Thứ Tư, 15/12/2021, 10:35 (GMT+7)
.

Hồi sinh vùng đất "bưng sậy lên hoang"

Với nhiều người, vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM), trong đó có  huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang là nơi hoang hóa, với điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, hết phèn nặng đến ngập lụt, dân cư thưa thớt. Trong ký ức của nhiều thế hệ, vùng ĐTM còn được mệnh danh là “Thủ đô kháng chiến giữa bưng biền”. Hơn 70 năm về trước, đối với cán bộ và chiến sĩ ta, những tiếng “Về ĐTM” có ý nghĩa rất thiêng liêng như được đặt chân lên vùng “thánh địa cách mạng”.

Bức tranh hùng vĩ của chiến khu ĐTM trong cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh đã được thi sĩ Nguyễn Bính khắc họa: “Bảy trăm ngàn mẫu đất/ Sớt chia bốn tỉnh miền Nam/ Khăng khít biên thùy Chùa Tháp/ Nằm trong tay trái Cửu Long Giang/ Đồng Tháp Mười/ Đồng Tháp Mười/ Bao la bát ngát/ Bưng sậy lên hoang/ Mùa nắng đất khô cỏ cháy/ Mùa mưa nước ngập lan tràn/ Cò trắng ngàn năm bay chẳng dứt/ Chân trời bốn mặt rộng thênh thang…”.

ĐÁNH THỨC VÙNG ĐẤT PHÈN

Hơn 40 năm, một khoảng thời gian không phải là dài để cải tạo vùng đất ĐTM được mệnh danh “con hổ ngủ” trở thành nơi “đất lành chim đậu”. Tuy nhiên, với chừng ấy năm, vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” Tân Phước gần như đã đi lên từ không đến có. Bằng ý chí quyết tâm, sự đoàn kết, trên dưới một lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Tiền Giang đã cùng chung tay, góp sức để buộc vùng đất “bưng sậy lên hoang” phải “hồi sinh”.

Cây khóm giúp “hồi sinh” vùng đất phèn Tân Phước.                                                 	  Ảnh: NGỌC LAN
Cây khóm giúp “hồi sinh” vùng đất phèn Tân Phước. Ảnh: NGỌC LAN

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, đứng trước nhu cầu bức xúc về lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực, Tỉnh ủy Tiền Giang đã mạnh dạn có chủ trương huy động lực lượng lao động vào khai hoang vùng ĐTM của tỉnh Tiền Giang với diện tích trên 90.000 ha.

Đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã sớm xác định: Thủy lợi và giao thông là yếu tố then chốt, quyết định thắng lợi của công cuộc khai hoang, mở đất và đã tiến hành đào một số tuyến kinh, đắp lộ, xây dựng nông trường, trạm, trại… quyết tâm chinh phục và “Chung sống với đất phèn” bằng hệ thống thủy lợi, hệ thống kinh đầu nguồn, với các kinh: 500, Trương Văn Sanh, Hai Hạt, Nguyễn Văn Tiếp… kết hợp với mạng lưới kinh nội đồng, cùng những bờ vùng, bờ bao và khu dân cư “né lũ”, nhằm đưa nước sông Tiền vào, đẩy nước chua phèn xuống hạ lưu; đồng thời, phá giáp nước, làm thay đổi về chất lượng nước, tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên vào thời kỳ này, công cuộc khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐTM gặp nhiều khó khăn, do thiếu máy móc cơ giới, trong khi điều kiện tự nhiên lại khắc nghiệt, đất đai bị phèn nặng, mùa lũ nước ngập sâu và kéo dài; mùa khô lại thiếu nước ngọt, nên dù trải qua biết bao gian nan, vất vả, nhưng công cuộc khai thác và di dân xây dựng vùng kinh tế mới chưa đạt yêu cầu, người dân đến rồi lại đi, không gắn bó với vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” này.

Năm 1976, UBND tỉnh Tiền Giang ký ban hành Chỉ thị đào kinh Trương Văn Sanh để mở màn cho chiến dịch khai phá ĐTM, sau đó hàng ngàn thanh niên xung phong, phụ nữ cùng lực lượng bộ đội, công an đã được huy động triển khai công trình bắt đầu từ xã Mỹ Phước Tây (huyện Cai Lậy) đến xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước) dài gần 20 km. Tất cả đều làm thủ công, sau 3 tháng con kinh đã hoàn thành. Sau khi đào kinh xong, tỉnh cho thành lập Nông trường Tân Lập, Nông trường Nguyễn Văn Phùng rồi vận động nhân dân các huyện đến khai hoang, mở đất.

