Thứ Hai, 01/11/2021, 11:57 (GMT+7)
.

Doanh nghiệp đối mặt khó khăn "kép" do giá xăng dầu tăng cao

Dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các loại hình vận tải đang được kết nối, doanh nghiệp vận tải chưa kịp vui thì việc giá xăng tăng kỷ lục trong nhiều năm qua khiến các doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó.

KHÔNG CHỈ DOANH NGHIỆP VẬN TẢI…

Hiện tại, giá xăng đã tăng gần 1.500 đồng/lít, trong đó giá xăng RON95-III tăng lên mức 24.338 đồng/lít. Theo tính toán của các chuyên gia, giá xăng dầu chiếm khoảng 30% - 40% chi phí của ngành Vận tải nên khi giá xăng, dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp.

Giá xăng dầu tăng không chỉ làm khó doanh nghiệp, mà còn cả người dân.
Giá xăng dầu tăng không chỉ làm khó doanh nghiệp, mà còn cả người dân.

Hoạt động trở lại sau thời gian dài xe “trùm mền” vì giãn cách xã hội, doanh nghiệp vận tải hành khách đang bắt đầu tìm cách phục hồi hoạt động. Đang đối mặt với nhiều khó khăn do thời gian dài ngưng hoạt động, giờ chỉ mới chuẩn bị hoạt động trở lại, các doanh nghiệp lại gặp khó khăn “kép”. Với 50 xe buýt chạy các tuyến nội tỉnh và các tuyến cố định đi TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ…, Công ty cổ phần Vận tải ô tô Tiền Giang đang gặp rất nhiều khó khăn trong ngày đầu hoạt động trở lại.

Ông Đỗ Thành Chung, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Tiền Giang cho biết, với việc hoạt động 50% công suất, mỗi xe cũng chỉ được phục vụ một nửa chỗ ngồi và đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch, giá vé hiện tại không đảm bảo chi phí cho các xe hoạt động. “Trong khi đó, các xe đã nằm trong bãi 5 tháng qua. Đã không có doanh thu nhưng các xe phải tốn chi phí duy tu, bảo dưỡng nếu muốn hoạt động trở lại.

Đồng thời, mỗi xe phải chịu các phí đăng kiểm, giao thông đường bộ, bảo hiểm… trong thời gian tạm dừng hoạt động. Tình trạng này kéo dài sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải hành khách khi muốn phục hồi” - ông Đỗ Thành Chung chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa cũng không kém “đau đầu” với bài toán vận chuyển. Anh Nguyễn Văn Vui, chủ bãi xe tải Bắc - Nam nằm trên Quốc lộ 1 (xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết, do dịch bệnh, xe tồn đọng nên giá cước chở hàng giảm nhưng chi phí xăng dầu lại tăng. Mỗi chuyến hàng khi ra khỏi bãi tốn gần 10 triệu đồng phí bốc xếp, thuê bãi, dịch vụ kiếm hàng… Giá nhiên liệu tăng mạnh khiến chi phí phát sinh thêm gần chục triệu đồng mỗi chuyến, tùy vào xe 3 trục hay 4 trục so với trước đây.

Không chỉ ngành Vận tải, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản cũng chị ảnh hưởng không nhỏ do xăng dầu tăng giá. Giám đốc Công ty TNHH MTV Rau củ quả Minh Long Lê Hữu Trang chia sẻ, trong đợt bùng phát dịch vừa qua, doanh nghiệp gần như kiệt quệ do phải gánh chi phí sản xuất “3 tại chỗ”, chi phí phòng, chống dịch, chi phí tăng lương giữ chân người lao động…Trong khi đó, doanh nghiệp chịu áp lực phải bình ổn giá đầu vào và đầu ra nông sản nên việc tăng giá xăng dầu hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

NGƯỜI DÂN BỊ TÁC ĐỘNG KHÔNG NHỎ

Có thể nói, nếu giá xăng dầu không được bình ổn trong thời gian tới sẽ kéo theo nhiều hệ quả, mà chịu ảnh hưởng nhiều nhất là người dân. Một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với 30 xe container cho biết, thời điểm này, chi phí cho 1 container mít xuất khẩu qua đến Trung Quốc xấp xỉ lên đến 100 triệu đồng gồm bốc xếp, bến bãi cửa khẩu, ăn uống,… và bây giờ thêm phí xăng dầu tăng. Dù vậy, doanh nghiệp vận tải hàng hóa chỉ ảnh hưởng 1 phần nhỏ, người dân mới chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Theo tính toán, bình quân nông dân phải gánh chi phí đó từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg.

Chưa kể việc tăng giá xăng dầu sẽ đẩy hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác tăng giá theo. Còn theo anh Lê Hữu Trang, việc tăng giá xăng dầu sẽ kéo theo hàng loạt giá cước vận chuyển tăng và chi phí này cũng sẽ được tính vào giá thành sản phẩm, với bình quân đội giá từ 1.000 - 1.500 đồng/kg hàng hóa tùy vị trí giao nhận hàng và người tiêu thụ sẽ gánh chịu”.

Còn đối với vận tải hành khách, ông Đỗ Thành Chung cho biết: “Chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 30% cơ cấu giá thành vận tải. Nhà nước hiện không quản lý giá cước vận tải mà để doanh nghiệp tự quyết định, không loại trừ khả năng khi giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp buộc tăng giá cước. Việc tăng giá trong thời điểm này chỉ khiến doanh nghiệp, người lao động, người tiêu dùng cùng chịu thiệt”.

Xăng dầu tăng giá trong thời điểm hiện tại ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển là điều không tránh khỏi. Thế nhưng, điều lo ngại nhất là hiệu ứng tăng giá dây chuyền tác động đến giá cả của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác và cuối cùng người dân phải gánh chịu.

HOÀNG LONG

.
.
Liên kết hữu ích
.