Thứ Hai, 26/04/2021, 10:26 (GMT+7)
.

Bán đất mặt ruộng: Lợi trước mắt, hại lâu dài

Những cánh đồng lúa biến thành những công trường. Tiếng kobe, xe ben hoạt động rầm rộ ngày đêm. Việc khai thác đất mặt ruộng tưởng chừng là hoạt động thường niên ở vùng Ngọt hóa Gò Công khi mùa khô đến, nhưng… điều này tiềm ẩn nhiều hệ lụy.  

Những ngày qua, những cánh đồng lúa ở khu vực Ngọt hóa Gò Công đang trở thành công trường, bởi xe ủi, kobe, xe ben ngày đêm hoạt động.

KHAI THÁC Ồ ẠT

Những ngày đầu tháng 4-2021, chúng tôi về vùng Ngọt hóa Gò Công trong cái nắng gay gắt. Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, các cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ, đất nứt nẻ. Đây cũng là cao điểm của mùa khai thác đất mặt ruộng ở các huyện, thị phía Đông.

Hoạt động khai thác đất mặt ruộng tại các huyện, thị phía Đông diễn ra rầm rộ trong thời gian qua.
Hoạt động khai thác đất mặt ruộng tại các huyện, thị phía Đông diễn ra rầm rộ trong thời gian qua.

Tại ấp Hòa Thạnh, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, có gần một chục xe ben xếp hàng chờ đến lượt để lấy đất. Nơi đây trở thành một công trường “xẻ thịt” đất mặt ruộng. Xuôi về cuối nguồn Dự án Ngọt hóa Gò Công, dọc theo đường tỉnh 871B có rất nhiều phương tiện từ xe ben cho đến xe máy cày thay nhau ngược xuôi chở đất. Dọc 2 bên đường, những đống đất vun đầy vừa được mang đến đổ để phục vụ việc san lấp mặt bằng. Đặc biệt, tại khu vực xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông trở thành “đại công trường” khai thác đất mặt ruộng. Hàng chục kobe, hàng trăm xe ben, xe máy cày hì hục ngày đêm “xẻ thịt” lớp đất mặt ruộng.

Theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, lực lượng Thanh tra giao thông đã kiểm tra và xử lý 94 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ tại khu vực phía Đông (TX. Gò Công, huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và Tân Phú Đông) chủ yếu liên quan đến việc vận chuyển, khai thác đất. Tổng số tiền xử phạt hơn 393 triệu đồng.
Trong đó, trên địa bàn huyện Gò Công Tây, từ đầu năm đến nay, Đội 3 -
Thanh tra giao thông tỉnh đã xử lý 22 vụ trong khai thác vận chuyển đất với tổng số tiền hơn 141 triệu đồng.

Những năm gần đây, nguồn cát để san lấp mặt bằng ngày càng khan hiếm do các địa phương siết chặt việc khai thác cát. Do đó, nhiều người đã dùng đất để san lấp mặt bằng. Thời điểm này, đang bước vào cao điểm của mùa xây dựng nên nhu cầu san lấp mặt bằng tăng cao, do đó việc khai thác đất mặt để phục vụ việc san lấp cũng diễn ra rầm rộ.

Nếu như khoảng chục năm trước, người dân các huyện, thị phía Đông chủ yếu cho đất mặt ruộng thì giờ đây đất không còn là thứ miễn phí nữa. Theo tìm hiểu, để được khai thác đất, người có nhu cầu phải trả tiền cho chủ ruộng tùy theo thỏa thuận. Đất sau khi lấy đi sẽ được phục vụ cho việc san lấp hoặc bán lại cho người có nhu cầu với mức giá khá cao. Do đó, nhiều người dân đã vô tình bán đi lớp phù sa màu mỡ nhất để lại những hệ lụy cho những vụ mùa sau.

Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh cho biết, việc người dân khai thác đất mặt ruộng trên địa bàn diễn ra trong nhiều năm nay do nhu cầu san lấp các công trình, nhà ở. Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, tỷ lệ đô thị hóa càng cao, nguồn cát để san lấp mặt bằng không đảm bảo do việc khai thác cát trên thượng nguồn hiện đang rất khó khăn.

