Thứ Bảy, 07/08/2021, 09:28 (GMT+7)
.

Nỗ lực kiểm soát, bình ổn thị trường trong thời gian giãn cách xã hội

Nhằm bình ổn thị trường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, GIÁM SÁT

Theo Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang Đỗ Văn Phước, những ngày qua, đơn vị đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình, theo dõi diễn biến giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là giám sát các cơ sở kinh doanh tuân thủ niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Lực lượng QLTT tỉnh cho cơ sở kinh doanh hàng hóa cam kết tuân thủ các quy định.
Lực lượng QLTT tỉnh cho cơ sở kinh doanh hàng hóa cam kết tuân thủ các quy định.

Trên cơ sở đó, các Đội QLTT trực thuộc Cục QLTT tỉnh đã tổ chức triển khai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại địa bàn quản lý. Nhờ sự chủ động, quyết liệt và bám sát địa bàn, đến nay Cục QLTT tỉnh chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Từ ngày 12-7 đến ngày 4-8, Cục QLTT tỉnh kiểm tra đột xuất 9 vụ, phát hiện vi phạm 7 vụ, xử lý 4 vụ, thu phạt 4,25 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm thiết yếu, thuốc tân dược, khẩu trang y tế, găng tay y tế và nước rửa tay sát khuẩn không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật, kinh doanh thịt heo không có dấu kiểm soát giết mổ…

Song song với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục QLTT tỉnh còn tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh về việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; không găm hàng, đầu cơ; đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm; tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19. Từ ngày 12-7 đến ngày 4-8, Cục QLTT tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp 215 lượt và cho 273 cơ sở kinh doanh ký cam kết (74 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 2 siêu thị Co.opmart, 197 cửa hàng kinh doanh tạp hóa, thực phẩm).

Thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, Cục QLTT tỉnh đã cử 34 công chức tham gia 4 Đội tuần tra kiểm soát và luân phiên tham gia trực 24/24 tại 12 chốt kiểm dịch.

Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngày 29-7, Cục QLTT tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các Đội QLTT phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng/Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố thành lập mỗi nơi 1 tổ công tác để thực hiện kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các chợ, cửa hàng Bách Hóa Xanh, Vinmart+, hộ kinh doanh.

Theo đồng chí Đỗ Văn Phước, hiện các Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh được phân công phụ trách các Đội QLTT quản lý địa bàn đã cùng các đội bám sát cơ sở để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong những ngày tới, lực lượng QLTT sẽ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để bình ổn thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, lực lượng QLTT sẽ tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các đơn vị cung ứng hàng hóa tuân thủ các quy định về kinh doanh hàng hóa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN

Ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, những ngày qua, Cục QLTT tỉnh còn phối hợp Sở Công thương tỉnh Tiền Giang tổ chức 3 “Gian hàng 0 đồng” tại các huyện Châu Thành, Tân Phước và Cái Bè. Mỗi “Gian hàng 0 đồng” có 200 phần quà, mỗi phần trị giá 300.000 đồng, tổng giá trị hàng hóa 180 triệu đồng. Trước tình hình dịch Covid-19 kéo dài như hiện nay, những phần quà này đã kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Cục QLTT tỉnh phối hợp Sở Công thương tổ chức Điểm bán hàng hóa thiết yếu tại huyện Tân Phú Đông.
Cục QLTT tỉnh phối hợp Sở Công thương tổ chức Điểm bán hàng hóa thiết yếu tại huyện Tân Phú Đông.

Song song với việc tổ chức các “Gian hàng 0 đồng”, Cục QLTT tỉnh còn phối hợp Sở Công thương tỉnh tổ chức 2 Điểm bán hàng hóa thiết yếu tại huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các mặt hàng được bày bán chủ yếu là gạo, mì gói, dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột ngột, các loại rau, củ, quả… Kết quả, có khoảng 1.300 lượt người mua, tổng giá trị hàng hóa bán ra khoảng 158 triệu đồng.

Theo đồng chí Đỗ Văn Phước, trong những ngày tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp Sở Công thương tổ chức Điểm bán hàng hóa thiết yếu tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh để phục vụ người dân. Qua đó, giúp người dân tiếp cận được những mặt hàng thiết yếu với giá bình ổn.

Theo quy định tại Luật Giá năm 2012, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có nghĩa vụ niêm yết giá tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định; mua, bán đúng giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, còn đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì không được mua, bán cao hơn giá niêm yết.

Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 109/2013 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 49/2016 của Chính phủ.

Cụ thể, trường hợp không thực hiện niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 - 2 triệu đồng đối với tổ chức. Trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm thì bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 - 6 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức khi có hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết, nếu không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.


Phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang

M. THÀNH

.
.
.