Thứ Sáu, 15/01/2021, 10:51 (GMT+7)
.

"Tập kết" hàng hóa tết

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần cũng là thời điểm các đơn vị kinh doanh, trung tâm thương mại, các điểm phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bắt đầu “tập kết” hàng hóa chuẩn bị phục vụ cao điểm tiêu dùng cuối năm. Dù chưa thể đoán định sức mua mùa tết năm nay như thế nào do tác động của dịch bệnh và các yếu tố khác nhưng các đơn vị kinh doanh vẫn kỳ vọng thị trường sẽ “ấm” hơn.

SỨC MUA CÒN THẤP

Cũng như thông lệ hằng năm, đến thời điểm này, các đơn vị kinh doanh lớn bắt đầu chuẩn bị nguồn hàng, nhất là các đơn vị tham gia theo kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa được Sở Công thương triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Văn Võ, Giám đốc Co.opmart Cai Lậy cho biết, đến thời điểm hiện tại siêu thị chuẩn bị khoảng 70% kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết Nguyên đán 2021, thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Các đơn vị kinh doanh đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết.
Các đơn vị kinh doanh đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết.

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ còn thấp nên các đơn vị cũng hơi “nhát tay” trong dự trữ hàng hóa tết. Thực tế nguồn hàng cung ứng hiện nay rất dồi dào, đảm bảo đủ cung ứng khi vào cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo ông Nguyễn Văn Võ, tình hình chung là giá các mặt hàng phục vụ tết, nhất là nhu yếu phẩm sẽ không tăng mà còn có xu hướng giảm do các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện nhiều chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng. Riêng nhóm hàng nhu yếu phẩm hiện đã giảm giá từ 5% - 10%, một số nhóm hàng mức giá giảm có thể sâu hơn.

“Hiện nay cũng rất khó đánh giá sức mua của thị trường cận tết do tác động của nhiều yếu tố, nhất là dịch bệnh. Tuy nhiên, theo con số thống kê sơ bộ, sức mua hiện nay thấp hơn cùng kỳ từ 15% - 20% nên kế hoạch cung ứng hàng hóa tết của đơn vị kinh doanh cũng bị ảnh hưởng, trong đó có Co.opmart Cai Lậy. Nếu như năm trước đến thời điểm này, doanh số kinh doanh của Co.opmart Cai Lậy đạt xấp xỉ 40% thì năm nay mới chỉ đạt khoảng 27% kế hoạch hàng hóa phục vụ tết” - ông Nguyễn Văn Võ cho biết.

Tăng cường bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ

Để đảm bảo việc ổn định thị trường giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng đột biến về giá cả hàng hóa, dịch vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang vừa có công văn đề nghị Sở Công thương phối hợp với Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan nhằm tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tại các chợ, nơi mua bán tập trung; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá; có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là đối với các mặt hàng vũ khí, chất nổ, pháo, hàng hóa vi phạm môi trường, các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán như gia cầm, thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu, đặc biệt ở những khu vực địa bàn trọng yếu...

Nhận định về thị trường và khả năng cung ứng hàng hóa phục vụ tết năm nay, bà Phạm Đức Phương, Phó Giám đốc Co.opmart Mỹ Tho cho biết, hàng hóa phục vụ tết được tập kết về đơn vị đạt hơn 40% kế hoạch.

Thật ra, số lượng hàng hóa theo kế hoạch phục vụ tết năm nay đã được đơn vị chốt với các nhà cung ứng và chỉ chuyển về trong thời điểm thích hợp bởi kho chứa hàng cũng có giới hạn.

“Năm nay có điểm khác biệt là hầu hết các mặt hàng đến thời điểm này chưa có biến động gì đáng kể, riêng một số nhóm hàng phục vụ tết hiện đang giảm giá.

