Thứ Hai, 13/07/2020, 09:31 (GMT+7)
.

Nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch

Bài 1: Doanh nghiệp bắt đầu "thấm đòn"

Hiện chưa có con số thống kê chính xác có bao nhiêu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chịu tác động bởi Covid-19 và các nhân tố khác trong những tháng đầu năm 2020, nhưng chắc chắn rằng đó là con số không ít. Bởi rất nhiều ngành, lĩnh vực chịu tác động lớn và hiện đang là giai đoạn các doanh nghiệp cảm thấy “thấm đòn”.

Nhiều doanh nghiệp may chuyển hướng sang các đơn hàng khác.
Nhiều doanh nghiệp may chuyển hướng sang các đơn hàng khác.

Không ít doanh nghiệp phải giảm sản lượng sản xuất, chuyển sang một số mặt hàng khác, thậm chí phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa do không có nguồn hàng sản xuất.

NHIỀU KHÓ KHĂN

Tìm hiểu thực tế mới thấy, những khó khăn mà doanh nghiệp đã và đang gánh chịu là không hề nhỏ. Đó là áp lực đơn hàng sản xuất, áp lực giữ chân công nhân, áp lực về vòng quay của đồng vốn. Ông Nguyễn Tấn Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH May mặc Hoan Vinh (huyện Châu Thành) cho rằng, bắt đầu từ tháng 3-2020 tất cả các đơn hàng công ty xuất khẩu sang các nước đã bị khách hàng ngưng đặt hàng. Tiếp theo đó, vào các tháng 4, 5, 6, các đơn hàng cũng chưa được khai thông.

Phó Cục trưởng Cục Thuế Tiền Giang Phùng Văn Minh cho rằng, các chính sách hỗ trợ, an sinh của Chính phủ hiện đã được triển khai thực hiện và sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ được hưởng các chính sách của Nhà nước trong thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.

Qua dịch bệnh này, đa số các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn. Các doanh nghiệp xuất khẩu hiện không thể xuất hàng được do một số nước nhập khẩu hàng hóa của nước ta còn đóng cửa. Mặt khác, một số ngành sau dịch phục hồi lại nhưng rất chậm, một số cơ sở sản xuất may mặc thể hiện rõ nhất.

Trước tình thế rất khó khăn như thế, công ty phải tìm mọi cách xoay xở để tạo việc làm, giữ chân người lao động đã gắn bó với công ty nhiều năm thông qua việc tìm các mặt hàng mới.

Trước đây, công ty chuyên may xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhưng nay phải chuyển sang may khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, túi xách bằng vải... Nhờ đó, đến nay lương công nhân giảm không đáng kể. “Trước khó khăn, thách thức hiện nay, hơn bao giờ hết doanh nghiệp mong muốn sớm được tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của Nhà nước” - ông Thanh cho biết.

Cùng với bức tranh chung này, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - May mặc xuất khẩu Toàn Thắng (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) cho biết, công ty chuyên sản xuất hàng may mặc để xuất khẩu. Khi mới đi vào hoạt động, công ty có khoảng 150 công nhân, lao động. Hiện tại, công ty chỉ hoạt động cầm chừng do hàng hóa không thể xuất, nhập được.

Chỉ có chủ hàng ở bên Hoa Kỳ làm khẩu trang để phát cho người dân nên chuyển một số hàng về để công ty làm, song cũng rất bấp bênh. Những ngày qua, công ty đã cho công nhân tạm nghỉ, khi có đơn hàng may khẩu trang thì công nhân đi làm lại, nhưng cũng với số lượng ít. Hiện doanh nghiệp đang “thấm đòn” bởi dịch Covid-19.