Việc ồ ạt khai thác đất mặt ruộng cũng gây ra nhiều vấn đề liên quan đến môi trường. Nhiều phương tiện vận chuyển đất không đậy bạt dẫn đến đất rơi vãi xuống đường gây bụi bẩn. Chưa kể, những chiếc xe máy cày không đảm bảo an toàn cũng vô tư lưu thông trên đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Anh Trần Bình Tân (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) cho biết, hiện nhu cầu đất để san lấp rất cao, do đó các “cò mối” đã đánh vào kinh tế của nông dân để thu mua. Những ngày qua, hoạt động khai thác đất mặt diễn ra rầm rộ. Một số hộ dân bán đất mặt ruộng gián tiếp ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, buộc các hộ này phải bán đất mặt ruộng theo. Trong quá trình vận chuyển đất, các xe sẽ tranh “tài”, tốc độ, tải trọng không kiểm soát được.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông, tiếng ồn. Các phương tiện chở đất chạy ngày, chạy đêm, đất rơi xuống ảnh hưởng đến an toàn của người đi đường. “Nhóm nông dân chúng tôi thấy hậu quả quá lớn khi bán lớp đất mặt ruộng nên mới tập hợp và kiến nghị với chính quyền địa phương. Chính quyền xã đã hỗ trợ chúng tôi can thiệp các hộ dân bán đất mặt ruộng. Do đó, hiện xã Kiểng Phước đã quản lý tốt việc bán đất mặt ruộng” - anh Tân cho biết thêm.

NHIỀU HỆ LỤY

Theo các nhà khoa học, lớp đất mặt trong canh tác lúa có vai trò quan trọng, bởi cung cấp nhiều khoáng chất cần thiết, giữ nước và làm nền cho cây lúa phát triển. Việc bán lớp đất mặt khiến năng suất những vụ lúa tiếp theo thường không cao, dễ bị đổ ngã, phải dùng nhiều phân bón nên chi phí cuối vụ cao hơn so với trước.

Gắn bó gần như cả cuộc đời với ruộng lúa, ông Lê Tấn Hùng (xã Thành Công, huyện Gò Công Tây) chia sẻ: “Ở nơi tôi sống, có hộ dân cho lấy hết lớp đất mặt ruộng nên gieo sạ vụ sau lúa không tốt. Theo tôi, muốn cho hay bán đất mặt ruộng thì nên gạn lớp đất mặt để ở một nơi và cho lấy lớp đất bên dưới, sau đó phả lớp đất mặt lại. Như vậy, đất mới giữ được màu mỡ”.

Theo Phó GS.TS Châu Minh Khôi, Phó Trưởng khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ, đất mặt ruộng là tầng canh tác được hình thành trong thời gian rất dài. Đặc tính của đất mặt ruộng là có hàm lượng chất hữu cơ cao. Nếu chúng ta khai thác lớp đất mặt ruộng thì coi như đã lấy đi tầng có chất hữu cơ cao, tầng còn lại hàm lượng sét rất cao. Do đó, khi mất tầng canh tác, cây trồng sẽ thiếu chất dinh dưỡng. Tầng bên dưới nén chặt hơn nên việc cày xới sẽ tốn nhiều công lao động, phân bón hơn và mất nhiều thời gian để khôi phục lại.

Có thể nói, ngoài những hệ lụy liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, việc người dân tự thỏa thuận mua bán đất mặt ruộng cũng dẫn đến việc thất thoát ngân sách nhà nước. Hầu như hiện nay, có rất ít trường hợp đóng thuế liên quan đến việc mua bán đất mặt ruộng, vì đây cũng là một loại tài nguyên.

Theo đồng chí Giản Bá Huỳnh, căn cứ quyết định của UBND tỉnh về tính thuế đối với tài nguyên, những năm qua, địa phương thu thuế từ việc khai thác đất mặt ruộng rất khó khăn, gây thất thu thuế. Trong năm 2021, TX. Gò Công đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các xã, phường rà soát danh sách các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, san lấp. Trên cơ sở đó, thị xã sẽ có thống kê và mời các tổ chức, cá nhân đến để đánh giá việc khai thác đất theo quy định. Hiện TX. Gò Công đang xây dựng kế hoạch để thu thuế đối với hoạt động khai thác đất mặt. Theo tính toán, 1 m3 đất, thị xã sẽ dự định thu khoảng 7.000 đồng. Điều này sẽ hạn chế việc khai thác đất ở một số vùng gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Liên quan đến việc khai thác đất mặt ruộng, phóng viên Báo Ấp Bắc đã liên hệ với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường để tìm hiểu về hoạt động khai thác này có đúng quy định pháp luật hay không? Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát và sẽ có thông tin phản hồi.

ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT

.
.
.