Thứ Tư, 29/05/2019, 10:56 (GMT+7)
.
Nguồn lực lao động - Thay đổi và thích ứng

Bài 2: Thâm dụng lao động

Bài 1: Khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo

Nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh còn rất lớn do tác động từ thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) hiện hữu. Thế nhưng, chất lượng lao động vẫn còn là bài toán khó.

Điện lạnh - điện tử, công nghệ may được dự báo có nhu cầu tuyển dụng cao trong thời gian tới.
Điện lạnh - điện tử, công nghệ may được dự báo có nhu cầu tuyển dụng cao trong thời gian tới.

CẦM TAY CHỈ VIỆC

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhìn tổng thể, Tiền Giang có nguồn lao động dồi dào, trên 1,3 triệu lao động trong độ tuổi, chiếm trên 74% so với tổng dân số. Tỷ lệ lao động qua đào tạo qua các năm tăng dần, từ 9,82% năm 1995 tăng lên 35% năm 2010, 45% vào năm 2015 và 48% vào năm 2018. Nhìn chung, lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao nhưng do thời gian qua Tiền Giang thu hút đầu tư thâm dụng lao động nên lao động có trình độ đi làm việc ngoài tỉnh.

Ngoài ra, chất lượng lao động Tiền Giang nhìn chung còn thiếu khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Hàn) trong khi DN FDI chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, nguồn cung lao động trên địa bàn tỉnh trong những năm qua giảm đáng kể và xu hướng này dự báo sẽ còn tiếp diễn đến năm 2030. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này phần lớn là do giảm nguồn cung tự nhiên từ hệ quả của chính sách giảm sinh ở thập niên 90 của thế kỷ trước và chênh lệch giữa dân số xuất cư và nhập cư dương.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trần Văn Lâm, với đặc điểm ngành nghề sản xuất, kinh doanh của các DN trong tỉnh chủ yếu ở lĩnh vực may mặc, giày da, túi xách, nhựa, bao bì, chế biến nông - thủy sản nên nhu cầu sử dụng lao động phổ thông chiếm tỷ lệ lớn, khoảng trên 70% so với tổng nhu cầu sử dụng lao động. Chính vì vậy, để có nguồn lao động kịp thời phục vụ nhu cầu sản xuất, “cầm tay chỉ việc” có lẽ là cách mà không ít DN thực hiện thông qua việc tổ chức đào tạo ngắn hạn cho người lao động.

Tùy vào từng ngành nghề, công việc cụ thể mà thời gian đào tạo có thể kéo dài từ 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số dự án có hàm lượng khoa học - công nghệ đến đầu tư tại tỉnh nên DN có nhu cầu sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật ngày càng tăng: Năm 2015 nhu cầu sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật chiếm 20% so với tổng nhu cầu tuyển dụng lao động, năm 2016 tăng lên 23%, năm 2017 tăng lên 25% và năm 2018 là 30%.

Chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh cũng là điều cần quan tâm. Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay lao động qua đào tạo chủ yếu tập trung vào nhóm ngành quản lý nên vấn đề thừa thầy, thiếu thợ và nhiều sinh viên tốt nghiệp không có việc làm vẫn còn diễn ra.

Qua khảo sát đánh giá chất lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, các DN trong tỉnh cho biết: Về kiến thức đạt yêu cầu; về kỹ năng, sau thời gian làm việc từ 3 - 4 tháng mới có thể đáp ứng yêu cầu, thích nghi được công việc; về ý thức tổ chức kỷ luật và ứng xử vẫn còn hạn chế.

Nhìn chung, lao động lành nghề sau khi tuyển dụng, được công ty bồi dưỡng kỹ năng và tác phong làm việc trong một khoảng thời gian nhất định thì mới thích nghi với môi trường làm việc mới. Trước bối cảnh Hiệp định CPTPP có hiệu lực cũng như tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến di chuyển lao động tự do quy mô lớn, là điều kiện để một bộ phận chuyên gia nước ngoài đến Tiền Giang làm việc. Đồng thời, quá trình hội nhập kinh tế cũng tạo ra thách thức trong việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực chung trên địa bàn tỉnh.

CHẤT LƯỢNG VIỆC LÀM

Trong chặng đường phát triển tiếp theo chắc chắn nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, nhất là khi tỉnh thực hiện chủ trương phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) theo lộ trình quy hoạch. Theo dự báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp có xu hướng giảm; nếu như năm 2015 có gần 503.000 người, chiếm gần 53% tổng số lao động làm việc, đến năm 2020 tỷ trọng giảm xuống còn 47,5%.

