Thứ Tư, 11/12/2019, 15:22 (GMT+7)
.
KIẾN TẠO GIÁ TRỊ NÔNG SẢN THÔNG QUA CHUỖI LIÊN KẾT

Bài 2: Cần kiến tạo giá trị nông sản

Bài 1: Sứ mệnh mang tính lịch sử

Ngành Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và Việt Nam nói chung đã đóng góp rất lớn trong tiến trình phát triển của đất nước. Sau giải phóng, thống nhất đất nước, từ một nước còn nghèo nàn, lạc hậu, thiếu lương thực, nhiều hộ đói, đến năm 1989 Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu gạo, sau đó vươn lên là một trong những quốc gia có lượng gạo xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới. Vai trò và sứ mệnh lịch sử của ngành Nông nghiệp đã hoàn thành. Trong giai đoạn hiện nay, cần phải tìm hướng đi mới không phải để tồn tại, mà là để phát triển mạnh mẽ và bền vững trong chuỗi liên kết nhằm kiến tạo giá trị nông sản, đó là chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp đã được Đảng và Nhà nước tập trung thực hiện trong những năm qua…

Việc tìm ra giải pháp kinh tế, kỹ thuật phát triển bền vững cây ăn trái và lúa thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL  là việc làm hết sức cần thiết.
Việc tìm ra giải pháp kinh tế, kỹ thuật phát triển bền vững cây ăn trái và lúa thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL là việc làm hết sức cần thiết.

NHỮNG THÁCH THỨC

Dưới góc nhìn của nhà khoa học, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ - Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Võ Tòng Xuân nêu lên những thách thức chung của ngành Nông nghiệp: Nhìn chung sự phát triển nông nghiệp của nước ta tuy có định hướng toàn diện, nhưng chỉ tập trung đầu tư cho cây lúa, có kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể. Những sản phẩm cây trồng khác thì do dân tự đầu tư trên diện tích manh mún, không kế hoạch, hoặc nhiều khi do thương lái nước ngoài thông qua thương lái trong nước hợp đồng không văn bản với nông dân một vài vụ rồi bỏ về nước. Từ đó, giá cả nông sản, chủ yếu là trái cây của Việt Nam không ổn định.

Còn bức tranh của ngành Nông nghiệp, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL được Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định khái quát như sau: Vùng ĐBSCL có diện tích trên 4 triệu ha, trong đó có 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 811 ngàn ha đất nuôi trồng thủy sản, với dân số 17,8 triệu người (số liệu năm 2018). Vùng ĐBSCL được xem là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, cung cấp hơn 50% sản lượng gạo (trong đó đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu) và hơn 70% lượng trái cây cho cả nước.

Tuy vùng ĐBSCL có rất nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa và các loại cây ăn trái, tuy nhiên vùng này đang đứng trước những thách thức lớn. Đồng chí Nguyễn Xuân Định đã chỉ ra một số thách thức cụ thể: Vùng ĐBSCL hiện đang gặp thách thức rất lớn do tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, thiếu phù sa, sạt lở đất đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất lúa và cây ăn trái của vùng. Theo dự báo, vùng ĐBSCL là 1 trong 3 vùng đồng bằng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu trên thế giới. Bên cạnh đó, vấn đề được mùa rớt giá, sản xuất kém bền vững, trong đó nhiều nguyên nhân như: Quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trình độ sản xuất, kinh doanh, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao của nông dân còn hạn chế, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo. Chính vì vậy, việc tìm ra giải pháp kinh tế, kỹ thuật phát triển bền vững cây ăn trái và lúa thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL là việc làm hết sức cần thiết.

Chia sẻ về những nguy cơ và thách thức ở vùng ĐBSCL, Phó GS.TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho biết thêm: Rủi ro ở ĐBSCL bao gồm cả hạn hán và lũ lụt, sẽ gia tăng với các trận mưa có cường độ cao và các ngày hạn kéo dài. Kịch bản của biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL giai đoạn 2030 - 2040 cho thấy, nhiều khu vực của ĐBSCL sẽ bị tác động. Theo đó, nhiệt độ cao nhất trung bình trong mùa khô sẽ gia tăng từ 33oC - 35oC lên 35oC - 37oC; lượng mưa đầu vụ hè thu sẽ giảm khoảng 10% - 20%; xâm nhập mặn sẽ sớm hơn, sâu hơn vào nội đồng; thời kỳ bắt đầu mùa mưa sẽ trễ hơn khoảng 2 tuần… Kịch bản trên cho thấy xu thế lũ trong giai đoạn 2030 - 2040 ở vùng ĐBSCL sẽ khác đi so với hiện nay. Diện tích vùng ĐBSCL bị ngập sẽ mở rộng hơn về phía Bạc Liêu, Cà Mau, nhưng số ngày chịu ngập ở các tỉnh đầu nguồn sẽ giảm. “Tình hình nhiệt độ gia tăng, mưa giảm, diện tích lũ mở rộng, mực nước biển dâng cao và xâm nhập mặn dữ dội hơn sẽ tác động rất lớn đến hệ sinh thái và sản xuất nông nghiệp cũng như tạo ra các vấn đề khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực” - Phó GS.TS. Mai Thành Phụng dự báo.

