Thứ Ba, 03/11/2020, 15:05 (GMT+7)
.
HUYỆN GÒ CÔNG ĐÔNG, TỈNH TIỀN GIANG:

Phát huy lợi thế kinh tế biển

Xác định nuôi trồng và khai thác thủy sản là một trong những mũi nhọn trong kinh tế biển, những năm gần đây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã chú trọng chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

NUÔI TRỒNG, KHAI THÁC THỦY HẢI SẢN BỀN VỮNG

Thực hiện định hướng này, huyện Gò Công Đông tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển; đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Bên cạnh đó, huyện thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững; tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt.

Cùng với đó là sắp xếp, tổ chức hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Huyện cũng đầu tư, nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng thời, phát triển vùng nuôi nghêu theo hình thức quản lý cộng đồng, bền vững; xây dựng, chứng nhận và duy trì vùng nuôi nghêu Gò Công theo tiêu chuẩn MSC; phát triển nuôi thủy sản nước lợ ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.

Hoạt động mua bán diễn ra tấp nập tại Cảng cá Vàm Láng.
Mua bán tấp nập tại Cảng cá Vàm Láng.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng, tập trung phát triển Khu du lịch biển Tân Thành - Hàng Dương; tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp kinh tế vườn nhằm khai thác cảnh quan đặc trưng và khôi phục rừng ngập mặn ven biển, các sản phẩm du lịch tham quan sinh hoạt cộng đồng, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng biển, tham quan nghiên cứu lịch sử - văn hóa lễ hội, du lịch vui chơi giải trí cuối tuần.

Để phát triển du lịch theo hướng này, huyện tiến hành trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, mở rộng Đền thờ Trương Định, kết nối các tour, tuyến, điểm du lịch với các di tích lịch sử - văn hóa - Làng nghề tủ thờ Gò Công, đặc sản mắm tôm chà Gò Công - Di tích Đền thờ Trương Định - vườn sơ ri - biển Tân Thành...

ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ

Song song đó, huyện đã tập trung kêu gọi đầu tư, thu hút phát triển ngành Công nghiệp có lợi thế như cảng biển, công nghiệp chế biến, cơ khí…; khuyến khích phát triển các ngành, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp; tập trung đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Soài Rạp và 2 Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 và Gia Thuận 2.

Huyện cũng kêu gọi đầu tư và hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành công tác đầu tư và chuẩn bị đầu tư các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị như: Siêu thị Tân Tây, Trung tâm mua sắm Tân Hòa, Khu thương mại dịch vụ tổng hợp, Trung tâm Logistics - huyện Gò Công Đông; các dự án đầu tư tổng kho dầu khí…; phát triển năng lượng gắn liền với quy hoạch của huyện, đảm bảo cung cấp đủ điện, ổn định và liên tục để phục vụ quốc phòng, an ninh, nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân khu vực ven biển.

Huyện tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời, điện gió vùng ven biển trên địa bàn huyện; từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển và gắn liên kết vùng. Đồng thời, xây dựng đô thị ven biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh.

Huyện cũng đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu, cụm công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Trên cơ sở phát triển vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, huyện tập trung quy hoạch phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái, bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển.

Song song đó, chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển. Đồng thời, thực hiện nghiêm, hiệu quả các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật về môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao khu vực ven biển, bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm…

LÊ HỒNG QUÂN

.
.
.