Thứ Bảy, 26/12/2020, 10:16 (GMT+7)
.

Nỗi lo hạn, mặn

Dư âm của đợt hạn, mặn lịch sử diễn ra vào cuối năm 2019, đầu năm 2020 đến nay vẫn chưa dứt, thì một mùa hạn, mặn nữa lại sắp đến. Hạn, mặn đã và đang trở thành nỗi lo “thường trực” đối với nhiều người dân. Giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra đang là mục tiêu chung mà tỉnh, các ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm thực hiện.

Bài 1: Vẫn còn dư âm

Nhiều vườn cây ăn trái chưa được hồi phục hoàn toàn, chưa kể số diện tích bị chết chưa kịp trồng lại đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân sau cơn hạn, mặn lịch sử vừa qua.

Tâm lý thắc thỏm, lo âu là điều mà nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đang gặp phải trước những dự báo về mức độ của đợt hạn, mặn tới đây…

Cống Xuân Hòa là cứu cánh cho vùng Ngọt hóa Gò Công vào mùa hạn, mặn. Ảnh: MINH THÀNH
Cống Xuân Hòa là cứu cánh cho vùng Ngọt hóa Gò Công vào mùa hạn, mặn. Ảnh: MINH THÀNH

PHÍA ĐÔNG CỐ GẮNG PHỤC HỒI

Sống gần 60 năm ở vùng đất cù lao Tân Phú Đông, ông Hai Phước (xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông) đã chứng kiến và trải qua không ít khó khăn về điều kiện tự nhiên. Mùa hạn, mặn vừa qua làm vườn mãng cầu Xiêm 1 ha của ông bị thiếu nước ngọt, dẫn đến cây suy kiệt, mất mùa. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mãng cầu Xiêm vừa phục hồi và đang trong giai đoạn thụ phấn, ông Phước bày tỏ sự lo lắng về đợt hạn, mặn tới đây.

Nhíu mày một cái, ông Hai Phước khàn giọng: “Năm rồi hạn quá gay gắt, mương vườn bị nứt nẻ quá sâu, phèn cứ trồi lên hoài. Cứ lấy nước vô ngày trước, ngày sau nước lại đổi sang màu vàng. Cây mãng cầu Xiêm đến giờ mới tạm phục hồi, ra hoa và cho trái đạt, nhưng chưa chắc ăn đâu. Nếu hạn, mặn tới đây diễn ra sớm như năm rồi thì không nói trước được điều gì”. Cũng theo ông Hai Phước, người dân trồng mãng cầu Xiêm nơi đây đang mong chờ được Nhà nước đầu tư trạm bơm bổ cấp nước ngọt cho huyện để người dân có nước ngọt phục vụ sản xuất.

Nông dân lo lắng trước hạn, mặn.
Nông dân lo lắng trước hạn, mặn.

Chúng tôi trở lại vùng ven biển Gò Công, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt hạn, mặn vừa qua. Dẫn chúng tôi đi xem trà lúa đông xuân vừa đầy tháng, bà Nguyễn Thị Út (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) cho biết, 9 công đất lúa của gia đình trong vụ đông xuân năm 2019 - 2020 gần như bị mất trắng. Trà lúa vừa trổ bông, trên mặt ruộng khô nứt nẻ, kinh, rạch cạn khô không có nước để tưới. Do hạn, mặn kéo dài vừa qua nên năm nay, Nhà nước vận động người dân xuống giống 2 vụ và gia đình bà đã hưởng ứng. “Người dân nơi đây giờ sợ mặn lắm. 2 mùa rồi đều bị thiệt hại. Nước sinh hoạt phải chở từng can nói chi nước sản xuất”- bà Út bày tỏ.

Anh Liêm chăm sóc vườn thanh long của gia đình sau hạn, mặn.
Anh Liêm chăm sóc vườn thanh long của gia đình sau hạn, mặn.

Hạn, mặn khốc liệt, cây lúa vừa bung đòng đòng rồi cứ mãi đứng “giương cờ”. Nhiều cây trồng trong vùng chuyển đổi cũng chịu chung số phận. Đang chăm sóc lại vườn thanh long bị ảnh hưởng sau hạn, mặn, anh Nguyễn Thanh Liêm (ấp Xóm Chủ, xã Kiểng Phước) cho biết, do không có nước tưới nên vườn thanh long bị suy kiệt nặng, nhánh teo tóp lại. May nhờ có nguồn nước ngọt Nhà nước hỗ trợ, anh đến chở về để tưới giúp cây cầm cự chờ mưa xuống. Đến nay, vườn thanh long đã phục hồi và cho trái, nhưng hạn, mặn lại đến nên nỗi lo lại hiện hữu.

