Thứ Tư, 23/03/2022, 19:54 (GMT+7)
.

Tiền Giang: 2.589 hộ thoát nghèo, cận nghèo từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi

(ABO) Chiều 23-3, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động tín dụng chính sách năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Chủ trì hội nghị có đồng chí Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh. Ban Giám đốc NHCSXH tỉnh Tiền Giang và đại diện lãnh đạo chính quyền các địa phương trong tỉnh đến dự.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Trong năm 2021, tổng dư nợ 12 chương trình tín dụng hơn 3.114 tỷ đồng, tăng hơn 328 tỷ đồng so với năm 2020, chiếm tỷ lệ tăng trưởng 11,77%. NHCSXH tỉnh Tiền Giang thực hiện tăng trưởng tín dụng đạt 99,94% kế hoạch đề ra, cơ bản đáp ứng kịp thời nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trong đó, mức cho vay hộ nghèo từ 27 triệu đồng/hộ năm 2020 tăng lên 30 triệu đồng/hộ năm 2021 và hộ cận nghèo từ gần 25 triệu đồng/hộ năm 2020 tăng lên hơn 30 triệu đồng/hộ năm 2021. Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp 2.589 hộ thoát nghèo, cận nghèo và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,47%; giải quyết việc làm cho gần 5.400 lao động và hỗ trợ tạo điều kiện cho trên 2.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập; giúp xây dựng gần 18.000 công trình nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn; giúp cho nhiều lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và hỗ trợ 30 hộ gia đình, người lao động có thu nhập thấp được vay vốn nhà ở xã hội để sửa chữa và xây dựng mới các ngôi nhà khang trang; giải ngân 37 khách hàng, số tiền hơn 67 tỷ đồng để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho gần 19.000 lượt lao động…

a
Đồng chí Trần Văn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 170/172 xã, phường, thị trấn có Điểm giao dịch tín dụng chính sách và được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi, hoạt động ngày càng ổn định và đi vào nền nếp. Tỷ lệ giải ngân tại các Điểm giao dịch tín dụng chính sách xã đạt 94,14%, thu nợ đạt 90,65%, thu lãi đạt 98,70%.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 2.819 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội với dư nợ cho vay trên 3.038 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 97,57% trên tổng dư nợ của NHCSXH, tăng gần 266 tỷ đồng so với năm 2020, chiếm tỷ lệ tăng trưởng 9,56%.

Năm 2022, NHCSXH tỉnh Tiền Giang đề ra kế hoạch phấn đấu tổng dư nợ tăng 295 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2021.

a
Đồng chí Trần Văn Dũng trao Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang cho các tập thể có thành tích đóng góp hoạt động tín dụng chính sách năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Dũng đề nghị Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tiền Giang cần nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay.

Đồng thời, đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

a
Đồng chí Trần Văn Dũng trao Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang cho các cá nhân có thành tích đóng góp hoạt động tín dụng chính sách năm 2021.

Dịp này, UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 7 cá nhân có thành tích đóng góp hoạt động tín dụng chính sách năm 2021.

LÊ MINH

.
.
.