Sau đó, Tỉnh ủy Tiền Giang chủ trương đào tiếp kinh Hai Hạt song song với kinh Trương Văn Sanh. Hàng ngàn lao động tiếp tục vào cuộc chinh phục thiên nhiên, 1 năm sau, kinh Hai Hạt hoàn thành, vùng ĐTM phèn chua bắt đầu chuyển mình.

Đến cuối năm 1983, trong khuôn khổ Chương trình khoa học - kỹ thuật trọng điểm cấp Nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2” đã đánh giá tổng hợp thực trạng, tiềm năng kinh tế vùng ĐTM và đề xuất phương án sản xuất thích hợp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện; đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên.

Trên cơ sở đó, năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị 74 chủ trương khai thác toàn vùng ĐTM, 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, chuyển công cuộc khai thác vùng ĐTM bước sang giai đoạn mới, được Trung ương tập trung đầu tư nhiều chương trình cụ thể. Từ đó, Tỉnh ủy Tiền Giang đẩy mạnh công tác chỉ đạo tổ chức triển khai tiến quân mạnh mẽ vào khai thác vùng ĐTM đạt hiệu quả cao, dẫn đến hình thành huyện mới Tân Phước vào năm 1994.

Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang, cùng nỗ lực của lãnh đạo huyện Tân Phước và sự đồng cam cộng khổ của nhân dân từ khắp nơi đến lập nghiệp, đã biến vùng đất hoang hóa nhiễm phèn, thiên nhiên khắc nghiệt, ít người sinh sống thành vùng đất trù phú như hôm nay. Vùng ĐTM - Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã thay đổi hoàn toàn với những mô hình kinh tế - xã hội phát triển, mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang dần từng bước phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nhằm khai thác ngày càng tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của vùng đất một thời được xem “rốn lũ, rốn phèn”.

CÒN ĐÓ NHỮNG TIỀM NĂNG

Ngày nay, huyện Tân Phước có nhiều tiềm năng lớn về phát triển du lịch, trong đó có những điểm đến độc đáo như: Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác… Huyện ủy, UBND huyện Tân Phước đã và đang đề ra nhiều giải pháp thiết thực để từng bước “đánh thức” tiềm năng du lịch của vùng đất này.

Từ lâu, khóm Tân Phước đã trở thành thương hiệu nổi tiếng gắn liền với vùng đất phèn Tân Phước, với diện tích hơn 15.000 ha khóm chuyên canh, sản lượng thu hoạch hằng năm khoảng 250 ngàn tấn. Ngày nay, đến với Tân Phước, khách tham quan không chỉ được trải nghiệm thu hoạch khóm, thưởng thức những trái khóm tươi ngon, mà còn được tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất mứt khóm có hương vị thơm ngon.

Ảnh: D.S
Ảnh: D.S

Cùng với các cánh đồng khóm, huyện Tân Phước còn có gần 1.800 ha trồng thanh long, mít… Đặc biệt, Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM có diện tích khoảng 100 ha ở xã Thạnh Tân được xem là điểm nhấn khi đến tham quan du lịch ở huyện Tân Phước. Thông qua việc bảo vệ nghiêm ngặt, mỗi năm nơi đây có thêm khoảng 1.000 chim thú sinh sôi với nhiều loài chim quý hiếm. Điểm thu hút khách tham quan là được chèo xuồng khám phá những vùng rừng ngập phèn với không gian yên tĩnh, môi trường trong lành được bao bọc bởi rừng tràm xanh tốt…

Cách Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM 2 km, khách có thể đến tham quan Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (tại xã Thạnh Tân). Thiền viện là một trong những điểm đến độc đáo thu hút đông đảo khách du lịch, phật tử trong tỉnh và cả nước đến tham quan hằng năm. Vào ngày 20-12-2020, thiền viện đã tổ chức Lễ đặt đá xây dựng quần thể không gian Thiền sư Việt và an vị Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Hằng năm, số người đến tham quan, chiêm ngưỡng Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác và Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM rất đông, qua thống kê lượng khách mỗi năm đều tăng. Cùng với đó, chùa Phật Đá (thị trấn Mỹ Phước) cũng là một công trình kiến trúc lâu đời mang nét đặc trưng Phật giáo gắn liền với vùng đất Tân Phước, cũng như có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Tân Phước hiện có 8 di tích lịch sử văn hóa được công nhận (1 di tích cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh). Bên cạnh đó, khách có thể đến tham quan, tìm hiểu Làng nghề Nón bàng buông ở xã Tân Hòa Thành có từ lâu đời, được người dân nơi đây duy trì và phát triển.

HÀ ANH (tổng hợp)

.
.
.