Thứ Tư, 07/03/2018, 15:34 (GMT+7)
.
HUYỆN GÒ CÔNG TÂY:

Chuyển đổi cây trồng gắn với kết nối doanh nghiệp

Huyện Gò Công Tây có tổng diện tích tự nhiên hơn 18.000 ha, trong đó có 11.000 ha đất trồng lúa và khoảng 5.000 ha đất vườn. Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích lúa (sản xuất lúa đi vào thâm canh), mở rộng diện tích trồng cây ăn trái chuyên canh (gần 3.000 ha); trong đó chủ lực là cây dừa 2.400 ha, còn lại là các loại cây ăn trái có giá trị như: Thanh long, mãng cầu Xiêm, cây có múi…

Trồng bắp dưới chân ruộng ở xã Bình Phú.
Trồng bắp dưới chân ruộng ở xã Bình Phú.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khuyến khích nông dân cải tạo đất sản xuất, phát triển các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế ở những nơi có điều kiện thuận lợi.

Đặc biệt, huyện đã và đang triển khai hiệu quả Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, trong năm 2017 huyện đã chuyển đổi 2.517 ha đất trồng lúa sang trồng cây trồng khác: Chuyển sang trồng cây ăn trái gần 147 ha (thanh long 87 ha, mãng cầu Xiêm 31 ha, bưởi da xanh 13 ha và dừa 16 ha), trồng cỏ 33 ha, trồng mai vàng 0,35 ha, trồng màu luân canh 1.807 ha.

Trong đó, huyện tập trung phát triển các loại cây màu có giá trị kinh tế cao như: Dưa hấu, ớt, bắp...; chuyển dịch thời vụ sản xuất theo hướng sản xuất vụ đông xuân sớm 485,27 ha và thu đông sớm 15 ha.

Cùng với đó, huyện rất quan tâm thực hiện mô hình sản xuất Cánh đồng lớn. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện được 11 Cánh đồng lớn trên lúa, với diện tích trên 3.059 ha (chủ yếu là giống lúa VD20).

Mô hình Cánh đồng lớn trên địa bàn huyện thực hiện chủ yếu theo phương thức doanh nghiệp cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Riêng mô hình Cánh đồng lớn tại xã Bình Nhì, nông dân còn được ứng trước phân, thuốc đến thu hoạch không tính lãi...

Bước đầu việc liên kết với doanh nghiệp trong thực hiện Cánh đồng lớn theo hình thức đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật từ đầu vào và bao tiêu đầu ra nông sản đã đạt được kết quả phấn khởi, góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.

Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện cũng đang xây dựng kế hoạch thực hiện Cánh đồng lớn trên cây dừa Mã Lai, với khoảng 50 ha tại các xã Thạnh Nhựt, Vĩnh Hựu và thị trấn Vĩnh Bình; trên thanh long với diện tích 30 ha ở xã Đồng Sơn.

Song song đó, huyện cũng đẩy mạnh sản xuất nông sản theo hướng sạch, an toàn. Tính đến nay, huyện đã xây dựng được 7 mô hình sản xuất nông sản theo VietGAP, với quy mô trên 59 ha, trong đó 29 ha rau, 10 ha thanh long và 20 ha lúa.

Cho biết về định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Đinh Tấn Hoàng cho biết, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm sạch và an toàn.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, huyện sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi phục vụ nông nghiệp; áp dụng các chính sách của Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất cho ngành Nông nghiệp, đặc biệt là kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản góp phần phát triển nông nghiệp của huyện theo hướng hiện đại, bền vững. 

KIỀU TƯỚC NGUYÊN

.
.
.