Thứ Hai, 05/11/2018, 16:00 (GMT+7)
.

Tổ chức lại sản xuất để thanh long phát triển bền vững

Thanh long là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trái cây này mang về kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong các loại rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Cây trồng này không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, mà còn giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều đối tượng tham gia chuỗi giá trị.

Song, tình trạng rớt giá vẫn còn xảy ra trong một số thời điểm, nhất là trong vụ thuận, khiến người trồng thanh long lao đao. Từ đó đặt ra yêu cầu về công tác quản lý, tổ chức sản xuất và phát triển thị trường đối với trái cây này một cách bài bản hơn. 

Để phát triển thanh long bền vững thì còn nhiều việc phải làm, nhất là phải tổ chức lại sản xuất, quản lý chất lượng trái.                                                                                                                                              Ảnh: Cao Lập Đức
Để phát triển thanh long bền vững thì còn nhiều việc phải làm, nhất là phải tổ chức lại sản xuất, quản lý chất lượng trái. Ảnh: Cao Lập Đức

DIỆN TÍCH TĂNG NHANH

Việt Nam được đánh giá là nước sản xuất và xuất khẩu thanh long lớn trên thế giới. Những năm qua, diện tích thanh long tăng khá nhanh.  Cụ thể, năm 2000 cả nước có 5.200 ha thanh long thì đến năm 2013 đã đạt 25.000 ha và hiện có khoảng 49.000 ha.

Nếu như trước đây cây thanh long được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An thì trong những năm gần đây được trồng ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Trong đó, Bình Thuận dẫn đầu về diện tích thanh long với 27.700 ha, cung cấp cho thị trường khoảng 540 ngàn tấn (năm 2017), tiếp đến là Long An 9.300 ha, với 218 ngàn tấn/năm và Tiền Giang 6.300 ha, với 145 ngàn tấn/năm.

Cùng với tăng diện tích, những năm qua mùa vụ thanh long được kéo dài và mọi thời điểm trong năm đều có thanh long cung cấp cho thị trường. Mùa thu hoạch thanh long tự nhiên từ tháng 5 đến tháng 10, các tháng còn lại nhà vườn xử lý thanh long cho trái bằng phương pháp xông đèn.

Đặc biệt, năm nay thời tiết cuối tháng 8 và đầu tháng 9 rất thuận lợi nên thanh long ra hoa và đậu trái đồng loạt, hầu hết nhà vườn không tỉa bỏ trái thanh long, dẫn đến thanh long thu hoạch nhiều vào những ngày đầu tháng 10 làm cho giá trái cây này giảm mạnh.

Chuyện thanh long vụ thuận thường có giá bán thấp xảy ra trong nhiều năm, nhưng giá thanh long vào những ngày đầu tháng 10 vừa qua rất thấp so với nhiều năm (giá thanh long ruột đỏ bán tại vườn ở Tiền Giang, Long An, Bình Thuận chỉ khoảng 4.000 - 6.000 đồng/kg, ruột trắng 2.000 - 3.500 đồng/kg) khiến nhà vườn lao đao.

Hiện nhiều nước đang có kế hoạch mở rộng diện tích thanh long, trong đó có Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc…, do nhu cầu thị trường thanh long có xu hướng tăng, dư địa thị trường khá rộng và trái thanh long vẫn chưa được biết đến rộng rãi với người tiêu dùng trái cây trên thế giới (ngoại trừ thị trường châu Á).

Riêng diện tích trồng thanh long tại Trung Quốc tăng nhanh trong những năm gần đây và đã đạt khoảng 35.000 ha. Ngoài Trung Quốc, nhiều nước khác cũng tăng sản xuất và xuất khẩu thanh long.

Thanh long đang là loại trái cây xuất khẩu chủ lực trong các loại trái cây tham gia xuất khẩu của Việt Nam. Theo số liệu của Cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu 19 loại trái cây của Việt Nam trong năm 2017 là 2,6 tỷ USD, trong đó thanh long chiếm đến 1,15 tỷ USD (tương đương 44,23%).

