Thứ Tư, 22/12/2021, 10:13 (GMT+7)
.

Về chợ gạo lớn nhất miền Tây

Từ TP. Mỹ Tho xuôi theo Quốc lộ 1 về Cái Bè, ngang qua địa phận xã An Cư, người đi đường hay lấy làm lạ về cảnh tượng xe tải chở hàng nhộn nhịp trên một đoạn đường dài cả cây số. Nơi ấy không phải là thị tứ hay thị trấn, cũng không phải là bến xe, nhưng xe tải các loại luôn đậu chật kín hai bên đường. Đó là một khu chợ chuyên doanh mặt hàng duy nhất là gạo, mà người địa phương thường gọi là “Chợ gạo Bà Đắc”, còn giới kinh doanh lúa gạo gọi là “Chợ gạo Cái Bè” - Tiền Giang.

Một góc chợ gạo Bà Đắc dưới sông.
Một góc chợ gạo Bà Đắc dưới sông.

TRÊN BẾN, DƯỚI THUYỀN

Chợ gạo Bà Đắc là chợ bán sỉ gạo lớn nhất của vựa lúa miền Tây Nam bộ và cả Việt Nam. Chợ nằm trên dải đất hẹp, mặt tiền dọc theo Quốc lộ 1, điểm đầu từ cầu Bà Đắc, điểm cuối là cầu An Cư. Phía sau là con sông An Cư ôm một vòng cung dài khoảng 1.500 m, tạo nên cảnh trên bến, dưới thuyền đặc chất vùng châu thổ Cửu Long, gợi nhớ câu ca dao phương Nam:

Bên dưới có sông, bên trên có chợ
Hai đứa mình kết vợ chồng nghen!

Người ta vẫn bảo “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Chợ gạo này hội đủ cả ba nên càng đắc địa.

Chợ gạo Bà Đắc có từ bao giờ và năm nay bao nhiêu tuổi thì không ai nhớ rõ. Trong ký ức của nhiều người dân sống lâu năm ở đây, thì khu vực này ngày xưa rất sầm uất, chủ yếu là trồng các loại cây ăn trái. Khoảng năm 1985 - 1986, cả khu vực chỉ có duy nhất vựa trái cây của ông Hai Đức. Trồng trái cây đôi khi cũng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu thu hoạch vào những vụ mùa nên thu nhập không mấy khấm khá, còn chủ vựa trái cây cũng không có hàng để giao mỗi khi hết mùa.

Thấy vậy, ông Hai Đức nghỉ vựa trái cây chuyển sang vựa gạo. Vựa gạo của ông Hai Đức đã khởi đầu cho vựa gạo Cửu Long, Tấn Tài và hàng loạt vựa gạo khác liên tục ra đời, kéo dài từ cầu An Cư đến cầu Bà Đắc gần 4 cây số. Bên cạnh các vựa gạo, là những nhà máy xay xát. Thời đó mỗi nhà máy xay xát là một vựa gạo do lúa vựa xay ra là có bạn hàng đến giao dịch, chuyển đi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông.

Theo thời gian, các nhà máy xay xát không còn phù hợp nữa vì không gian chật hẹp, bụi bặm, không có chỗ chứa trấu, nên các chủ nhà máy xay xát phải dời đi chỗ khác. Đến nay, chỉ còn lại chủ yếu là vựa gạo để bạn hàng giao dịch cùng một số ít nhà máy tách màu, lau bóng gạo. Hiện chợ gạo Bà Đắc có hơn 40 nhà máy gia công lau bóng gạo xuất khẩu và gần 80 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo hoạt động suốt ngày đêm.

Trước đây, chủ vựa mua ghe lúa nào là xay luôn ghe đó, gạo bán ngay cho các công ty. Nhưng hiện nay, vựa nào cũng xây kho để dự trữ lúa phòng giá biến động. Vệ tinh của chợ là gần 500 sân phơi, lò sấy lúa lớn nhỏ quanh vùng nên những bạn hàng không còn cảnh phải chạy đôn, chạy đáo tìm sân phơi như xưa nữa. Các dịch vụ phụ trợ cho ngành gạo như chà lúa, lau bóng gạo, tách màu gạo… ở chợ cũng có đủ.

