Thứ Sáu, 29/01/2021, 10:07 (GMT+7)
.

Khẩn trương triển khai các công trình phòng, chống hạn, mặn

Trước tình hình mặn có xu hướng tăng đột biến, tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương triển khai các công trình phòng, chống hạn, mặn để bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân.

Những ngày qua, do ảnh hưởng của gió chướng cùng triều cường nên độ mặn trên sông Tiền đã tăng đột biến so với những ngày trước đó, ảnh hưởng đến việc lấy nước ngọt của cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo).  

1.200 HA LÚA XUỐNG GIỐNG VỤ 3

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 được các ngành chức năng dự báo sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như năm 2019 - 2020 và tương đương mùa hạn, mặn cuối năm 2015, đầu năm 2016. Để chủ động ứng phó hạn, mặn, nhiều giải pháp đã được tỉnh đưa ra và triển khai từ sớm. Để tránh bị ảnh hưởng của hạn, mặn mùa khô năm 2020 - 2021, ngành Nông nghiệp đã tích cực vận động người dân các huyện, thị phía Đông của tỉnh cắt vụ lúa thu đông, chỉ xuống giống 2 vụ. Điều này đã được hầu hết người dân chấp hành.

Lãnh đạo tỉnh dự triển khai đắp đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành.
Lãnh đạo tỉnh dự triển khai đắp đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành.

Tuy nhiên, với việc đến gần cuối tháng 1-2021, cống Xuân Hòa vẫn còn lấy nước ngọt thuận lợi, nguồn nước trên các kinh, rạch vùng Ngọt hóa Gò Công dồi dào so với nhiều năm nên một số hộ dân đã không tuân thủ khuyến cáo và xuống giống vụ 3.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, đến nay, dù huyện và các xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, cho người dân cam kết, nhưng vẫn có hơn 200 ha lúa xuống giống vụ 3. “Người dân thấy nguồn nước trên các kinh, rạch nội đồng dồi dào nên đã xuống giống. Hiện địa phương đang tiếp tục vận động người dân không xuống giống. Hiện các trà lúa đông xuân đang trong giai đoạn đòng trổ, chín và chuẩn bị thu hoạch. Những diện tích này ăn chắc” - đồng chí Nguyễn Văn Quí cho biết thêm.

Cũng là địa phương có nhiều diện tích lúa xuống giống vụ 3, Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh cho biết, những ngày qua, dù thị xã đã tích cực vận động người dân không xuống giống.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, huyện đã có nhiều thông báo khuyến cáo người dân không xuống giống vụ 3. Hiện nay, nguồn nước trên các kinh, rạch nội đồng đã giảm nên người dân đã ngưng xuống giống. Mặt khác, nhiều diện tích lúa đang chuẩn bị thu hoạch và qua Tết Nguyên đán sẽ thu hoạch nên nguồn nước hiện tại sẽ đảm bảo, chỉ lo những diện tích mới xuống giống.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) Võ Văn Men cho biết, hiện nay, việc người dân xuống giống vụ 3 chưa có biện pháp để ngăn chặn, chủ yếu thực hiện công tác vận động và cho người dân cam kết. Qua khảo sát thực tế trong ngày 27-1, trước diễn biến của hạn, mặn, người dân đã nắm và hiện đã ngưng xuống giống. Với nguồn nước hiện tại, diện tích lúa đông xuân cơ bản sẽ đảm bảo an toàn 100%.

KHẨN TRƯƠNG TRIỂN KHAI CÁC CÔNG TRÌNH NGĂN MẶN

Trong những ngày qua, mặn xâm nhập sâu lên đến khu vực xã Bình Đức (huyện Châu Thành) đe dọa nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở các huyện phía Tây. Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) giảm xả nước xuống hạ du từ ngày 5 đến ngày 24-1-2021 với lưu lượng giảm khoảng 50% so với thời gian trước. Việc giảm lượng nước xả thủy điện ở thượng nguồn sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong đầu tháng 2-2021. Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, trong tháng 2-2021 có 2 thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn (từ ngày 8 đến 16-2 và từ ngày 24 đến ngày 28-2).

Trước tình hình trên, theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) Nguyễn Thiện Pháp, ngành Nông nghiệp sẽ quan trắc diễn biến xâm nhập mặn và thông báo thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động sản xuất. Đồng thời, củng cố hệ thống đê bao ngăn lũ, ngăn triều cường có sẵn; tuyên truyền, vận động người dân tích cực tích trữ nước tối đa trong ao, mương, vườn… để chủ động ứng phó xâm nhập mặn. Đặc biệt, tỉnh đang khẩn trương triển khai các công trình ngăn mặn, trữ ngọt để phục vụ sản xuất.

Đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành sẽ hợp long vào trước Tết Nguyên đán 2021.
Đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành sẽ hợp long vào trước Tết Nguyên đán 2021.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ưng Hồng Nghi, hiện xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 đã ảnh hưởng trực tiếp đến 2 nhà máy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Độ mặn đo được vào sáng ngày 27-1 tại TP. Mỹ Tho là 1,73 g/l và ở cống Xoài Hột là 1,03 g/l, vượt ngưỡng cho phép về nước sinh hoạt.

Trước tình hình trên, ngày 28-1, UBND tỉnh quyết định triển khai đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành và 7 đập thép khác trên các tuyến kinh, rạch gồm: Ông Hổ, cầu Sao, rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà, Ông Mười để đảm bảo tính đồng bộ và bảo vệ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, trong đó, tỉnh Tiền Giang có khoảng 800 ngàn dân. Đồng thời, bảo vệ cho khoảng 128 ngàn ha sản xuất nông nghiệp, trong đó Tiền Giang khoảng 108 ngàn ha, Long An khoảng 20 ngàn ha. Việc triển khai đắp các đập thép nhằm đảm bảo ngăn mặn lấn vào nội đồng của Dự án Bảo Định và vùng phía Tây của tỉnh.

Theo Sở NN&PTNT, dự báo mặn từ sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) sẽ ảnh hưởng đến khu vực cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) với độ mặn cao nhất khoảng 2 g/l. Để bảo vệ sản xuất cho khu vực này, ngành Nông nghiệp đang khẩn trương triển khai đắp các đập ngăn mặn trữ ngọt xung quanh cù lao Ngũ Hiệp và kể cả cù lao Tân Phong. Mặt khác, theo phương án đã được tỉnh ban hành, ngành Nông nghiệp cũng đang tiến hành khoan 6 giếng tại xã Ngũ Hiệp, 8 giếng tại xã Tân Phong, 2 giếng tại xã Tam Bình để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện một số giếng khoan này đã được triển khai thi công và sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2021.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.