Trong 8 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thanh long vẫn được duy trì và tăng trưởng, đạt 841,12 triệu USD, tăng 5,6% so với 8 tháng năm 2017. Trong các thị trường xuất khẩu, Trung Quốc là nước nhập khẩu thanh long lớn nhất và gần như chiếm phần lớn sản lượng sản xuất trái cây này của Việt Nam.

Trong 8 tháng năm 2018, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu thanh long chủ lực của Việt Nam, đạt 769,78 triệu USD, chiếm đến 91,5% tổng giá trị trái thanh long xuất khẩu ở tất cả các thị trường.

Ngoài thị trường Trung Quốc, thanh long Việt Nam còn xuất khẩu đi các thị trường khác như Hoa Kỳ, Thái Lan, Hồng Kông, Hà Lan, Canada, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Đông…Tuy nhiên, so với thị trường Trung Quốc, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trái cây này của Việt Nam đi các thị trường trên còn rất khiêm tốn.

TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT

Theo một số nguồn tin, những ngày đầu tháng 10 vừa qua, mỗi ngày thị trường Trung Quốc vẫn nhập hơn 10.000 tấn thanh long. Vấn đề đặt ra là vì sao thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục “ăn” thanh long nhưng giá trái cây này trong nước lại giảm mạnh? Sau khi tìm hiểu, người viết xác định, nguyên nhân chủ yếu do lượng cung thanh long cho thị trường tăng đột biến.

Mặt khác, hệ thống phân phối thanh long chưa tốt, tình trạng thương lái lợi dụng để ép giá nông dân vẫn xảy ra. Trong những ngày qua, nhiều nông dân trồng thanh long chỉ biết chờ các tư thương đến mua, giá cả do thương lái quyết định, nhà vườn nhỏ lẻ hầu như không có khả năng thương lượng để nâng giá bán.

Hệ thống phân phối thanh long đều do tư thương đảm nhận; phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác thanh long quá yếu trong khâu thu mua, tiếp thị và tiêu thụ thanh long cho nhà vườn. Thanh long tuy có thể neo trái sau khi chín lần đầu, nhưng nếu neo trái dài ngày tai trái không còn xanh và cứng rất khó bán được giá cao.

Thực tế nhu cầu tiêu thụ thanh long đang tiếp tục có xu hướng tăng. Cùng với đó, sản xuất thanh long trên thế giới nói chung và trong nước nói riêng cũng tăng, dẫn đến cuộc cạnh tranh về chất lượng và giá cả rất quyết liệt. Để cạnh tranh thành công và hạn chế tình trạng nhà vườn phải “bán đổ bán tháo” thanh long với giá rất thấp thì còn nhiều việc phải làm trong công tác tổ chức sản xuất và phát triển thị trường.

Một bộ phận nhà vườn trồng thanh long tại Long An, Tiền Giang đã mạnh dạn tỉa bỏ trái, không cho thanh long ra hoa đậu trái vào thời gian cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua để cây phục hồi nhằm tăng năng suất trong vụ nghịch là câu chuyện đáng suy ngẫm.

Chính quyền địa phương, các tổ chức nông dân như hợp tác xã, tổ hợp tác… và nhà vườn trồng thanh long cần ngồi lại với nhau, có quyết tâm cao trong khâu điều tiết sản lượng thanh long cung ứng cho thị trường.

Tăng cường xuất khẩu chính ngạch trên cơ sở tuân thủ quy định của nước nhập khẩu và làm tốt khâu bảo quản thanh long là điều kiện để tăng sản lượng thanh long vào sâu trong nội địa, các thành phố lớn của Trung Quốc.

Để đáp ứng thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản…, điều cần quan tâm là tổ chức lại sản xuất theo hướng kiểm soát tốt chất lượng và thực hiện nghiêm chỉnh khâu truy xuất nguồn gốc, cải thiện khâu hậu cần. Có như thế, thanh long Việt Nam mới có thể phát triển bền vững.

HỮU TIẾN

.
.
.