Thứ Hai, 02/07/2018, 20:19 (GMT+7)
.

Nỗ lực khôi phục cây vú sữa

Vú sữa là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Tiền Giang và trái cây này được thị trường trong nước và nước ngoài rất ưa chuộng. Tuy vậy, thời gian qua, diện tích cây trồng đặc sản này  giảm mạnh do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì vậy, để vực dậy cây vú sữa, ngành chuyên môn và người trồng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Thu hoạch vú sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Hoa Kỳ ở huyện Châu Thành.
Thu hoạch vú sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Hoa Kỳ ở huyện Châu Thành.

DIỆN TÍCH GIẢM GẦN 10 LẦN

Sau khi trái vú sữa xuất đi Hoa Kỳ, không khí đầu tư trồng và khôi phục vườn cây vú sữa có dấu hiệu sôi động trở lại. Tuy vậy, diện tích nhiễm bệnh khô cành, thối rễ trên cây đặc sản này cũng còn khá phức tạp.

Nhà vườn Huỳnh Văn Hiệp, ấp Hữu Lợi, xã Hữu Đạo (huyện Châu Thành), trồng 0,4 ha vú sữa Lò Rèn được 10 năm tuổi, cho biết trong quá trình canh tác, ông không áp dụng đúng phương pháp phòng bệnh, nên trong thời gian dài cây vú sữa bị nhiễm bệnh khô cành, thối rễ với tỷ lệ 30% - 50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và năng suất cho trái của cây trồng này.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Men, năm 2011 diện tích trồng cây vú sữa trong toàn tỉnh gần 4.000 ha; trong đó, diện tích cho trái khoảng 3.000 ha, năng suất trên 22,5 tấn/ha, sản lượng trên 63.000 tấn.

Những năm gần đây, diện tích cây vú sữa đã giảm rất nhiều. Đến cuối tháng 5-2018, diện tích cây đặc sản này chỉ còn 436 ha; trong đó, diện tích cho trái khoảng 390 ha ở các địa phương như: Huyện Châu Thành 256 ha, huyện Cái Bè 71 ha, huyện Cai Lậy 40 ha và TX. Cai Lậy 30 ha.

Bất cập trong thu mua vú sữa xuất khẩu

Nhiều nông dân trồng vú sữa trên địa bàn tỉnh than phiền các công ty thu mua vú sữa của nông dân không như giá đã ký kết và chỉ mua cầm chừng. Ông Nguyễn Văn Tiếp (xã Phú Phong, huyện Châu Thành) bức xúc: “Công ty phải mua vú sữa cao hơn thị trường. Bởi, doanh nghiệp lựa chọn trái đạt chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; còn thương lái thì mua “xô”. Nếu doanh nghiệp thu mua cao hơn giá thị trường thì nhà vườn không việc gì mang vú sữa bán cho thương lái”.

Cũng theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Men, nguyên nhân làm diện tích cây trồng này giảm là do hệ thống đê bao chống lũ, hệ thống tưới tiêu chưa đảm bảo; các kinh nội đồng bị bồi lắng nghiêm trọng. Mỗi khi mưa lớn và kéo dài, các vườn vú sữa bị ngập sâu trong thời gian dài.

Hệ thống mương vườn, nước tưới bị ô nhiễm nặng, công tác vệ sinh vườn trồng chưa được chú trọng; kỹ thuật canh tác chưa đúng cách như: Mật độ trồng quá dày, độ cao của liếp vườn xấp xỉ với mực nước của thủy triều lên cao, không thực hiện tỉa cành, tạo tán thường xuyên. Cùng với đó, bệnh khô cành, thối rễ phát sinh, phát triển và gây hại…

Đánh giá về tình hình bệnh khô cành, thối rễ, Thạc sĩ Nguyễn Thành Hiếu, Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết trong những năm gần đây, dịch bệnh khô cành, thối rễ trên cây vú sữa là vấn đề nan giải, gây thiệt hại đáng kể cho nhà vườn, vì triệu chứng rất khó phát hiện do nằm ở vị trí cổ, rễ cây...

Ngoài ra, nhà vườn chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về nguyên nhân gây bệnh, cũng như các giải pháp phòng trừ hữu hiệu. Hiện tình hình gây nhiễm của bệnh này ngày càng tăng, nếu không chủ động xử lý sớm thì cây vú sữa ngày càng cỗi dần, làm giảm năng suất nghiêm trọng, thậm chí gây chết cây.

KHÔI PHỤC LẠI CÂY VÚ SỮA

Làm thế nào để khôi phục lại vườn cây vú sữa như thời hưng thịnh trước năm 2011? Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Tuy vậy, ngành chức năng của tỉnh, huyện và nhiều nhà vườn có tâm huyết đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khôi phục lại vườn cây vú sữa của tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, nhà vườn Huỳnh Văn Hiệp cũng như nhiều nhà vườn khác cho rằng: “Khâu quan trọng nhất là phải lên liếp cao, mương liếp thoát nước tốt, phải bón nhiều phân hữu cơ và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Làm được điều này, Nhà nước cần đầu tư kinh phí để nạo vét kinh, mương nội đồng, khơi thông dòng chảy cho các vùng trồng cây vú sữa.

Nhà nước mời gọi doanh nghiệp tiếp tục thu mua vú sữa của nông dân, với giá cao hơn giá thị trường 5.000 đồng/kg; tiếp tục hỗ trợ về túi bao trái và các loại thuốc trừ sâu bệnh sinh học cho nhà vườn vùng trồng vú sữa xuất khẩu. Còn phía công ty cần bao tiêu, tổ chức thu mua hết sản phẩm vú sữa cho nông dân”.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thành Hiếu, để khôi phục lại vườn cây vú sữa, trước mắt, ngành chức năng cần đánh giá một cách đầy đủ các khía cạnh tồn tại, hạn chế của quá trình sản xuất; khảo sát, đánh giá và phân loại diện tích nhiễm bệnh nặng, nhiễm trung bình, nhiễm nhẹ…

Từ đó, ngành chuyên môn sẽ có giải pháp thích hợp theo từng điều kiện cụ thể; hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình trình diễn, các biện pháp tổng hợp giúp phục hồi vườn vú sữa…

Về lâu dài, chúng ta tạo ra giống vú sữa mới có sức chống chịu với các loại bệnh trên tốt hơn, đầu tư hệ thống thủy lợi tốt, áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật, hỗ trợ nông dân trong việc cải tạo vườn và đầu tư trồng mới…  

Giải pháp phục hồi vùng trồng vú sữa đã được ngành Nông nghiệp xây dựng khá cụ thể; trong đó, ngành tập trung đẩy mạnh công tác thủy lợi, cải tạo mương vườn; duy trì diện tích trồng vú sữa theo GAP, tổ chức lại sản xuất; mở rộng vùng trồng mới ở những nơi có điều kiện; đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đối với các sản phẩm vú sữa.

Tại buổi gặp gỡ nông dân trồng và chăm sóc cây vú sữa mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhấn mạnh: “Nguồn ngân sách của tỉnh thu được trong năm 2017 khá cao. Vì vậy, trong năm 2018, tỉnh sẽ đầu tư rất mạnh cho nông nghiệp, trong đó có cây vú sữa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tính đến việc đưa những nông dân tiêu biểu của tỉnh sang Israel học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp để về áp dụng và nhân rộng tại địa phương”.

SĨ NGUYÊN

.
.
.