Thứ Bảy, 02/10/2021, 17:22 (GMT+7)
.

Huyện Gò Công Tây: Dồn sức phục hồi kinh tế

(ABO) Sau hơn 40 ngày không xảy ra ca mắc Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đang từng bước nới lỏng “vùng xanh” để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, UBND huyện đề ra nhiều giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2021.

TỪNG BƯỚC NỚI LỎNG "VÙNG XANH"

Từ khi xảy ra ca F0 đầu tiên trên địa bàn huyện Gò Công Tây vào ngày 6-7-2021 đến nay, huyện Gò Công Tây có 234 ca F0 phát hiện trên địa bàn huyện; trong đó có 15 F0 trong cộng đồng, số còn lại trong khu phong tỏa, khu cách ly tập trung. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp xuyên suốt của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, ấp, sự đồng thuận của người dân, từ ngày 17-8 đến nay, huyện đã không xảy ra ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Dù được đánh giá là huyện “vùng xanh” nhưng gần 1 tháng qua, lãnh đạo địa phương luôn trong tâm thế chủ động, phòng ngừa, lường trước mọi tình huống khi nới lỏng giãn cách, từ đó đề ra nhiều giải pháp để bảo vệ và mở rộng “vùng xanh” trong điều kiện tỷ lệ tiêm vắc xin cho người dân vẫn còn thấp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: "Lãnh đạo huyện nhận thức rõ trong một thời gian dài giãn cách xã hội rất dễ dẫn đến tâm lý người dân sẽ chủ quan, thoải mái khi nới lỏng giãn cách xã hội. Vì thế, việc chuẩn bị các phương án chi tiết, chặt chẽ để bảo vệ “vùng xanh” được lãnh đạo huyện đặt lên hàng đầu.

Nhờ tuyên truyền sâu rộng, linh hoạt với từng đối tượng cụ thể, người dân hiểu đúng, hiểu đủ, phối hợp tốt với cơ quan chức năng và chính quyền các cấp nên mới có kết quả như hôm nay. Chúng tôi vui mừng là hầu hết người dân huyện đều chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch và sẽ tiếp tục kiên trì biện pháp tuyên truyền trong điều kiện bình thường mới, từng bước nới lỏng “vùng xanh” để sớm phục hồi kinh tế".

Huyện Gò Công Tây kiểm tra chặt chẽ người dân ra vào địa phương nhằm bảo vệ Vùng xanh của huyện ạ (3)
Nhờ kiểm soát chặt chẽ người dân ra vào địa phương, huyện Gò Công Tây đã sớm trở thành  "vùng xanh" an toàn.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, huyện cũng cho mở lại các hoạt động dịch vụ, kinh doanh tuần tự và lần lượt nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch. Các phòng, ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp bảo vệ, mở rộng "vùng xanh" cấp huyện, cấp xã theo kế hoạch đã được phê duyệt; thực hiện nghiêm các biện pháp “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ...

Huyện rà soát các phương án phòng, chống dịch, rút kinh nghiệm thực tiễn, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, có kế hoạch cụ thể để chủ động phòng, chống dịch hiệu quả, nhất là tại các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, khu đông dân cư, chợ thích nghi với dịch bệnh trong mọi tình huống.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, xây dựng phương án phân phối vắc xin, ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông dân cư; tập trung phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe của người dân, tạo nền tảng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nỗ lực kích cầu hoạt động kinh doanh tối đa trong mọi điều kiện, hạn chế tối đa tác động đến kinh tế.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền, chủ động công khai thông tin chính xác, kịp thời, bảo đảm ổn định tâm lý, niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng lòng, chung tay cùng chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế.

NHIỀU GIẢI PHÁP PHỤC HỒI KINH TẾ

Những tháng qua, UBND huyện đã tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, UBND huyện xây dựng kế hoạch, đề ra nhiều giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, minh bạch; tập trung xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư vào các dự án trên địa bàn huyện, nhất là các dự án có tính lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) đầu tư vào các Cụm công nghiệp Long Bình, Vĩnh Hựu, Đồng Sơn, Nhà máy xử lý rác thải Bình Tân.

các doanh nghiệp trên địa bàn huyện sản xuất phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch
Các DN trên địa bàn huyện sản xuất phải đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Huyện tiếp tục củng cố, nâng chất hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác; thực hiện tốt việc hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; làm cầu nối liên kết với các DN, trung tâm thương mại, siêu thị nhằm tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của hợp tác xã, tổ hợp tác. Huyện triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch hành động của UBND tỉnh về tiếp tục lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển DN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Cùng với đó là thực hiện tốt chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Huyện tiếp tục tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để có thêm nguồn lực về vốn vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, góp phần phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

UBND huyện tạo mọi điều kiện để DN sớm phục hồi sản xuất
UBND huyện tạo mọi điều kiện để DN sớm phục hồi sản xuất.

Theo UBND huyện, thu ngân sách trong giai đoạn này cần thiết huy động từ “nguồn lực công”, nhất là nguồn thu từ đấu giá các tài sản công để có nguồn lực cho đầu tư phát triển, kể cả “ứng trước” năm sau để đầu tư trong điều kiện hiện nay là rất quan trọng. Đặc biệt, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn các công trình đầu tư công năm 2021, nhất là các công trình xây dựng huyện nông thôn mới.

Cụ thể, Phòng Tài chính Kế hoạch, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn tập trung kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là các khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng của các dự án trên địa bàn huyện, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình và giải ngân tốt nguồn vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công hằng năm, phấn đấu đến cuối năm giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao.

Đồng thời, theo dõi, đẩy mạnh thực hiện công tác nghiệm thu, thanh toán vốn với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm; đối với các công trình đã tạm ứng vốn, khi được bố trí phải hoàn ứng lại cho ngân sách nhà nước theo quy định. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, khẩn trương hoàn tất hồ sơ trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo đúng thời gian quy định để giải ngân hết số vốn được duyệt.

Đối với tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới, đến nay huyện đã đạt 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Đối với các tiêu chí mềm sau 3 tháng giãn cách xã hội, hiện nay huyện cũng đang củng cố lại cảnh quan môi trường. Đối với các tiêu chí cứng, hiện huyện tập trung quyết liệt cho việc xây dựng và hoàn thành từng tiêu chí, nhất là các tiêu chí gắn với các công trình xây dựng cơ bản. Ngay khi trở thành huyện "vùng xanh", các nhà thầu đã phối hợp chặt chẽ với huyện để vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình...


HOÀI THU

.
.
.