Thứ Hai, 21/06/2021, 10:13 (GMT+7)
.

Tạo bước chuyển cho nông nghiệp

Một trong những khâu đột phá được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, là tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực, trong đó nông nghiệp được xác định là trụ đỡ quan trọng.

Tiền Giang cũng đã xác định 7 chủng loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu gồm: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo và sơ ri Gò Công…

BƯỚC TIẾN

Hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung được xem là một trong những điểm son của ngành Nông nghiệp trong chặng đường đã qua. Đó là tiền đề quan trọng để hướng đến sản xuất lớn, chú trọng vào chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Giờ đây, nhắc đến cây ăn trái không chỉ là huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, mà còn lan rộng ở huyện Tân Phước, huyện Chợ Gạo và cả khu vực phía Đông của tỉnh.

Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp là cách tiếp cận mới của ngành Nông nghiệp.
Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp là cách tiếp cận mới của ngành Nông nghiệp.

Trong chặng đường chuyển đổi này, chúng tôi ấn tượng hơn với huyện Tân Phước; bởi nơi đây một thời gian dài là “rốn lũ, rốn phèn”, mà nay được thay bằng một màu xanh bạt ngàn của cây ăn trái. Chỉ một thời gian ngắn vùng đất này đã có nhiều đổi thay, chẳng hạn như xã Tân Hòa Đông. Tân Hòa Đông hôm nay được khoác lên mình màu xanh tươi mới của cây ăn trái, với nhiều gương nông dân bám đất, vượt khó vươn lên làm giàu.

Trải qua bao thăng trầm, đến nay nhiều hộ dân đã tích lũy được diện tích canh tác khá lớn, nhất là từ khi chuyển đổi sang cây ăn trái. Đó là ông Nguyễn Văn Phước có 30 ha, ông Hồ Văn Đờn trên 20 ha, ông Trần Văn Lữ 10 ha, ông Phạm Văn Đực 8 ha, ông Trần Văn Thích hơn 6 ha… Sau nhiều năm gắn bó với cây khóm, ông Trần Văn Thích là một trong những người đầu tiên chuyển sang trồng cây thanh long cách đây 5 năm. Mấy mươi năm gắn bó với vùng đất chua phèn này, dù có khắc nghiệt nhưng đất đã không phụ người. Giờ đây, thành quả mang về là thanh long cho mức thu nhập cao gấp 5 lần so với trồng khóm.

Bên căn nhà đang được xây dựng với kinh phí tương đối lớn, cạnh vườn thanh long trĩu quả, ông Trần Văn Thích nói rằng cuộc sống người dân ở đây đã bước sang trang mới. Đó cũng là lý do vì sao chỉ trong thời gian ngắn, sau khi tập trung triển khai thực hiện Đề án Phát triển cây thanh long của tỉnh, tổng diện tích thanh long của huyện Tân Phước đã hướng đến con số 1.000 ha.

Khi đề cập đến vùng chuyên canh cây ăn trái, huyện Chợ Gạo cũng được nhắc đến, bởi là một trong những địa phương có vùng chuyên canh thanh long lớn của tỉnh. Thực tế cho thấy, triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, Huyện ủy Chợ Gạo đã ban hành Nghị quyết 03 về tiếp tục phát triển vùng sản xuất cây thanh long đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Kết quả cho thấy, huyện Chợ Gạo đã phát triển được khoảng 7.400 ha thanh long, trong đó có gần 2.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Chưa kể, việc gắn kết sản xuất, tiêu thụ thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, hệ thống các điểm thu mua từng bước được thực hiện. Kinh tế nông nghiệp từ việc xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái cho thấy, lợi nhuận thu được của người dân Chợ Gạo thông qua trồng thanh long ruột đỏ từ 500 - 600 triệu đồng/ha/năm, thanh long ruột trắng 300 - 400 triệu đồng/ha/năm và cao hơn gấp 10 lần so với trồng lúa.

