Thứ Tư, 29/04/2020, 16:04 (GMT+7)
.

Những công trình, dự án mang dấu ấn 45 năm

Trong suốt chiều dài lịch sử 45 năm sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4), nhiều chương trình, dự án đầu tư trọng điểm được triển khai thực hiện góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang.

Các chương trình, dự án đầu tư được thực hiện trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, y tế, xã hội…

Hệ thống cống được đầu tư trong vùng ngọt hóa giúp thay đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng ăn chắc. Ảnh: MINH THÀNH
Hệ thống cống được đầu tư trong vùng ngọt hóa giúp thay đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng ăn chắc. Ảnh: MINH THÀNH

1. Ngay sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, năm 1976 Dự án Ngọt hóa Gò Công chính thức được triển khai, với tổng vốn đầu tư khoảng 325 tỷ đồng, thay đổi đáng kể phương thức sản xuất cho hơn 54 ngàn ha trong vùng dự án. Dự án hoàn thành đã góp phần thay đổi rất lớn diện mạo phía Đông của tỉnh, điều kiện sản xuất được cải thiện, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên
địa bàn.

Mầm xanh phủ khắp huyện Tân Phước hôm nay
Mầm xanh phủ khắp huyện Tân Phước hôm nay.

2. Năm 1976, UBND tỉnh ký ban hành Chỉ thị đào kinh Trương Văn Sanh để mở màn khai phá Đồng Tháp Mười. Chương trình khai hoang Đồng Tháp Mười nhằm khai thác tiềm năng dồi dào do thiên nhiên ban tặng, đây cũng là bước khởi đầu để huyện mới Tân Phước hình thành, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Thành quả mang lại là suốt đêm 26 rạng 27-8-1994, tiếng trống nổi lên, cờ, băng rợp bóng chờ đến giờ đi dự Lễ ra mắt huyện Tân Phước.

Khu công nghiệp Mỹ Tho ngày nay đã được lấp đầy - Ảnh: TRẦN LIÊM
Khu công nghiệp Mỹ Tho ngày nay đã được lấp đầy. Ảnh: TRẦN LIÊM

3. Năm 1997, Khu công nghiệp Mỹ Tho chính thức được hình thành, với diện tích khoảng 79 ha, mở đầu cho một chặng đường mới về phát triển công nghiệp trên địa bàn Tiền Giang và tạo đà để Tiền Giang mở thêm nhiều khu công nghiệp sau này như Tân Hương, Long Giang… và nhiều cụm công nghiệp khác.

Anh-2-1.jpg
Dự án Đường và kè sông Tiền đưa vào khai thác, góp phần thay đổi lớn diện mạo của TP. Mỹ Tho.

4. Dự án Đường và kè sông Tiền có chiều dài 2.625 m từ rạch Bình Đức đến Công ty Cấp nước Tiền Giang, với tổng kinh phí đầu tư trên 389 tỷ đồng, đã được đưa vào khai thác, góp phần thay đổi lớn diện mạo của TP. Mỹ Tho nói riêng và Tiền Giang nói chung.

5. Dự án Sân lễ - Quảng trường Trung tâm tỉnh đã chính thức làm Lễ động thổ vào ngày 7-2-2018 và đưa vào sử dụng năm 2019, có diện tích 3,66 ha, với tổng mức đầu tư dự án này hơn 84 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Sân lễ có sức chứa khoảng 13.000 người; cây xanh, thảm cỏ; hệ thống phun nước trên mặt sân tại vị trí trung tâm sân chính… khởi đầu cho các dự án trong Khu Quảng trường Trung tâm tỉnh, mở ra khu vui chơi, giải trí có quy mô lớn không chỉ đối với Tiền Giang, mà còn đối với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

6. Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang mới đang trong giai đoạn xây dựng, có quy mô khoảng 1.000 giường, với tổng kinh phí 2.350 tỷ đồng; gồm các hạng mục chính như: Khối nhà chính, khối nhà dinh dưỡng, Khối nhà truyền nhiễm, nhà xử lý rác thải, nhà khí y tế… Dự án khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ góp phần rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân.

Dự án Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương
Dự án Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương

7. Nhiều công trình giao thông mang tầm vóc quốc gia cũng đã và đang được triển khai trên địa bàn Tiền Giang, như cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, Quốc lộ 50… Đặc biệt là Dự án Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận đã góp phần thay đổi rất lớn về hạ tầng giao thông của Tiền Giang nói riêng và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Ngoài một số chương trình, dự án nêu trên, trong chặng đường 45 năm đã qua, Tiền Giang cũng đã tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư nhiều dự án, công trình trọng điểm khác như: Dự án đưa nước ngọt về Gò Công, các công trình giao thông trọng điểm, trung tâm hành chính công, trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí…

A.P

.
.
.