏ tiền ra mua sản phẩm nơi khác mang đến. Về ẩm thực nhất định phải có địa chỉ và quảng cáo rộng rãi” - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Đỗ Liêm cho biết thêm. Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, thực tế hiện nay là khách đến du lịch thường về trong ngày. Do đó, cần phải có tour du lịch để giữ du khách ở lại đêm như tham quan nhà cổ, nghe cải lương ở Rạp hát Thầy Năm Tú trên trăm tuổi, đi chợ đêm mua hàng đặc sản “trái cây tươi theo mùa”; trải nghiệm những món ăn như bánh xèo, canh chua cá hú, hủ tiếu Mỹ Tho…

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Tấn Phong, hiện nay du lịch ở tỉnh phát triển theo loại hình sinh thái, văn hóa lịch sử và du lịch cộng đồng. Định hướng sắp tới, tỉnh vẫn sẽ phát triển các loại hình du lịch này nên cần có nhiều sản phẩm để khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh.

Đặc biệt để tạo sức bật cho du lịch, tỉnh đã cấp phép cho Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Tiền Giang mở tour du lịch Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười gắn với Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (huyện Tân Phước); xúc tiến xây dựng bản đồ số để quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ mở rộng, bổ sung cơ sở vật chất một số di tích văn hóa lịch sử như Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Đền thờ Trương Định…; tăng cường liên kết với các tỉnh trong khu vực để phát triển du lịch. Hiện nay, tỉnh đã ký kết với các tỉnh như Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long… hợp tác, nghiên cứu, khảo sát các tour, tuyến để kết nối du lịch. Giữa 3 tỉnh Tiền Giang, Long An , Đồng Tháp cũng đã ký kết hợp tác phát triển du lịch sinh thái Tiểu vùng Đồngháp Mười.

M. THÀNH

.
.
.