Theo đánh giá từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), những năm qua lĩnh vực trồng trọt có sự chuyển dịch tích cực, diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả hoặc đất lúa đan xen trong vùng cây ăn trái đã chuyển dần sang cây trồng khác thích nghi, hình thành và phát triển vùng chuyên canh các loại rau quả chủ lực của tỉnh, phù hợp từng vùng sinh thái.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Tiền Giang đã có 17.843 ha đất lúa chuyển sang cây trồng khác thích nghi, trong đó chuyển sang trồng màu chuyên canh 2.625 ha, trồng cây ăn trái 15.218 ha. Thống kê của Sở NN-PTNT cũng cho thấy, hiệu quả trồng rau chuyên canh cao gấp 2,2 - 10,5 lần so với lúa, trồng cây ăn trái cao gấp 2 - 16,4 lần so với lúa. Bên cạnh đó, diện tích, năng suất và chất lượng sản phẩm trồng trọt cũng được tăng lên, giúp gia tăng hiệu quả kinh tế, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

CHUYỂN ĐỔI TƯ DUY

Đánh giá trên bình diện tổng thể, dù có nhiều chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp nói chung, các loại cây ăn trái chủ lực nói riêng nhưng vẫn còn nhiều việc phảỉ làm. Đây cũng là bức tranh chung của nền nông nghiệp cả nước. Vì lẽ đó, ngành Nông nghiệp cần chuyển đổi theo hướng tích cực hơn là điều cần thiết.

Chính từ thực tế này, làm việc với Bộ NN-PTNT gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị, ngành Nông nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang liên kết giá trị ngành hàng, chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, khởi tạo chuyển đổi số, chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị, từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra, quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu đi đôi với chú trọng phát triển thị trường nội địa.

Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp công nghệ nhảy vào nông nghiệp thông minh nhưng chưa có mô hình nào được phát huy rộng rãi tại Việt Nam. Có rất nhiều hướng phát triển nông nghiệp thông minh được đưa ra, nhưng có vẻ như chúng ta chưa thực sự chạm tới “long mạch” của nông nghiệp Việt Nam.

Nhìn từ thực tiễn vừa qua và xu hướng phát triển trong chặng đường tới, trong Kế hoạch ngành NN-PTNT giai đoạn 2021 - 2025, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Mẫn xác định, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, ngành sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo Quyết định 3320 ngày 31-10-2016 của UBND tỉnh; phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Ngành Nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với củng cố, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là ngành Nông nghiệp cũng sẽ tập trung đầu tư phát triển toàn diện ngành hàng trái cây (ngành hàng có lợi thế cạnh tranh cao); trong đó, chú trọng xây dựng vùng trồng chuyên canh, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất, chế biến tiêu thụ theo chuỗi liên kết; tăng cường mời gọi đầu tư chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng dự án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân áp dụng tiêu chuẩn GAP, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của từng vùng, thích ứng biến đổi khí hậu…

Chuyển đổi số trong nông nghiệp

Khi cách mạng 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ và tác động đến mọi hoạt động của đời sống thì nông dân cũng có thể ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán thị trường. Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng cho biết, với việc tổ chức kênh tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử, nông dân không chỉ có thêm kênh bán hàng mà qua đó có thể quảng bá tốt hơn sản phẩm của mình đến với các đối tác và người tiêu dùng. Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hỗ trợ các hộ nông dân để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là Postmart và Voso để giúp họ bán sản phẩm ra toàn quốc. Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng với cách này sẽ giúp nông dân có được thị trường lớn và bán được sản phẩm của họ với giá cao; đồng thời, người tiêu dùng cũng mua được sản phẩm có nguồn gốc và chất lượng rõ ràng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định năm 2021 là năm hành động mạnh hơn để chuyển đổi số quốc gia. Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng chọn nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số.

A.P

.
.
.