Anh Liêm chia sẻ: “Do trồng trên đất lúa nên vườn thanh long không có xẻ mương. Trước giờ, việc tưới tiêu phụ thuộc vào nguồn nước dưới kinh. Tôi cũng không nghĩ đến mức độ kinh, rạch bị cạn khô, không có nước để tưới như vừa qua. Nếu năm nay, hạn, mặn lại gay gắt thì chắc tôi sẽ dùng túi ni lông để trữ nước tưới cầm chừng”.

PHÍA TÂY THẮC THỎM

Không riêng gì vùng phía Đông, nông dân các huyện phía Tây của tỉnh cũng rất lo lắng trước ảnh hưởng của hạn, mặn. Mùa hạn, mặn vừa qua như một lời cảnh báo cho vùng “chưa bao giờ biết đến mặn” trước đây. Nằm ở phía Bắc Quốc lộ 1, hầu như trước đây, người dân nơi đây chưa thấy mặn xuất hiện ở đây bao giờ. Ông Trương Văn Út (xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy) cho biết, mặn vừa qua lấn sâu vào các tuyến kinh lên đến 3 - 4g/l. Nhiều diện tích đất lúa chuyển sang trồng mít Thái, sầu riêng không có nước tưới ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây. Dự báo năm nay, mặn lại xảy ra nên người dân cũng đang rất lo lắng.

Nhiều nhà vườn trồng sầu riêng thắc thỏm với hạn, mặn.
Nhiều nhà vườn trồng sầu riêng thắc thỏm với hạn, mặn.
Một trong những kinh nghiệm của người dân trồng sầu riêng trong mùa hạn, mặn vừa qua chính là giữ nước chân trong các mương vườn từ 30 - 50 cm. Thực tế cho thấy, nhiều hộ dân trồng sầu riêng đã thành công với cách làm này và giữ được vườn ít bị thiệt hại. Theo Chủ tịch UBND xã Tam Bình Đặng Văn Lâm, đợt hạn, mặn vừa qua, người dân chưa có kinh nghiệm ứng phó. Trong năm 2019 - 2020, người dân mua nước và được Nhà nước hỗ trợ cấp nước rất nhiều. Người dân mang về cho vào núi ni lông để chứa và tưới cho cây, nhưng không hiệu quả bằng việc xả nước xuống mương. Những vườn sầu riêng người dân xả nước ngọt xuống mương thì tỷ lệ cây sống đạt cao, do giữ được nước chân trong vườn.

Trở lại vùng chuyên canh sầu riêng tại huyện Cai Lậy, thắc thỏm là nỗi lo chung của nhiều nhà vườn nơi đây. Bởi đợt hạn, mặn vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho nhà vườn trồng sầu riêng. Nhiều vườn sầu riêng xanh tốt bỗng chốc héo úa trước sự gay gắt của tình trạng xâm nhập mặn.

Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Hiệp Đỗ Quốc Khánh cho biết, toàn xã Ngũ Hiệp có 1.479 ha chuyên canh sầu riêng. Mùa hạn, mặn vừa qua gây thiệt hại từ 70% trở lên cho khoảng 413 ha và 134 ha bị thiệt hại từ 30% - 70%. Hiện người dân đang rất sợ mặn.

Với 2 công sầu riêng trồng giống Ri6 và Monthong, đợt hạn, mặn vừa qua làm chết 4 cây sầu riêng của anh Thái Văn Chinh (ấp Hòa Hảo, xã Ngũ Hiệp) và hơn 10 cây bị chết cành, khô nhánh; số cây bị suy kiệt cũng không ít. Do cây bị suy kiệt nên vụ này ông không xử lý nghịch vụ. Chỉ tay về chùm bông sầu riêng vừa mới ra, anh Chinh cho biết: “Nhiều khi nước mặn tới, mấy cái bông này ăn không được”.

Còn tại xã Tam Bình (huyện Cai Lậy), đợt hạn, mặn vừa qua cũng làm người trồng sầu riêng nơi đây “lên bờ, xuống ruộng”. Hơn 700 ha sầu riêng bị ảnh hưởng, chiếm khoảng một nửa diện tích sầu riêng của xã. Ông Nguyễn Trường Hận (ấp Bình Chánh Đông) cho biết, hạn, mặn làm hơn 80% vườn sầu riêng bị chết và suy kiệt. Hiện ông đang tiến hành lên mô và đã ươm cây con, khi hoàn thành việc xả mặn trong đất sẽ tiến hành trồng lại. “Trước giờ, người dân nơi đây gắn bó với cây sầu riêng và cây này cho kinh tế cao hơn những cây trồng khác. Hiện người dân đang khá lao đao, nhưng dù cỡ nào người dân cũng cố gắng bám trụ, gắn bó với cây sầu riêng” - ông Hận cho biết.

A. PHƯƠNG - M. THÀNH

(Còn tiếp)



 

.
.
.