Thứ Hai, 24/05/2021, 15:32 (GMT+7)
.

Lãi suất liên ngân hàng tăng cao

 

a
Một số ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản cục bộ. Ảnh: NGUYỆT ANH

Thị trường liên ngân hàng (NH) là nơi các NH vay và cho vay lẫn nhau, lãi suất thấp chứng tỏ hệ thống NH dư vốn và ngược lại. Vừa qua, lãi suất liên NH bất ngờ tăng cao, lên mức 1,41%/năm, có ý kiến cho rằng, điều này phản ánh tình trạng các NH nhỏ bắt đầu thiếu vốn. Song, theo các chuyên gia kinh tế, việc lãi suất liên NH tăng chỉ do sự thiếu thanh khoản cục bộ ở một số NH nhỏ, trong khi thanh khoản toàn hệ thống vẫn khá dồi dào.

Trước đây, khi một số NH nhỏ thiếu vốn, thị trường này từng chứng kiến mức lãi suất liên NH lên tới 24%/năm. Tuy nhiên, tình hình trên đã có những thay đổi khi giữa năm 2012, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành Thông tư số 19/2012/TT-NHNN quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài có hiệu lực từ ngày 11-6-2012. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng là 2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới 12 tháng là 9%/năm… Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Từ ngày 29-4-2021 đến 7-5-2021, lãi suất liên NH đã liên tục có diễn biến tăng ở các kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần, với mức tăng lần lượt 0,31%/năm, 0,23%/năm và 0,21%/năm, lên tương ứng là 1,21%/năm, 1,35%/năm và 1,41%/năm. Như vậy, lãi suất liên NH của ba kỳ hạn này đã vượt lên trên mức trung bình tính từ đầu năm 2021 và cao hơn mức trung bình trong năm 2020 (dưới 1,15%/năm). Đây cũng là mức cao nhất kể từ nửa cuối tháng 2-2021 tới nay.

Sau khi duy trì ở mức thấp, lãi suất liên NH đột ngột tăng mạnh trong nửa cuối tháng 4 và tiếp tục tăng trong hai tuần đầu tháng 5. Việc lãi suất liên NH bật tăng mạnh trong thời gian gần đây không khỏi khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, Giám đốc Khối Quản trị Tài chính và Nguồn vốn của SCB Trịnh Thị Thanh cho rằng, lãi suất liên NH tăng chỉ mang tính thời điểm, hiện lãi suất đã bắt đầu giảm nhiệt, nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại.

Mặt khác, lãi suất liên NH tăng trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh hơn huy động và các NH tăng cường mua trái phiếu Chính phủ (TPCP), nhiều khả năng khiến thanh khoản căng thẳng cục bộ, dẫn đến lãi suất liên NH tăng. Tính tới ngày 16-4-2021, dư nợ tín dụng đạt mức tăng 3,34% so cuối năm 2020, cao hơn nhiều so mức tăng 1,41% vào cuối tháng 4-2020. Mặt khác, huy động vốn có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn tín dụng, khi tính tới ngày 19-3-2021, tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 0,54%, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 1,47%.

Theo báo cáo của NHNN, tuần từ ngày 3 đến 7-5, doanh số giao dịch trên thị trường liên NH bằng VND đạt xấp xỉ 569.617 tỷ đồng. Chia bình quân mỗi phiên đạt 113.923 tỷ đồng/ngày, tương đương tăng 14.072 tỷ đồng/ngày so tuần cuối cùng của tháng 4. Bên cạnh đó, giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong kỳ đạt khoảng 165.997 tỷ đồng, bình quân 33.199 tỷ đồng/ngày, tăng 854 tỷ đồng/ngày so tuần liền trước. Như vậy, bình quân mỗi ngày các tổ chức tín dụng vay mượn nhau tới hơn 147.000 tỷ đồng, tăng gần 15.000 tỷ đồng mỗi ngày, tương đương tăng 14% so tuần trước đó. Thậm chí, nếu so quãng thời gian cùng kỳ năm ngoái, giá trị bình quân mỗi phiên đã tăng gấp đôi.

Trong kế hoạch phát hành của Kho bạc Nhà nước (KBNN) Việt Nam, đơn vị này dự kiến phát hành 100.000 tỷ đồng TPCP trong quý II - 2021 và hiện hoàn thành được 26,3%. Như vậy, trong các tháng đầu năm, KBNN phát hành thành công 65.507 tỷ đồng TPCP, tương ứng 18,72% kế hoạch năm 2021.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thành viên tham gia đấu thầu TPCP chủ yếu vẫn là các NH, bởi đây là giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao và rủi ro bằng 0. Việc các NH tăng cường mua TPCP nhiều khả năng khiến thanh khoản căng thẳng cục bộ, dẫn đến lãi suất liên NH tăng trong thời gian qua.

Với quan điểm, cầu vốn tăng mạnh trong khi mức tăng cung vốn thấp hơn, không đáp ứng nhu cầu, nhiều khả năng đã tạo áp lực lên diễn biến của lãi suất liên NH. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, có thể các NH đang thiếu vốn do mạnh tay cho vay hơn bởi lạc quan trước tình hình thị trường. Bên cạnh đó, các NH cũng chủ động cho vay ngay từ những tháng đầu năm, chứ không để đến nửa cuối năm mới đẩy mạnh như nhiều năm trước. Tuy nhiên, tình hình huy động lại không song hành thực tế cho vay, nên đã có những khó khăn nhất định về thanh khoản. Thiếu thanh khoản thường là các NH nhỏ, do vậy, các NH này tập trung vay vốn trên thị trường liên NH, khiến lãi suất tăng mạnh.

Thực tế, diễn biến tăng chủ yếu ở nhóm NH có vốn hóa nhỏ (dưới 5.000 tỷ đồng). Trong khi đó, lãi suất ở nhóm NH vốn hóa lớn (trên 5.000 tỷ đồng) chỉ tăng 0,01% với kỳ hạn 12 tháng và giảm 0,005% với kỳ hạn 6 tháng...

Diễn biến này càng củng cố thêm cho nhận định, việc lãi suất liên NH tăng chỉ do sự thiếu thanh khoản cục bộ ở một số NH nhỏ, trong khi thanh khoản của toàn hệ thống vẫn khá dồi dào. Mặt khác, do đợt dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, cầu tín dụng dự kiến sẽ bị kéo xuống. Đồng thời, kể từ đầu năm 2021, NHNN chính thức chuyển sang phương thức mua ngoại tệ có kỳ hạn 6 tháng, nếu không có thay đổi lớn, những khoản tiền đầu tiên sẽ đổ về các NHTM tại thời điểm đầu tháng 7 tới đây.

Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, lãi suất liên NH sẽ ổn định trở lại. Trong trường hợp nhu cầu tín dụng tăng thấp quá, NHNN nhiều khả năng còn phải hút bớt tiền về thông qua các công cụ điều hành, chỉ để một lượng vừa đủ nhằm tránh áp lực lạm phát.

Theo nhandan.com.vn

 

.
.
.