Thứ Hai, 24/02/2020, 14:10 (GMT+7)
.

Những lưu ý để bảo vệ cây trồng

Trước tình hình hạn, mặn đang khá gay gắt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn yêu cầu: Các địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn trên các kinh, khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi, đo độ mặn trước khi lấy nước để tưới cho cây ăn trái và rau màu. Đối với các ruộng vườn đã bị nhiễm mặn, địa phương hướng dẫn nông dân bón vôi và lấy nước ngọt vào để rửa mặn.

 Sầu riêng rất mẫn cảm với độ mặn, nên người trồng cần cắt bỏ bông trong giai đoạn khó khăn nước tưới để nuôi cây.
Sầu riêng rất mẫn cảm với độ mặn, nên người trồng cần cắt bỏ bông trong giai đoạn khó khăn nước tưới để nuôi cây.

Đối với cây ăn trái, người trồng cần chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ như: Rơm rạ, lục bình, cỏ khô hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ độ ẩm cho cây; cắt tỉa cành, tạo tán gọn; tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước; củng cố hệ thống đê bao và đê xung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập. Ngoài ra, người trồng cần đo độ mặn trước mỗi lần lấy, không tưới nước có độ mặn trên 1 g/l cho cây.

Riêng một số loại cây ăn trái mẫn cảm với mặn như: Sầu riêng, chôm chôm, thanh long, vú sữa, khóm… không tưới nước có độ mặn cao hơn 0,5 g/l. Trong thời gian nhiễm mặn, người trồng chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt bằng cách kéo dài thời gian giữa 2 lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới.

Khi đã bị nhiễm mặn, người dân cần bón bổ sung phân Sulphate kali, vôi bột với lượng 500 - 1.000 kg/ha. Nếu hạn, mặn kéo dài, người trồng cần phun thêm phân bón lá và chế phẩm nhằm tăng cường khả năng chống chịu mặn; phân trung vi lượng có chứa canxi, magiê, silic… giúp tăng sức đề kháng cho cây.

Đối với rau màu, địa phương vận động nông dân tuyệt đối không tiếp tục xuống giống các loại rau màu mẫn cảm với mặn tại các vùng nhiễm mặn 0,5 g/l. Riêng các diện tích đã xuống giống, người trồng cần chăm sóc, bón phân theo quy trình kỹ thuật để giúp cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và vượt qua những bất lợi của thời tiết; tuyệt đối không lấy nước đã bị nhiễm mặn để tưới cho rau (dù độ mặn có dưới 1 g/l); trữ nước ngọt trên mương, rẫy, ao chứa… để tưới cho cây; cần giảm số lần và lượng nước tưới để tiết kiệm nước tưới.

Đối với cây lúa, người trồng cần quản lý nước trong ruộng lúa theo hướng tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính; bón bổ sung một số loại phân bón, chế phẩm để tăng cường khả năng chống chịu mặn; thường xuyên theo dõi, cập nhật nguồn nước và chất lượng nước để phục vụ sản xuất, tận dụng tối đa nguồn nước để cung cấp cho lúa; tuyệt đối không tưới nước nhiễm mặn (trên 1,5 g/l) cho lúa giai đoạn trổ vì thời điểm này cây rất mẫn cảm.

SĨ NGUYÊN

.
.
.