Khan hiếm cá tra nguyên liệu
Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, giá cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và trên địa bàn Tiền Giang nói riêng đã chạm mức 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi có mức lãi khá cao (thực tế số lượng người dân nuôi không nhiều, chủ yếu do các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tự xây dựng vùng nuôi) và tình trạng khan hiếm nguồn hàng đang diễn ra.
Thu hoạch cá tra công nghiệp. |
Lý giải về những biến động của cá tra nguyên liệu, bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sông Tiền từng nhận định, do thời gian dài người dân đổ xô nuôi cá tra nguyên liệu nhưng Nhà nước chưa cân đối được cung - cầu nên khi thu hoạch với số lượng lớn dẫn đến giá nguyên liệu giảm, người nuôi bị lỗ, bỏ ao.
Từ những tháng cuối năm 2016, người dân đã ngưng thả giống, dẫn đến thời điểm từ giữa năm 2017 đến nay không có nguồn cá nguyên liệu.
Cùng lúc đó, người làm cá giống cũng bị lỗ vốn nên không ương giống. Đến thời điểm hiện tại, con giống vẫn thiếu, cộng với thời tiết của những tháng cuối năm 2017 không thuận lợi làm cho tỷ lệ hao hụt cá giống ở mức rất cao so với nhiều năm trước.
Điều này dẫn đến tình trạng giá cá tra giống hiện tại ở mức rất cao, hút hàng, tăng đến mức khoảng 60.000 đồng/kg (loại 30 con/kg).
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình nuôi cá tra công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng có không ít biến động trong những năm gần đây.
Thống kê gần đây cho thấy, trên địa bàn tỉnh có hơn 120 ha mặt nước nuôi, với sản lượng thu hoạch bình quân khoảng 40.000 tấn/năm, năng suất bình quân đạt hơn 310 tấn/ha. Diện tích nuôi cá tra công nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và Chợ Gạo.
Theo Quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra, đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 180 ha nuôi cá tra công nghiệp, với sản lượng thu hoạch khoảng 67.000 tấn…
P. A