Có đơn hàng thay thế là điều may mắn cho mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay; bởi không ít doanh nghiệp phải chấp nhận tạm ngưng hoạt động. Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Sản xuất gỗ Hưng Thịnh Phát (xã Tân Trung, TX. Gò Công) chuyên sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ cho biết, doanh nghiệp chuyên sản xuất hộp gỗ đựng nĩa và dao xuất khẩu sang châu Âu. Đến thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công ty vẫn đang ngưng hoạt động và cho công nhân tạm nghỉ. Trước mắt, doanh nghiệp đã lập danh sách công nhân nghỉ việc gửi địa phương để tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Nhiều doanh nghiệp may gặp khó khăn đã chuyển hướng tìm các đơn hàng khác.                                                                                                            					               Ảnh: a. PHƯƠNG
Nhiều doanh nghiệp may gặp khó khăn đã chuyển hướng tìm các đơn hàng khác. Ảnh: A. PHƯƠNG

CHIA SẺ VÀ ĐỒNG HÀNH

Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng nếu chỉ tính trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh Tiền Giang đã có đến 335 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, tập trung một số ngành nghề chính như: Vận tải, khách sạn, du lịch, nhà hàng, ăn uống, may gia công.

Trong nhóm những doanh nghiệp này cũng đã có không ít doanh nghiệp đăng ký và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 18% so cùng kỳ năm 2019; còn số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng đã tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp khó khăn tập trung vào một số nguyên nhân chính như về nguyên liệu, thị trường do doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu và không xuất khẩu được, tình trạng đối tác hủy hợp đồng đã ký, chậm trả tiền hàng đối với hợp đồng thực hiện trước đó đã ảnh hưởng đến doanh thu.

Trong khi đó, các chi phí duy trì hoạt động của doanh nghiệp không giảm như doanh nghiệp phải chịu các khoản chi phí về thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí lãi vay ngân hàng, chi phí lương cho người lao động, chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi phí nhiên liệu, chi phí lưu kho, tiền thuê đất...

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Đức, hiện toàn tỉnh có gần 6.000 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chiếm số lượng rất lớn. Hiện nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa, từ đó kéo theo nhiều khó khăn khác phát sinh. Ở lĩnh vực thủy sản, giày da, may mặc, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh đang gặp khó. Do đó, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ giải quyết bằng cách tiếp tục quan hệ với các nước, những nước đã khống chế được dịch sẽ kết nối lại cung cầu, trước hết là khu vực Đông Nam Á và các nước châu Á hoặc một số nước châu Âu.

Trước mắt, chúng ta phải động viên các doanh nghiệp duy trì sản xuất. Hiện tất cả các ngành đang thực hiện điều này, đặc biệt là trên lĩnh vực ngân hàng. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh nên tiếp cận nguồn vốn ngân hàng rất lớn. Đồng tiền không thể lưu thông được, nhưng doanh nghiệp phải trả lãi. Do đó, việc thực hiện giảm hoặc giãn lãi suất ngân hàng hiện đã được thực hiện.

Đồng chí Trần Thanh Đức cũng cho biết thêm, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại Trung ương quan tâm chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại ở tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp. Đối với nguồn lao động, hiện các doanh nghiệp đang cố gắng giữ chân người lao động. Nếu doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc, khi tuyển lại sẽ rất khó và mất nguồn lao động có tay nghề.

Riêng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp cần được giãn. Đây là việc ngoài thẩm quyền của tỉnh, do đó tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương. Điều này sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hiện nay, trong các gói của Chính phủ hỗ trợ, đặc biệt là gói 62 ngàn tỷ đồng, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách rất tốt.

Nhưng đối với cộng đồng doanh nghiệp như: Hỗ trợ tiền lương cho người lao động…, các quy định của Bộ Tài chính rất chi tiết, rất khó, nên các doanh nghiệp hiện nay rất khó tiếp cận nguồn hỗ trợ này. Trong trách nhiệm của mình, tỉnh Tiền Giang, ngành Thuế đã kiến nghị với Bộ Tài chính hướng dẫn, để làm sao các doanh nghiệp được tiếp cận tương đối thuận lợi các chính sách này.

A.P - M. THÀNH (còn tiếp)

.
.
.