Thứ Hai, 22/03/2021, 10:31 (GMT+7)
.
MÙA KHÔ NĂM 2021:

Đỡ lo thiếu nước ngọt

Nhờ chủ động triển khai các giải pháp và tình hình hạn, mặn không gay gắt như năm 2020, đến thời điểm này, việc cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất cho các huyện, thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang cơ bản được đảm bảo.

Khác với mùa khô năm trước, thời điểm hiện tại nước trong các tuyến kinh nội đồng vùng Ngọt hóa Gò Công vẫn còn khá nhiều, nên người dân trong vùng cũng đỡ lo hơn.

KHÔNG CĂNG THẲNG

Thời điểm này của đúng một năm trước, trên nhiều tuyến đường, đâu đâu người ta cũng có thể bắt gặp cảnh người dân mang thùng, can nhựa đến các điểm lấy nước công cộng để mang những giọt nước “quý hơn vàng” về sử dụng. Trong cái nắng đổ lửa vào cao điểm của hạn, mặn năm trước, những chuyến xe nghĩa tình cứ xuôi ngược chở nước ngọt cho người dân dường như đã hằn sâu trong ký ức khi chứng kiến cảnh nhiều người phải đứng chờ tại điểm “tập kết” để nhận nước ngọt.

Tuyến kinh Trần Văn Dõng hiện còn khá nhiều nước (Ảnh chụp ngày 16-3).
Tuyến kinh Trần Văn Dõng hiện còn khá nhiều nước (Ảnh chụp ngày 16-3).

Đó là câu chuyện khó quên trong những ngày tháng mà người dân khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang phải chật vật với nước sinh hoạt và cả nước sản xuất nông nghiệp. Câu chuyện nước sinh hoạt năm nay đã khác. Ghi nhận thực tế những ngày qua ở khu vực trọng điểm phía Đông nhìn chung, nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn, mặn vẫn đang được đảm bảo.

Chúng tôi trở lại vùng Ngọt hóa Gò Công vào những ngày giữa tháng 3 trong cái nắng như đổ lửa. Hướng thẳng về khu vực giáp biển thuộc các xã Tân Điền, Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông), nhiều vườn rau màu, hoa trái vẫn đang phủ một màu xanh tươi tốt. Những ngày trung tuần tháng 3, bước vào đợt triều cường kết hợp với gió chướng nên cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) gặp khó trong việc lấy nước ngọt bổ cấp cho vùng Ngọt hóa Gò Công. Điều này dẫn đến mực nước ở các kinh, rạch nội đồng trong vùng dự án xuống thấp, nhưng dường như chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như nước sinh hoạt của người dân.

Dấu hiệu dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về nguồn nước của năm nay là đến thời điểm hiện nay tuyến kinh Trần Văn Dõng, một trong những tuyến kinh cung cấp nguồn nước chính cho khu vực các xã Tân Điền, Kiểng Phước… vẫn còn đầy ắp nước. Bởi cùng thời điểm này của năm trước, tuyến kinh này đã trơ đáy, người dân phải chắt nước cho mảnh ruộng của mình.

Sinh sống ở khu vực giáp biển, anh Nguyễn Thanh Liêm (ấp Xóm Chủ, xã Kiểng Phước) chia sẻ, nhà nằm xa đường ống chính nên gia đình anh chưa có nước máy để sử dụng. Do đó, nguồn nước sinh hoạt hằng ngày chủ yếu phụ thuộc vào việc dự trữ trong các lu, ao và kinh. Khác với năm trước, nguồn nước ở các ao, kinh đến nay vẫn còn nên gia đình anh chưa thiếu nước sinh hoạt.

Nước ngọt vẫn đủ cho người dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông tưới hoa màu. Ảnh: THÁI THIỆN
Nước ngọt vẫn đủ cho người dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông tưới hoa màu (ảnh chụp ngày 16-3). Ảnh: T. THIỆN

Có thể nói, so với các huyện, thị khác, câu chuyện nước sinh hoạt, sản xuất luôn là vấn đề nóng đối với người dân các huyện, thị phía Đông, nhất là đối với các xã cuối nguồn của huyện Gò Công Đông. Để góp phần giảm áp lực nước sinh hoạt cho người dân khu vực này, theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, theo kế hoạch, mùa khô năm 2020 - 2021 huyện sẽ mở 60 vòi nước công cộng và hiện đã mở 36 vòi tại các xã gồm: Kiểng Phước, Tân Điền, Tân Tây, Tân Phước, Phước Trung, Tân Thành và Tăng Hòa. Khối lượng nước tiêu thụ tính đến ngày 15-3 là 1.677 m3.

