Thứ Tư, 22/09/2021, 09:18 (GMT+7)
.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn:

Giám sát chặt mã số vùng trồng nông sản

Tiền Giang là một trong các tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nổi bật nhất là cây ăn trái với diện tích trên 80 ngàn ha, sản lượng đạt hơn 1,5 triệu tấn/năm. Ở tỉnh đã hình thành vùng trồng tập trung với các loại cây đặc sản như: Xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè), sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), khóm Tân Lập (huyện Tân Phước), thanh long (huyện Chợ Gạo), vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành)… Đây là điều kiện và cơ hội sản xuất cây ăn trái phục vụ xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong hoạt động xuất khẩu, mã số vùng trồng đang là “giấy thông hành” để nông sản xuất ngoại.

* Phóng viên (PV): Thời gian qua, việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh được ngành Nông nghiệp triển khai như thế nào?

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang:

Ngay từ năm 2017, tỉnh Tiền Giang đã đăng ký và được cấp mã số vùng trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là cơ hội và cũng là tiền đề thúc đẩy phát triển ngành hàng trái cây xuất khẩu, mở đường cho việc xuất khẩu hàng hóa nông sản của tỉnh theo hướng an toàn, bền vững.

Sở NN&PTNT giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phối hợp với các địa phương rà soát và đề nghị Cục BVTV - Bộ NN&PTNT cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, mã số vùng trồng cây ăn trái đã được cấp 281 mã số với hơn 17.600 ha và 728 cơ sở được cấp mã số đóng gói. Trong đó, mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc là 127 mã số, với 6 chủng loại cây trồng gồm: Mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chuối, chôm chôm. Mã số vùng trồng được cấp sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, NewZealand là 154 mã số, với 4 chủng loại cây trồng gồm: Thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa.

Thời gian qua, công tác thiết lập đăng ký, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói luôn được tỉnh quan tâm. Từ cuối năm 2018, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II tập huấn TOT cho cán bộ quản lý cấp tỉnh, cán bộ kỹ thuật cấp huyện và đại diện các đoàn thể, một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây để thông tin cơ bản về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Trồng trọt và BVTV là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã được cấp để đề nghị Cục BVTV bổ sung, thu hồi hoặc hủy mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

* PV: Việc kiểm tra, giám sát các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói hiện có gặp khó khăn gì không, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn: Hiện tại, trong vùng cấp mã số vùng trồng có một số diện tích chuyển sang cây trồng mới hoặc trồng xen với các loại cây khác (chủ yếu là các mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc), do đó ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát, quản lý mã số vùng trồng. Mặt khác, sản lượng xuất khẩu tại nơi cấp mã số vùng trồng của các công ty chưa được phản hồi kịp thời đến địa phương.

Đối với công tác quản lý việc cấp mã số cơ sở đóng gói, hiện vẫn còn một số ít cơ sở thu mua, hộ sản xuất để lẫn lộn giữa sản phẩm đã được cấp mã số vùng trồng với bên ngoài vùng sản xuất gây khó khăn cho công tác kiểm tra chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc. Một số cơ sở đóng gói xuất khẩu sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp, nhưng thực tế không có hoạt động thu mua tại vùng trồng đã cấp.

Từ đó, dẫn đến việc quản lý nguồn nguyên liệu cũng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, hiện chưa có quy định ràng buộc hoặc xử phạt đối với các cơ sở đóng gói xuất khẩu sử dụng mã số vùng trồng không phù hợp với sản phẩm mua thực tế nên cũng gây khó khăn cho công tác quản lý.

Trong hoạt động xuất khẩu, mã số vùng trồng đang là “giấy thông hành” để nông sản xuất ngoại.
Trong hoạt động xuất khẩu, mã số vùng trồng đang là “giấy thông hành” để nông sản xuất ngoại.

* PV: Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp có giải pháp gì trong triển khai cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản?

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn: Trong thời gian tới, định hướng của ngành Nông nghiệp là sẽ mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhập khẩu và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến.

Trong đó, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát duy trì các diện tích cây ăn trái đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ trái cây xuất khẩu và các hộ sản xuất trong vùng trồng được cấp mã số về việc tuân thủ các biện pháp quản lý dịch hại, bao trái, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục tiến hành kiểm tra, rà soát các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã cấp trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT sẽ có báo cáo kết quả giám sát gửi Cục BVTV hủy mã số đối với vùng trồng đã chuyển sang cây trồng khác hoặc các mã số không còn hoạt động; thu hồi mã số đối với vùng trồng không tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về yêu cầu cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nếu không khắc phục các tiêu chuẩn đóng gói.

Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng nông sản, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho hộ sản xuất trong vùng được cấp mã số vùng trồng áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn; sản xuất theo hướng GAP tiến đến cấp giấy chứng nhận GAP. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mở rộng hoặc cấp mới mã số vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu chính ngạch.

M.THÀNH (thực hiện)

.
.
.