Từ thực tế về chất lượng nguồn lao động hiện hữu và nhu cầu tuyển dụng của các DN, một trong những giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong thời gian tới là chuyển từ mục tiêu “số lượng việc làm” sang “chất lượng việc làm”; đồng thời, điều chỉnh cơ cấu kinh tế hợp lý để khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên nguồn nhân lực (kể cả thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài), nâng cao chất lượng việc làm, tăng năng suất lao động, hiệu quả nền kinh tế.

Song song đó, tỉnh sẽ hoàn thiện, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý phát triển nhân lực; trong đó, tập trung đổi mới căn bản cơ chế quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo trên cơ sở tập hợp thông tin về nhu cầu lao động từ các DN, các ngành kinh tế, các thông tin từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh, gắn kết giữa cung và cầu lao động.

Do nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề ngày càng khan hiếm nên đa số DN tuyển dụng lao động phổ thông chưa có tay nghề, DN sẽ đào tạo tay nghề tại DN. Theo đồng chí Trần Văn Lâm, từ năm 2016 đến 2018, thống kê mỗi năm nhu cầu tuyển dụng từ 13.500 - 15.000 lao động; trong đó nhu cầu tuyển dụng chủ yếu tập trung tại các khu - CCN. Trình độ lao động được tuyển dụng cũng có sự dịch chuyển, năm 2018 nhu cầu lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn chiếm khoảng 30%, (năm 2016 là 23%, năm 2017 chiếm khoảng 35%).

Theo dự báo, nhu cầu về lao động trong năm 2019 và những năm tiếp theo chắc chắn sẽ tăng cao. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm và các cơ quan chuyên môn, dự kiến trong năm 2019 các DN sẽ tiếp tục tuyển dụng với số lượng khoảng 15.000 lao động, chuyên môn chiếm khoảng 30%. Nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tập trung nhiều tại các khu - CCN (chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu).

Ngoài tuyển dụng tại các khu - CCN, các DN may mặc, may ba lô, túi xách mở các chi nhánh, công ty con tại địa phương để thu hút công nhân địa phương cũng có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động nhiều tại các huyện như Chợ Gạo, Cai Lậy và TP. Mỹ Tho.

Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ được dự báo sẽ tập trung vào các nhóm ngành nghề như: Kinh tế, tài chính, kế toán, cơ khí, điện, xây dựng, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, phiên dịch, du lịch, công nghệ thực phẩm và diễn ra theo một số nhóm ngành nghề chính.

Chẳng hạn, đối với lao động phổ thông tập trung vào ngành dệt - may mặc, túi xách, giày da, lắp ráp điện tử, chế biến thủy sản, cơ khí. Đối với lao động có trình độ sơ cấp, nghề ngắn hạn tập trung vào ngành may, cơ khí, điện - điện công nghiệp, sửa chữa bảo trì máy móc. Đối với lao động có trình độ trung cấp sẽ tập trung vào ngành cơ khí, điện - điện công nghiệp, điện lạnh - điện tử, công nghệ may.

Đối với lao động có trình độ cao đẳng, đại học tập trung vào các ngành kế toán, kinh tế, cơ khí, điện - điện tử, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, phiên dịch, du lịch, nhân viên quản lý có kinh nghiệm, công nghệ thực phẩm.

Ngoài ra, một số ngành nghề đòi hỏi lao động có chuyên môn đang có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng đang thiếu nhân lực như: Kỹ sư cơ khí, điện công nghiệp, kế toán có kinh nghiệm; đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng số lượng nhiều lao động khối văn phòng như thư ký, xuất nhập khẩu, phiên dịch với yêu cầu tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Nhật.

Theo tính toán của Sở LĐ-TB&XH, từ nay đến năm 2020 dự báo mỗi năm nhu cầu cần trên 15.000 lao động, nhu cầu tập trung chính vẫn trong các khu - CCN, với các DN lĩnh vực giày da, túi xách, bao bì, may mặc, lắp ráp điện tử, sản xuất ống đồng, chế biến thực phẩm.

Nhu cầu tuyển dụng phần lớn vẫn là lao động phổ thông, lao động chuyên môn chiếm từ 35%. Theo dự báo, trong thời gian tới, với sự phát triển các DN lĩnh vực cơ khí, thực phẩm, công nghiệp chế tạo, các ngành dịch vụ du lịch và dịch vụ khác phát triển, việc thu hút các dự án đầu tư vào các khu - CCN phía Đông của tỉnh, dự kiến nhu cầu lao động có chuyên môn kỹ thuật sẽ ngày càng nhiều…

ANH PHƯƠNG (còn tiếp)

.
.
.