ĐẢM BẢO NƯỚC SINH HOẠT

Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân khu vực phía Đông của tỉnh, nhiều giải pháp đã được tỉnh cũng như các ngành và địa phương tập trung thực hiện. Theo Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, từ đầu mùa khô đến nay, tình hình cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các huyện, thị phía Đông của tỉnh vẫn ổn định về lưu lượng và chất lượng. Chỉ có một vài điểm nằm ở cuối mạng lưới đường ống phân phối tại khu vực huyện Tân Phú Đông xảy ra tình trạng nước yếu cục bộ.

Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao nên nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm và trạm tăng áp Chợ Gạo chuyển tải về có áp lực nước giảm. Trước mắt, công ty đã tăng cường điều tiết để đảm bảo đủ lượng nước cung cấp tại những điểm nước yếu cục bộ. Đồng thời, công ty cũng có kế hoạch đầu tư mở rộng, cải tạo, nâng cấp các tuyến ống phân phối trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân trong cao điểm hạn, mặn gay gắt sắp tới cũng như về lâu dài.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang Huỳnh Công Dũng, đến nay, đơn vị đã triển khai thi công các công trình cấp nước phục vụ phòng, chống hạn, mặn đúng theo kế hoạch dự kiến để đưa nước ngọt về các điểm trọng yếu thiếu nước ngọt trên mạng lưới đường ống của công ty quản lý.

Cụ thể, công ty đã hoàn chỉnh hồ sơ và các thủ tục đấu thầu để lựa chọn nhà thầu khoan 3 giếng dự phòng tại xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo; lắp đặt thêm 1 máy bơm cấp 1 tại Nhà máy nước Bình Đức để tăng công suất bơm nước thô; đang lập hồ sơ thiết kế các tuyến ống để cấp nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm vào Trạm cấp nước Phước Trung 2 để cung cấp cho khu vực trên địa bàn xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông…

Người dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông chăm sóc hoa màu.
Người dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông chăm sóc hoa màu.

Bên cạnh đó, công ty đã kịp thời trang bị các thiết bị cấp nước và lắp đặt các vòi nước công cộng miễn phí cho người dân lấy nước. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương phía Đông của tỉnh để mở thêm các vòi nước công cộng theo yêu cầu. Đồng thời, cho hoạt động lại các trạm cấp nước dự phòng trước Tết Nguyên đán 2021 tại khu vực huyện Gò Công Tây, TX. Gò Công, huyện Tân Phú Đông.

Diễn biến hạn, mặn trong thời gian tới sẽ càng phức tạp, nhu cầu sử dụng nước của người dân khu vực phía Đông dự báo ngày càng tăng. Trước tình hình đó, theo đồng chí Huỳnh Công Dũng, công ty đã tích cực, khẩn trương làm việc với Công ty Điện lực Tiền Giang về khả năng cung cấp điện liên tục, ưu tiên cho các trạm cấp nước của công ty trong mùa hạn, mặn.

Mặt khác, đơn vị cũng chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị dự phòng, tiến hành duy tu, bảo dưỡng, bảo trì các công trình cấp nước, tránh không để xảy ra sự cố bị động, bất ngờ; tổ chức nhân sự kỹ thuật, chuyên môn trực, theo dõi tình hình hạn, mặn. Ngoài ra, khi nguồn nước trên sông Tiền bị nhiễm mặn cao, Nhà máy nước Đồng Tâm và Nhà máy nước Bình Đức sẽ phát huy được hiệu quả từ đập ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành và các giếng khoan dự phòng tại 2 nhà máy để có lượng nước đảm bảo cung cấp cho nhân dân trong mùa khô.

A. PHƯƠNG - T. ĐẠT

.
.
.