Một ngày mới ở chợ gạo Bà Đắc thường được bắt đầu từ các bà bạn hàng xáo hay tụ năm, tụm bảy trên bờ, dưới ghe, trao đổi với nhau về công việc thu mua lúa gạo trong ngày. Chuyện đời, chuyện làm ăn, kể cả những câu chuyện rất riêng tư, họ kể ra để cười cho đã với nhau, có lẽ cũng là cách làm vơi nhẹ nỗi lo mua bán cũng ít nhiều bất trắc…

Những người có mặt tại khu chợ này làm nhiều nghề khác nhau, nhưng tựu trung đều là những người góp phần đưa hạt gạo của đồng bằng Nam bộ đi xa… Họ là những thương lái chờ mua, những bạn hàng xáo đang chờ bán, những công nhân khuân vác, những hàng quán bình dân khuya sớm. Mỗi người mỗi việc, cùng nhau làm nên chợ gạo Bà Đắc sung túc nhưng vẫn giữ nét riêng của một chợ vùng sông nước phương Nam.

Đời chợ cũng không nhẹ nhàng, nhất là công nhân bốc vác. Gạo từ ghe lên vựa, từ vựa ra ghe hàng, xe tải đều nhờ những đôi bàn tay chai sạn, đôi vai vạm vỡ, đôi chân chắc nịch của những người đàn ông luôn ướt mồ hôi. Theo thống kê của UBND xã An Cư, số công nhân bốc vác ở chợ gạo Bà Đắc lên đến cả ngàn người, trong đó hai phần ba là dân tứ xứ.

MUA TẬN GỐC, BÁN TẬN NGỌN

Mỗi ngày, chợ gạo Bà Đắc hoạt động từ sáng đến tối, những vụ mùa các vựa giao dịch luôn cả ban đêm để không ảnh hưởng đến chất lượng của gạo. Để gạo đảm bảo tiêu chuẩn, những vựa gạo còn đầu tư máy lau, máy lọc tạp chất… cho hạt gạo được sáng, bóng bán ra có giá.

Khi đến chợ Bà Đắc vào bất cứ vựa nào, ai cũng phải lóa mắt trước cảnh gạo đóng từng 50 kg/bao, chất tầng tầng lớp lớp từ sàn lên tận nóc. Kho ít cũng vài ngàn tấn, nhiều thì đến dăm chục ngàn tấn. Người người tất bật đóng bao, vác ra băng chuyền, kiểm gạo, ngã giá, xếp vào thùng xe… Người, xe rộn rịp, nói cười huyên náo, vui tươi.

Một trong những vựa gạo ở chợ gạo Bà Đắc.
Một trong những vựa gạo ở chợ gạo Bà Đắc.

Người mua ai nấy cầm cây xôm chọc nhẹ vào bao gạo, rút ra, đổ vào lòng bàn tay. Nhìn bằng mắt xem hình dáng, độ dài hạt gạo rồi đưa lên mũi ngửi hương, đút một hạt vào miệng nhấm nhẹ để cảm nhận gạo cứng hay bở. Cuối cùng là lấy một túi gạo mẫu mang đi nấu cơm.

Để giúp các lái buôn quyết định về chất lượng gạo, có một dịch vụ thú vị nhất ở chợ gạo này, đó là những quán cơm nấu mẫu. Chị Đinh Thị Cẩm Hằng, 36 tuổi, bán nước giải khát và nấu cơm cho người ta thử ở chợ này đã 10 năm nay. Hằng ngày, chị ra chợ lúc khoảng 5 giờ rưỡi sáng để bày biện nồi cơm điện, bàn ghế, đồ ăn, thức uống. 6 giờ là bắt đầu có khách, rồi cứ luôn chân luôn tay cho đến chiều, tầm 15 - 16 giờ. Mỗi lần nấu cho khách một mẫu cơm, chị lấy 10.000 đồng tiền công.