Về phía góc độ là một tỉnh trong khu vực ĐBSCL có nền nông nghiệp phát triển mạnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn chia sẻ những khó khăn, thách thức: Tiền Giang với gần 80.000 ha trồng cây ăn trái, sản lượng hằng năm hơn 1,4 triệu tấn trái cây các loại; cây lúa với diện tích gieo trồng trên 200 ngàn ha, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm. Để có được những trái ngon và sản phẩm đặc trưng nổi tiếng, ngoài thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp để phát triển nhiều loại cây ăn trái chất lượng cao còn có sự năng động, sáng tạo, ham học hỏi và ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả của nông dân.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang nói chung, cây lúa, cây ăn trái nói riêng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro trước diễn biến bất lợi của thời tiết, thủy văn. Từ đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cho biết, tỉnh Tiền Giang mời gọi và sẵn sàng chào đón, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các nhà khoa học, các doanh nghiệp đến nghiên cứu, hợp tác, đầu tư phát triển sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi cho các loại cây ăn trái nói riêng và các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Tiền Giang nói chung.

TRƯỚC YÊU CẦU TÁI CƠ CẤU

Trước những nguy cơ và thách thức trên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại Quyết định 899 ngày 10-6-2013. Mở đầu câu chuyện về tái cơ cấu nông nghiệp, GS.TS. Võ Tòng Xuân khẳng định với chúng tôi: Thực tiễn đã chứng minh khi nông nghiệp phát triển thì cả xã hội phát triển, đất nước đi lên. Các nước tiên tiến và giàu có trên thế giới đã lấy nông nghiệp làm nền tảng cơ sở vững chắc để đi lên nền công nghiệp và dịch vụ. Không thể phát triển công nghiệp trong khi nông nghiệp còn lạc hậu ở mức kinh nghiệm lão nông. Đó là dưới góc nhìn vĩ mô của nhà khoa học về việc phải tái cơ cấu nông nghiệp đã được Đảng và Nhà nước tập trung nỗ lực thực hiện trong thời gian qua. 

Là người gắn bó với ngành Nông nghiệp như máu thịt, GS.TS. Võ Tòng Xuân nhận định: Qua gần 45 năm sau giải phóng, nông nghiệp và nông thôn ĐBSCL có bước phát triển hơn trước rõ rệt về mặt hình thức, nhưng chất lượng chưa cao, tính cạnh tranh còn thấp, một bộ phận nông dân vẫn nghèo. Đến cuối năm 2017 “Hội nghị Diên Hồng” của ĐBSCL được Chính phủ phân tích sâu sát, nhìn thấy những nguyên nhân cốt lõi đã gây ra tình trạng này nên ngày17-11-2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, theo hướng kinh tế, biến trở ngại thiên nhiên thành cơ hội sản xuất có lợi cho nông dân; kiên quyết giảm diện tích lúa, thay bằng cây, con có giá trị cao. Đây là một nghị quyết có tính lịch sử, góp phần đổi đời cho nông dân ĐBSCL. Thật sự thời kỳ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vốn đã có chủ trương từ Nghị quyết 09/2000 ngày 15-6-2000 của Chính phủ về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

GS.TS. Võ Tòng Xuân phân tích thêm về nguyên nhân phải tái cơ cấu nông nghiệp: Trong một giai đoạn dài, phong trào sản xuất lúa khắp nơi vì an ninh lương thực được tiếp tục đẩy mạnh, nên mới có thêm vụ lúa thứ ba, mặc dù vụ lúa này ngăn chặn lấy phù sa vào ruộng, sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc trừ sâu rầy, lợi tức mang lại cho nông dân không được bao nhiêu. Lượng gạo xuất khẩu tăng hằng năm đưa Việt Nam lên vị trí thứ hai, thứ ba trong số các quốc gia xuất khẩu lượng gạo lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam thấp hơn gạo các nước khác vì khách hàng đều biết đây là loại gạo cao sản nhờ sử dụng quá nhiều hóa chất, mức độ an toàn thực phẩm không cao. Cũng vì thế mà lợi tức của nông dân trồng lúa vẫn giữ ở mức thấp. Sự phát triển những cây trồng ngoài lúa, như cây ăn trái, cây công nghiệp… đều do nông dân tự phát chứ không có sự đầu tư của Nhà nước. Nông dân đua nhau trồng, khi thu hoạch sản phẩm tiêu thụ khó khăn do cung vượt cầu, Nhà nước phải vận động “giải cứu” cho nông dân. Trước thực trạng đó nên trong một giai đoạn dài, điệp khúc trồng rồi chặt, thay cây khác cứ diễn ra, mà vùng ĐBSCL là một điển hình.

Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam - TS. Nguyễn Minh Châu cũng chia sẻ: Chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp đã bắt đầu vào khoảng năm 2010, lúc đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra vấn đề tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, vì diện tích trồng lúa và sản lượng lúa đã dư thừa, đời sống của nhân dân đã được cải thiện, nên nhu cầu ăn nhiều gạo như trước đây bắt đầu giảm; nhu cầu thịt, cá, rau, quả tăng nhiều hơn.

Hay nhu cầu tăng diện tích của những cây khác như đậu nành, bắp cần phải tăng lên để giảm nhập khẩu, đồng thời để phát triển chăn nuôi. Rồi diện tích rau quả cũng cần được tăng lên, vì đời sống đã được cải thiện nhiều từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, vì vậy người dân có nhu cầu ăn rau quả nhiều hơn. Như vậy, giảm diện tích trồng lúa và tăng diện tích trồng các loại cây khác như rau, quả, đậu nành, bắp... đã được đặt ra. Từ đó, chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội ngày càng phát triển.

NGUYÊN CHƯƠNG

(Còn tiếp)  

.
.
.