Đây là chương trình của các nhà cung ứng phối hợp với hệ thống Co.opmart thực hiện để giảm giá cho người tiêu dùng, tập trung nhiều vào nhóm hàng thực phẩm công nghệ. Khả năng nhiều nhóm hàng không tăng giá, mà các đơn vị cung ứng, kinh doanh còn chấp nhận giảm lãi thông qua giảm giá, khuyến mại để góp phần “kích” cho sức mua của thị trường tốt hơn. Mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố nhưng với việc thực hiện nhiều gói kích cầu, khuyến mại, Co.opmart Mỹ Tho hy vọng sức mua sẽ tăng khoảng 10% trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới” - bà Phạm Đức Phương cho biết.

Cũng đánh giá về thị trường hàng hóa năm nay, ông Huỳnh Kim Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Phường 1 cho biết, lượng hàng hóa dự trữ phục vụ tết theo kế hoạch hiện đạt trên 80%. Ông Tuấn cũng thông tin thêm, diễn biến thị trường cho thấy, nhóm các mặt hàng bình ổn giá hiện đang giữ giá, còn trên thị trường bên ngoài một số ít sản phẩm có dấu hiệu tăng, tập trung vào nhóm dầu ăn, đường các loại...

Hiện cũng chưa thể đưa ra bình luận về thị trường Tết Nguyên đán sắp tới, bởi thường đến khoảng từ mùng 10 đến 15 tháng Chạp (âm lịch) sức mua mới tăng, khi đó mới có thể đánh giá thị trường tương đối chính xác. Hiện các đơn vị phân phối chủ yếu “tập kết” hàng hóa để chuẩn bị phục vụ cho nhu cầu cuối năm.

TẬP TRUNG BÌNH ỔN GIÁ

Vào dịp cuối năm, nhất là gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thiết yếu của người tiêu dùng tăng khá cao. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao, kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa cũng được tính toán. Như thông lệ hằng năm, ngày 24-11-2020, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 325 về dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, với tổng trị giá vốn hơn 443 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu hơn 98 tỷ đồng (chủ yếu là gạo, đường, dầu ăn, bột nêm, thịt gia súc và gia cầm…).

Các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia thực hiện dự trữ, cung ứng hàng hóa sẽ được xem xét vay vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với ưu đãi về lãi suất (giảm từ 1,5% đến 2,5%/năm so với lãi suất thông thường) trong thời gian 4 tháng. Tổng số tiền các doanh nghiệp, HTX đề nghị vay hơn 32,3 tỷ đồng, thời gian ưu đãi kể từ ngày bắt đầu giải ngân nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Cũng tương tự như nhiều năm trước, Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay có 8 doanh nghiệp và HTX trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, bao gồm: HTX Thương mại - Dịch vụ Phường 1, HTX Vĩnh Kim, Co.opmart Mỹ Tho, Co.opmart Gò Công, Co.opmart Cai Lậy, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hữu Thành Phát và Chi nhánh Công ty TNHH EB Tân Phú tại Mỹ Tho (đặt tại Trung tâm Thương mại dịch vụ Go! Mỹ Tho).

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện các doanh nghiệp, HTX tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa tết năm nay đang chủ động “tập kết” hàng hóa để chờ cơ hội kinh doanh cuối năm. Theo đánh giá chung, hiện nay nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ tết sắp tới rất dồi dào, nên rất khó có khả năng thiếu hụt nguồn hàng, các đơn vị kinh doanh chỉ lo sức mua thấp do tác động của dịch bệnh và nhiều yếu tố khác.

Bình ổn giá, tránh khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến vào dịp cao điểm cuối năm luôn là mục tiêu hướng đến của tỉnh cũng như các sở, ngành và địa phương. Do vậy, vào dịp cuối năm, kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu được tập trung thực hiện nhằm tránh biến động giá và đảm bảo được nhu cầu mua sắm của người dân.

Ngoài triển khai kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa, chương trình bán hàng bình ổn giá cũng sẽ được các đơn vị kinh doanh, sở, ngành, địa phương phối hợp triển khai, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn như: Gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt, thịt gia súc, thịt gia cầm… Đây cũng là một trong những chương trình nhằm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đã phát huy hiệu quả qua nhiều năm triển khai thực hiện.

T.T

.
.
.