Chị Ngô Thị Thắm, chủ vựa gạo Thiên Phú 2, chợ gạo Bà Đắc, đã hành nghề buôn gạo được gần 20 năm nay. Chị đúc kết nghề nghiệp của mình là “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Vựa của chị thường xuyên có 5 loại gạo, còn lại ai muốn lấy loại gì thì chị đi gom loại ấy để đáp ứng yêu cầu. Không cần nhìn sổ, đọc vanh vách giá các loại gạo rồi chị bảo: “Ở đây ai muốn mua loại gạo nào cũng có hết”. Trung bình một tháng chị Thắm xuất chừng 20 - 30 tấn gạo.

Chợ gạo Bà Đắc có đầy đủ các loại gạo, từ Hàm Châu, Đài nguyên, tài nguyên Chợ Đào cho đến gạo lứt, nếp, đa số được thu mua từ các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất là các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang… Chính vì sự đa dạng chủng loại gạo nên chợ gạo Bà Đắc đã trở thành nơi cung cấp gạo hàng đầu của cả nước, thậm chí còn được xuất khẩu sang cả các nước châu Âu.

Một điểm đặc biệt là chợ gạo Bà Đắc thuộc nằm lòng hết tình hình lúa gạo của người nông dân, muốn biết năm nay loại lúa nào được trồng nhiều, thị trường lúa, gạo thế nào… những người mua bán gạo ở khu vực chợ gạo Bà Đắc đều biết. Anh Nguyễn Văn Nam (công nhân lâu năm ở ấp Mỹ Tường B, xã Hậu Mỹ Trinh) cho biết: “Lượng gạo đổ về nhiều nhất là mùa hè thu và đông xuân, còn bình thường chỉ đủ để cung ứng cho thị trường, nhiều lúc hút hàng, giá cả tăng cao, thu nhập của công nhân cũng tăng theo, nuôi sống được vợ con”.

Theo các thương lái ở chợ gạo Bà Đắc, việc mua bán gạo lên xuống từng ngày, thậm chí từng buổi, từng giờ. Thường giá cao vào buổi sáng, còn chiều thì đôi khi bị tuột nên mua bán cũng phải biết nắm bắt thị trường. Chị Thắm, chủ vựa gạo Thiên Phú 2 cho rằng, cái khó của nghề là mỗi ngày có hàng trăm loại gạo, giá cả lên xuống từng giờ nên người mua, kẻ bán phải nhạy cảm với thị trường, có kinh nghiệm, có nguồn tin rộng, có mối lái thân quen, uy tín. Ngoài chữ tín ra, phải có người kiểm gạo để đảm bảo đúng chất lượng theo mẫu đã chào.

Theo UBND huyện Cái Bè, trung bình mỗi ngày có từ 200 - 300 xe tải từ các tỉnh, thành phố về chợ gạo Bà Đắc lấy hàng, những ngày vào vụ thì có thể gấp đôi. Nếu tính mỗi xe từ 10 - 15 tấn thì mỗi tháng chợ cung ứng cho thị trường không dưới 135 ngàn tấn gạo. Từ chợ gạo đầu mối Bà Đắc theo thời gian đã hình thành nên chuỗi chuyên doanh lúa gạo: Thu mua, xay xát, đánh bóng, tiếp thị, cung ứng, vận chuyển…

Chợ gạo Bà Đắc không chỉ thu hút các thương lái gần xa, mà còn làm cho đời sống người dân địa phương thêm phần nhộn nhịp. Qua chợ, có thể thấy bức tranh nông nghiệp đồng bằng, với cây lúa vẫn là chủ lực. Khi chợ sung túc, cũng là niềm vui cho nông dân miền Tây và ngược lại. Câu chuyện về chợ gạo Bà Đắc xem ra cũng chính là câu chuyện của những nhà nông đồng bằng.

P. NGHI

.
.
.