Thứ Tư, 24/06/2020, 11:24 (GMT+7)
.

Cơ hội quảng bá hàng Việt

Hội chợ triển lãm công nghiệp, thương mại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020 (gọi tắt là Hội chợ) diễn ra tại Quảng trường Trung tâm tỉnh Tiền Giang từ ngày 24 đến ngày 29-6 là dịp để quảng bá hàng Việt, nhất là đối với các sản phẩm có thế mạnh của mỗi địa phương trong vùng.

Với hơn 330 gian hàng đã đăng ký, Hội chợ thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đến từ các tỉnh, thành ĐBSCL tham gia.

Sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ được giới thiệu tại Hội chợ lần này.
Sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ được giới thiệu tại Hội chợ lần này.

QUY MÔ LỚN

Hội chợ lần này có quy mô lớn và được tổ chức trang trọng. Theo thông tin từ Ban Tổ chức Hội chợ, đến nay đã có hơn 330 gian hàng đăng ký tham gia, được chia thành các khu: Khu triển lãm tỉnh, khu sản phẩm các doanh nghiệp trong tỉnh; khu sản phẩm đặc trưng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; khu sản phẩm các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại; khu các đơn vị, doanh nghiệp, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ và khu ẩm thực.

Ngoài ra, Hội chợ còn bố trí khu vực dành cho sinh vật cảnh. Đơn vị tham gia Hội chợ lần này là các doanh nghiệp uy tín, sản phẩm có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và ưu tiên cho các sản phẩm mới.

Điểm nhấn đặc biệt của Hội chợ là khai thác đối tượng doanh nghiệp tham gia các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp - thực phẩm qua sơ chế, chế biến các mặt hàng nông sản như: Giống cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quy trình nghiên cứu mới, các loại rau, củ, cây ăn trái thuộc thế mạnh của từng địa phương.

Theo Sở Công thương, Hội chợ lần này nhằm hướng đến mục tiêu khai thác thị trường trong nước gồm các tỉnh, thành ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên; người tiêu dùng trong nước, các đối tác trong nước và nhất là các nhà xuất nhập khẩu.

Mục tiêu chính của Hội chợ là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng hóa công nghiệp, thực phẩm qua sơ chế, chế biến, giới thiệu và bán hàng trực tiếp cho khách tham quan; đàm phán, ký kết hợp đồng, phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, các đơn vị tham gia sẽ giới thiệu chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tạo điều kiện cho nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân gặp gỡ giao lưu, chào mua, chào bán; trưng bày, giới thiệu thành tựu sản xuất các sản phẩm có thế mạnh, định hướng xuất khẩu của các tỉnh, thành trong cả nước; trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp, thương mại, nông thôn mới, sản phẩm OCOP…

QUẢNG BÁ HÀNG VIỆT

Cũng theo Sở Công thương, Hội chợ là cơ hội để trưng bày và giới thiệu các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản là thế mạnh của tỉnh Tiền Giang và khu vực ĐBSCL.

Đồng thời, Hội chợ nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác trong việc sản xuất các sản phẩm nông sản thực phẩm sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…; tạo sự khác biệt với các nông sản thông thường khác và đẩy mạnh việc cung ứng sản phẩm sạch, an toàn đến người tiêu dùng và nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Bên cạnh đó, đây cũng là dịp giúp các doanh nghiệp có sân chơi để giới thiệu rộng rãi sản phẩm của mình; tìm kiếm đối tác, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp chế biến ở địa phương và khu vực ĐBSCL; giúp doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khách hàng, người tiêu dùng nhằm phục vụ cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Hội chợ là dịp tìm kiếm giải pháp trong việc hình thành chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương với chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây cũng là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp quảng bá hàng Việt, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

ANH PHƯƠNG

.
.
.